Xếp hạng theo GDP bình quân đầu người (theo giá đôla Mỹ hiện tại), Kyrgyzstan là quốc gia nghèo thứ năm ở châu Á với khoảng 32% dân số sống dưới mức nghèo khổ.
1/4 dân số Kyrgyzstan sống trong cảnh nghèo đói (Ảnh: Borgen Magazine).
Kyrgyzstan là nước nào?
Kyrgyzstan là một quốc gia trong lục địa của Trung Á, phía tây bắc và bắc giáp Kazakhstan, phía đông và nam giáp Trung Quốc, phía nam và phía tây giáp Tajikistan và Uzbekistan. Hầu hết biên giới của Kyrgyzstan đều chạy dọc theo các đỉnh núi. Thủ đô của Kyrgyzstan là Bishkek. Đất nước này có 7 tỉnh, đó là Batken, Chuy, Djalal-Abad, Issyk-Kul, Naryn, Osh và Talas.
Địa hình của Kyrgyzstan chủ yếu là đồi núi với hơn 85 dãy núi lớn nhỏ, bao phủ hơn 70% lãnh thổ địa lý. 53% diện tích đất là đất nông nghiệp, 3,4% là đất rừng. Trong số đất nông nghiệp, diện tích đất canh tác chiếm 12,3% với 1,3 triệu ha, còn lại là đồng cỏ.
Do điều kiện địa hình và khí hậu khắc nghiệt, mùa đông lạnh thấu xương và mùa hè nóng như thiêu đốt, dân cư của Kyrgyzstan rất thưa thớt. Tính đến ngày 31/12/2021, dân số của quốc gia này là khoảng hơn 6,6 triệu người. Với diện tích gần 200.000 km2, mật độ dân số trung bình là xấp xỉ 35 người/km2. Phần lớn dân số sống ở vùng nông thôn. Gần 3/4 dân số của Kyrgyzstan là người Kyrgyz, một dân tộc Turk theo đạo Hồi.
Kyrgyzstan là một quốc gia nằm kín trong lục địa của Trung Á (Ảnh: Encyclopædia Britannica).
Người dân Kyrgyzstan có truyền thống chăn nuôi và trồng trọt. Vào cuối thế kỷ 20, nước cộng hòa này đã trở thành một nhà cung cấp kim loại màu, đặc biệt là quặng antimon và thủy ngân, đồng thời là nhà sản xuất máy móc, sản phẩm công nghiệp nhẹ, thủy điện và thực phẩm. Kyrgyzstan sở hữu một trữ lượng đáng kể vàng, than, một số mỏ dầu khí và khí đốt tự nhiên.
Quốc gia này có tài nguyên phong phú, bao gồm khoáng sản, rừng, đất canh tác và đồng cỏ, và có tiềm năng đáng kể để mở rộng ngành nông nghiệp, sản xuất thủy điện và ngành du lịch.
Nền kinh tế Kyrgyzstan dễ bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài do phụ thuộc nhiều vào kiều hối (chiếm 25% GDP) và khai thác vàng (khoảng 10% GDP).
Các đối tác xuất khẩu chính của Kyrgyzstan là Thụy Sĩ (27% tổng kim ngạch xuất khẩu, chỉ xuất khẩu vàng), Kazakhstan (17%), Nga (15%), Anh (11%) và Uzbekistan (8%). Đối tác nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc, với khoảng 34% tổng nhập khẩu, cung cấp cho Kyrgyzstan máy móc, quần áo và các sản phẩm sản xuất khác. Nga là đối tác lớn thứ hai với 26% tổng kim ngạch nhập khẩu, tiếp theo là Kazakhstan với 13%.
Vì sao nước này nghèo?
Theo World Population Review, Kyrgyzstan là quốc gia nghèo thứ 5 ở châu Á (tính theo GDP đầu người) và thuộc top 10 quốc gia nghèo nhất thế giới. Theo thống kê của Ủy ban Thống kê Quốc gia, 1/4 dân số Kyrgyzstan (tương đương hơn 1,6 triệu người) sống dưới mức nghèo khổ vào năm 2020. Khoảng 73,7% trong số họ là cư dân của các khu định cư nông thôn. Đặc biệt, gần 60.000 người ở Kyrgyzstan sống dưới mức nghèo cùng cực, chiếm khoảng 1% dân số.
Trong lịch sử, Kyrgyzstan từng được biết đến là một trong những ngã tư lớn của Con đường Tơ lụa. Bị thống trị bởi một loạt các bộ lạc và thị tộc luân phiên, đất nước này cuối cùng đã giành được chủ quyền vào năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã. Kể từ khi thành lập, Cộng hòa Kyrgyzstan đã đạt được những tiến bộ về kinh tế, nhưng đã có những trở ngại nghiêm trọng trong quá trình chuyển đổi. Vậy tại sao Kyrgyzstan lại nghèo?
Trên thực tế, theo Coface, Kyrgyzstan có rất nhiều thuận lợi và tiềm năng để phát triển nền kinh tế.
Cụ thể, quốc gia này sở hữu nguồn tài nguyên kim loại dồi dào (vàng, đồng, uranium, thủy ngân, antimon, chì, sắt), chiếm 30% GDP và tiềm năng du lịch và thủy điện lớn (mới khai thác 10%). Ngoài ra, Kyrgyzstan còn có vị trí chiến lược và nằm trong hành lang trung chuyển giữa Trung Quốc, Nga và châu Âu, thuận lợi cho giao thương phát triển. Quốc gia này còn nhận được hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ đa phương và song phương, đặc biệt là từ Trung Quốc. Một điểm mạnh nữa là Kyrgyzstan là thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và thành viên Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Có nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế như vậy nhưng tại sao Kyrgyzstan luôn thuộc top các quốc gia nghèo nhất ở châu Á và trên thế giới?
Theo The Borgen Project, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo đói ở Kyrgyzstan.
Thứ nhất là không còn sự hỗ trợ của Liên Xô.
Kyrgyzstan không xuất khẩu nhiều hàng hóa, mặc dù nông nghiệp là ngành sản xuất lớn nhất của quốc gia này. Dù sở hữu nhiều mỏ vàng và hoạt động khai thác nhộn nhịp, nhưng các khoản tiền này không bù đắp được những thiếu hụt kinh tế khác của Kyrgyzstan. Khi còn là một phần của Liên Xô, nước này có thể trông cậy vào các quốc gia vệ tinh khác của Liên Xô để tìm kiếm các cơ hội thị trường, đặc biệt là Nga, để đầu tư. Kể từ khi độc lập, mạng lưới an toàn này đã không còn.
Tỷ lệ thất nghiệp là 8,4%, vì vậy nhiều người lao động rời khỏi đất nước và đến Nga để tìm cơ hội. Tuy nhiên, lượng tiền gửi về từ những công nhân cũ không đủ để duy trì nền kinh tế.
Thứ hai là nông nghiệp chưa phát triển đầy đủ.
Có lẽ một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng nghèo đói ở Kyrgyzstan là sự phụ thuộc quá nhiều vào nông nghiệp bất chấp những thiếu hụt về kiến thức và nguồn lực. 2/3 dân số quốc gia này sống ở nông thôn, tuy nhiên, những người này không được đào tạo đầy đủ về quản lý đất đai, chăn nuôi, thú y và kỹ thuật thu hái. Điều này dẫn đến việc đất đai không còn màu mỡ để có thể sản xuất lương thực và thức ăn cho gia súc.
Không có gì ngạc nhiên khi 75% người nghèo ở Kyrgyzstan sống ở các vùng nông thôn và 12% tổng dân số bị mất an ninh lương thực.
Dãy Tian Shan bao trùm hơn 70% lãnh thổ Kyrgyzstan (Ảnh: Reddit).
Thứ ba là thiếu nguồn tài chính.
Các tổ chức tài chính ở Kyrgyzstan khá yếu kém. Các định chế tài chính - chẳng hạn như hệ thống ngân hàng mạnh, khả năng đầu tư, cấp vốn vi mô và quản lý tài chính cá nhân - là chìa khóa để duy trì tăng trưởng kinh tế. Song tại nước này, rất ít người, đặc biệt là những người ở nông thôn, tiếp cận được với ngân hàng và do đó không có khả năng đầu tư hoặc tiết kiệm. Ngay cả ở cấp độ quốc gia, tiền thường được quản lý sai và Kyrgyzstan xếp hạng kém trong Chỉ số Nhận thức tham nhũng.
Kyrgyzstan có thể có tỷ lệ nghèo cao, nhưng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo trong những năm gần đây. Năm 2000, tỷ lệ nghèo đói là 62% và hiện đã giảm một nửa. Việc thiếu ổn định về kinh tế và chính trị đặt ra những rào cản đối với giảm nghèo và phát triển kinh tế ở quốc gia Trung Á này.
Đất nước ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn
Mặc dù nền kinh tế kém phát triển nhưng Kyrgyzstan là một quốc gia có sức hấp dẫn với nhiều người, đặc biệt là hikers (người đi bộ đường dài) và những người yêu thích văn hóa bản địa. Vậy điều gì làm nên sức hấp dẫn cho quốc gia này?
Trước tiên, Kyrgyzstan được biết đến là trái tim của Con đường Tơ lụa. Không phải ngẫu nhiên mà những người mê xê dịch lại bị hấp dẫn bởi một đất nước xa xôi hẻo lánh như này. Kyrgyzstan đã mang trong mình cả chiều dài hơn 2.000 năm lịch sử của những tộc người du mục và những lữ đoàn caravan trên Con đường Tơ lụa huyền thoại.
Kyrgyzstan có tới 3 di sản thế giới của được UNESCO công nhận, một trong số đó là dãy núi Tian Shan - một Con đường Tơ lụa lịch sử, con đường thương mại cổ xưa kết nối Trung Quốc với châu Âu và Trung Đông.
Con đường Tơ lụa được thành lập từ thời nhà Hán vào năm 130 trước Công nguyên, và các tuyến đường vẫn được sử dụng cho đến khi Đế chế Ottoman đóng cửa vào năm 1453 sau Công nguyên. Tác động lâu dài vẫn có thể cảm nhận được đối với thương mại và văn hóa của khu vực trong suốt những thế kỷ sau đó, và du khách bị thu hút bởi cảnh quan kỳ lạ và đầy huyền thoại này.
Đồ ăn bán tại khu chợ Osh Bazaar (Ảnh: Wikipedia).
Nằm ở độ cao hơn 3.000 mét giữa những ngọn núi cao bất khả xâm phạm của dãy Tien Shan và sát ngay biên giới với Trung Quốc, thung lũng Tash Rabat là chứng nhân lịch sử đã đón tiếp bao nhiêu đoàn thương gia dừng chân giữa các chuyến buôn nối liền Trung Hoa cổ đại với các nước phương Tây và Trung Đông. Di tích Tash Rabat vốn là một khách sạn được xây dựng từ thế kỷ 13 hiện vẫn còn sừng sững nơi đây để nhắc nhớ về những giai thoại lịch sử huyền ảo gắn liền với Con đường Tơ lụa.
Một số điểm đến phổ biến khác trên Con đường Tơ lụa ở Kyrgyzstan là Tháp Burana và chợ Osh. Tháp Burana ban đầu cao 45 mét, nhưng theo thời gian động đất đã giảm nó xuống còn 25 mét. Nó đánh dấu địa điểm của thành phố cổ đại Balasagun, và được bao quanh bởi một cánh đồng đầy những bức tượng đá của các chiến binh. Ngôi chợ 3.000 năm tuổi ở Osh là một điểm đến thú vị cho khách du lịch đến để trải nghiệm cuộc sống trong thời kỳ hoàng kim của hoạt động buôn bán trên Con đường Tơ lụa và tìm hiểu cội nguồn của văn hóa Kyrgyzstan.
Con người cũng là một yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho Kyrgyzstan. Cũng giống như ở nhiều quốc gia Hồi giáo khác, người dân địa phương Kyrgyzstan cực kỳ hiếu khách, niềm nở. Đối với họ, khách là vua hay đúng hơn là do Chúa gửi đến, vì vậy họ luôn đón chào những người khách với sự hiếu khách và thân thiện. Và sự hiếu khách này được thể hiện qua những món ăn ngon khách được chiêu đãi.
Người Kyrgyzstan thân thiện, hiếu khách (Ảnh:Journal of Normads).
Đừng từ chối lời mời từ người dân địa phương nếu bạn không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì. Ngay cả khi bạn chỉ ở lại trong một thời gian ngắn, bạn sẽ được cung cấp ít nhất một phần bánh mì, và bạn nhất định không nên từ chối nó bởi vì bánh mì được coi là món ăn thiêng liêng ở đây. Bạn sẽ nhận thấy điều này ngay khi dạo qua các khu chợ ở Kyrgyzstan và chiêm ngưỡng những món bánh mì khác nhau đầy tính nghệ thuật.
Khoảng 70% dân số Kyrgyzstan theo đạo Hồi. Tuy nhiên, Hồi giáo tại Kyrgyzstan là một nền tảng văn hóa chứ không đơn thuần chỉ là việc thực hiện nghi thức tôn giáo hàng ngày. Nền tảng này kết hợp cùng với cốt cách của dân du mục đã tạo nên những con người Kyrgyzstan hào sảng và đậm đà bản sắc. Người Kyrgyzstan sống theo cộng đồng và những nếp sinh hoạt hàng ngày là sợi dây liên kết các thành viên gia đình qua nhiều thế hệ rất bền chặt.
Người Kyrgyzstan có nguồn gốc du mục. Trong suốt 3.000 năm, những người du mục sống sót đã lưu lạc và định cư ở các vùng nông thôn. Họ sống trong một cái lều gọi là yurt và hiện một số gia đình vẫn còn sống trong yurt. Yurt chính là một phần của văn hóa Kyrgyzstan và là điểm nhấn của cuộc sống du mục tại quốc gia này. Kyrgyzstan là một quốc gia rất coi trọng truyền thống và đã mang những phong tục cũ này từ thế hệ này sang thế hệ khác vào thời đại hiện đại. Đến với Kyrgyzstan, bạn có thể được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm nền văn hóa độc đáo đó.
Và một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho quốc gia Trung Á trên là phong cảnh tuyệt đẹp và nhiều điểm tham quan thú vị.
Giáp với dãy Tian Shan hùng vĩ, Bishkek là thủ đô và là một trong những nơi đẹp nhất để tham quan ở Kyrgyzstan. Được biết đến là cánh cửa dẫn đến Công viên Quốc gia Ala Archa và dãy núi Kyrgyz Ala-Too, Bishkek tự hào sở hữu các bảo tàng nhà nước, bảo tàng nghệ thuật, phòng trưng bày, nhà hát opera và ba lê. Ala-Too - quảng trường công cộng nằm ở vị trí trung tâm - có tượng đài Manas được xây dựng để tưởng nhớ Sử thi Manas của Kyrgyzstan. Thành phố luôn nhộn nhịp với khách du lịch đến từ các nơi khác nhau trên thế giới.
Di tích Tash Rabat với dấu vết của các chuyến buôn trên Con đường Tơ lụa (Ảnh: Asiamountains.net).
Kyrgyzstan được đánh giá là đất nước đẹp nhất trên thế giới với những đỉnh núi phủ tuyết trắng và đồng cỏ cao nguyên. Đất nước này có hơn 80 dãy núi, chiếm hơn 70% lãnh thổ và nhiều thung lũng và đồng bằng ấn tượng trải dài hàng dặm. Thiên nhiên hiện diện khắp mọi nơi ở Kyrgyzstan.
Điểm cao nhất là Jengish Chokusu, ở độ cao hơn 7.00 m thuộc dãy núi Tian Shan. Núi Tian Shan, trải dài khoảng 2.500 km giữa biên giới Trung Quốc và Kyrgyzstan. Ở đây có một hồ nước tuyệt đẹp được gọi là Hồ Thiên Đường. Hồ trên núi này được tạo ra bởi nước tan chảy từ các đỉnh núi tuyết, giống như một tấm gương trong vắt phản chiếu bầu trời và phong cảnh núi non phủ đầy cây cao sừng sững trên đó.
Kyrgyzstan là một quốc gia không có biển, nhưng lại được thiên nhiên ưu ái cho vùng đất này có rất nhiều hồ lớn nhỏ và được mệnh danh là vùng đất ngàn hồ với khoảng 2.000 hồ. Đặc biệt, quốc gia này sở hữu hồ Issyk Kul, hồ nước sâu thứ hai thế giới (sau hồ Titicaca ở Nam Mỹ). Hồ dài 113 dặm, rộng 37 dặm và đạt độ sâu 668 mét. Đây là một khu nghỉ mát nghỉ mát nổi tiếng trong thời kỳ Xô Viết.
Hồ Issyk Kul - hồ nước sâu thứ 2 thế giới (Ảnh: Pinterest).
Hồ Kel-Suu là một trong những nơi đẹp nhất ở Kyrgyzstan. Một sự thật thú vị về hồ này là nó có thể tự làm sạch. Mỗi khoảng thời gian - đôi khi cách nhau 7 năm, đôi khi là 21 - hồ hoàn toàn cạn khô trong cả mùa. Quy trình này giúp tất cả chất bẩn như gỗ gãy, lá cây, cặn bùn trôi theo nước. Lòng hồ trở nên sạch sẽ và khi mùa tiếp theo của nước từ núi đá tan băng đến, hồ trở lại sống động hoàn toàn trong suốt và lộng lẫy.
Ngoài ra, Kyrgyzstan cũng sở hữu một sông băng lớn, đó là sông băng Inylchek - lớn thứ sáu trên thế giới, không bao gồm những sông băng được tìm thấy ở các vùng cực. Con sông này dài 37,6 dặm, trải dài trên các quốc gia có biên giới với Trung Quốc.
Vườn quốc gia Ala Archa (Ảnh: Wikimedia).
Hồ Sông Kol với vẻ đẹp như thiên đường và sự thanh bình hay hồ nước mặn và giàu khoáng chất Issyk-Kul đều là những hồ nổi tiếng ở Kyrgyzstan, thu hút không ít lượng khách ghé thăm hàng năm.
Nép mình trong dãy núi Tian Shan, Vườn quốc gia Ala Archa được bao quanh bởi thảm thực vật trên núi cao. Cách thủ đô Bishkek 40 km và là một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi đến thăm ở Kyrgyzstan, công viên là nơi lý tưởng cho các hoạt động dã ngoại, khám phá động vật hoang dã, đi bộ xuyên núi, đi bộ tự nhiên và đi bộ đường dài.
Một điểm nhỏ nhưng khá quan trọng góp phần tạo ra một Kyrgyzstan riêng có hấp dẫn là cuộc biểu diễn săn cùng đại bàng - một tập tục cổ xưa được sử dụng rất phổ biến ở Trung Á, những trận đấu Kok Boru (môn thể thao đồng đội giống như polo), cưỡi ngựa hay các môn thể thao du mục khác.
Trình diễn săn cùng đại bàng (Ảnh: AP).
Có thể nói, sự nghèo đói không hề làm giảm sức hấp dẫn của Kyrgyzstan mà trái lại còn giúp làm nổi bật lên tiềm năng du lịch của quốc gia này. Ngành du lịch ước tính đóng góp khoảng 5% vào GDP và là một ngành tăng trưởng quan trọng đối với việc làm và phát triển kinh tế của Kyrgyzstan.
Trong khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch quốc tế, du lịch vẫn chiếm 2,9% GDP vào năm 2020.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí