Đun nấu bằng bếp gas trong hộ gia đình có liên quan đến 12,7% trẻ em mắc bệnh hen suyễn tại Mỹ. Vấn đề này được so sánh với ảnh hưởng sức khỏe từ việc hút thuốc thụ động.

1 Bep Gas La Thu Pham Khien Hang Ngan Tre Em Bi Hen Suyen

Đây là kết quả nghiên cứu do tổ chức tư vấn môi trường Rocky Mountain Institute (RMI) dẫn đầu thực hiện và công bố trên Tạp chí quốc tế về Nghiên cứu môi trường và Sức khỏe cộng đồng (International Journal of Environmental Research and Public Health) hồi tháng trước. 

Hiện khoảng 35% nhà bếp ở Mỹ dùng gas để đun nấu mà những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng phát thải khí nitrogen dioxide (NO2) cao hơn. Khí NO2 được cho là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự phát triển của bệnh hen suyễn và có khả năng làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp, do đó có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn cao hơn. 

Trưởng nhóm nghiên cứu Talor Gruenwald, nhà khoa học dữ liệu thuộc tổ chức ủng hộ điện khí hóa Rewiring America, cho rằng phát hiện này cho thấy khoảng 650.000 trẻ em tại Mỹ đang mắc bệnh hen suyễn, những người có thể không bị mắc bệnh này nếu không tiếp xúc với bếp gas. Thậm chí, ông còn so sánh với những ảnh hưởng sức khỏe do việc hút thuốc thụ động, cho rằng “sử dụng bếp gas cũng giống như việc có người hút thuốc sống trong nhà bạn vậy.”

Nghiên cứu này đã gây tranh cãi tại Mỹ giữa các phe ủng hộ và phản đối. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm kêu gọi người dân nước này chuyển sang sử dụng bếp điện hoặc bếp từ. Theo bà, Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ sẽ giúp người dân nước này dễ dàng tiếp cận với các loại bếp điện và bếp từ.

Trong khi đó, Hiệp hội Khí đốt Mỹ, tổ chức ủng hộ dùng gas đun nấu lại phản đối, cho rằng nghiên cứu này chưa tiến hành đánh giá hoặc kiểm tra dựa trên việc sử dụng thiết bị trong đời thực, tỷ lệ phát thải hoặc mức độ phơi nhiễm.

Trước đó, một nghiên cứu tương tự công bố năm 2018 cũng cho thấy 12,3% số trẻ em mắc bệnh hen suyễn ở Australia là do bếp gas.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hen suyễn là bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em, ảnh hưởng đến khoảng 262 triệu người trên toàn cầu và gây ra 455.000 ca tử vong vào năm 2019.

Bệnh hen suyễn ở trẻ em cần điều trị đúng để tránh biến chứng

Theo SKĐS, hen phế quản (hen suyễn) rất thường gặp ở trẻ em. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Hen suyễn là một bệnh viêm mãn tính của đường thở. Trẻ em có tỉ lệ mắc bệnh hen cao gấp đôi so với người lớn (tỉ lệ mắc bệnh hen ở trẻ em là 10% so với người lớn là 5%). Đây là bệnh có tính chất gia đình và không phải là bệnh truyền nhiễm.

Tình trạng viêm làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau: Lông động vật nuôi (chó, mèo), gián, khói thuốc lá, hóa chất nặng mùi (xà phòng, chất tẩy rửa, thuốc diệt côn trùng…), phấn hoa, nước hoa, nước xịt phòng, nhang khói…

Khi tiếp xúc với chất kích thích, phế quản sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hen suyễn ở trẻ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Xẹp phổi, giãn phế nang đa tiểu thùy, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, tổn thương não, suy hô hấp…

Khi trong gia đình có tiền sử người mắc bệnh hen, tỉ lệ trẻ mắc bệnh này khá cao. Do vậy cần nhận biết dấu hiệu hen suyễn của trẻ để được khám và điều trị sớm. Người chăm sóc trẻ cần nhận biết sớm các dấu hiệu của cơn hen đang đến: Ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm.

Lúc này, cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay xông) theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau đó cho trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh các hoạt động trong 1 giờ.

Hen là một bệnh không thể trị dứt được nhưng có thể kiểm soát tốt bằng việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Phòng ngừa hen sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt – học tập – vui chơi bình thường.

Thuốc phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay là những thuốc kháng viêm dùng dưới dạng hít, cũng rất an toàn và không gây nghiện. Thời gian dùng thuốc phải đủ dài (thường nhiều tháng) để có đủ khả năng cải thiện được tình trạng viêm đường thở.

Cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, tái khám đúng hẹn và không bao giờ được tự ý ngưng thuốc ngay cả khi trẻ có vẻ đã tốt hơn.

Ngoài ra, cần hạn chế các yếu tố kích thích có thể làm khởi phát cơn hen như:

Không để vật nuôi trong nhà, tránh dùng các loại thuốc xịt như xịt muỗi, nước hoa, xịt phòng, không hút thuốc lá nơi gần trẻ. Nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn mền bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng.

Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho trẻ lại gần vật nuôi.

Không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng, đồ chiên nướng,…




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC