Mr. Bean là cây hài nổi tiếng trên màn ảnh với lối diễn đơn giản, ít thoại, dựa nhiều vào hành động. Nhiều năm qua đi, nhân vật này vẫn gây tranh cãi dữ dội, nhận ý kiến khen chê trái chiều.
Có nhiều người, đặc biệt là người Anh không thể yêu mến nổi Mr. Bean. Dù vậy, những chương trình và bộ phim về cây hài này vẫn phủ sóng tại hơn 200 quốc gia, được đông đảo người hâm mộ trên khắp thế giới đón nhận.
“Đại sứ” không chính thức bị người Anh ghét bỏ
Tờ Mirror từng đăng tải một bài viết về Arthur Batchelor – một chàng thủy thủ người Anh gặp chuyện không may tại Iran. Anh bị hiểu nhầm và bị bắt khi đi lạc vào vùng biển của nước này. Batchelor bị bịt mắt, bị còng tay và biệt giam trong nhiều ngày.
Nhưng điều thực sự khiến chàng thủy thủ 20 tuổi phẫn nộ là câu chuyện mà những kẻ bắt giữ đem ra đùa cợt khi thẩm vấn anh. Tất cả những gì anh nghe hiểu được từ họ chỉ là từ “Mr. Bean”.
Sau đó, người phiên dịch tiết lộ cho Batchelor biết những kẻ bắt giữ nghĩ anh giống Mr. Bean. “Họ cố gắng làm cho tôi cảm thấy mình như một kẻ ngốc và ép tôi tiết lộ bí mật để chứng minh điều ngược lại”, anh bức xúc.
Mr. Bean không được lòng khán giả Anh vì bị cho là nguyên nhân khiến thế giới hiểu lầm về Anh quốc.
Từ câu chuyện trên, tờ The Guardian đặt câu hỏi liệu Mr. Bean có phải đã vô tình trở thành một “đại sứ” không chính thức cho nước Anh theo hướng tiêu cực hay không. Loạt phim về Mr. Bean là một trong những sản phẩm giải trí xuất khẩu thành công nhất của xứ sở sương mù. Dù vậy, với người Anh, Mr. Bean không phải là niềm tự hào.
Khi hỏi một ai đó không mang quốc tịch Anh hình dung như thế nào về Mr. Bean, câu trả lời nhận được sẽ bao gồm những từ khóa như “xui xẻo”, “vụng về”, “trẻ con”, “lúng túng”, “ngớ ngẩn” và “anh ta là người Anh”. Nếu Mr. Bean thực sự trở thành một đại diện cho tính cách của người Anh thì không chỉ chàng thủy thủ Arthur Batchelor, mà hàng triệu người dân xứ sở sương mù khác cũng sẽ thấy khó chịu và bất bình.
Năm 2010, một độc giả có tên là David Thomas gửi tới tờ Daily Mail một bài viết thể hiện anh khó chịu ra sao với chương trình hài Mr. Bean. Theo anh, Mr. Bean là “tất cả những gì xấu xí nhất mà người nước ngoài có thể nghĩ về Anh quốc”. Anh cho rằng Mr. Bean không chỉ là sự khó chịu mà còn là mối họa đối với hình ảnh văn hóa nước Anh.
Hài “bẩn” nhưng vẫn được nhiều người yêu thích
Với lối diễn ít thoại nhưng cường điệu về biểu cảm, Mr. Bean tạo ra tiếng cười bằng sự ngớ ngẩn, lố bịch, thậm chí… mất vệ sinh trong hành động của nhân vật. Điều đó khiến cho nhiều người cho rằng chất hài của Mr. Bean mang ảnh hưởng xấu tới người xem, hoặc tệ hơn còn bị gọi là “hài bẩn”.
Dẫu bị gọi là “hài bẩn” và bị xem như cái gai trong mắt người Anh nhưng điều đó không thể ngăn Mr. Bean nổi tiếng và được hàng triệu người yêu thích trên thế giới.
Loạt phim và chương trình về cây hài này phủ sóng tại hơn 200 quốc gia, được chiếu trên máy bay của 50 hãng hàng không. Hơn 14 triệu video của Mr. Bean đã được bán ra trên toàn cầu. Hàng loạt sản phẩm ăn theo đã ra đời như phim hoạt hình, game, sách, truyện…
Ngoài chương trình hài, phim điện ảnh Mr. Bean’s Holiday cũng lập được thành tích đáng nể. Tại thời điểm công chiếu năm 2007, tác phẩm trên được coi là cú hit toàn cầu, từng đứng đầu phòng vé tại hơn 21 quốc gia. Mr. Bean’s Holiday về đích với hơn 229,7 triệu USD doanh thu từ các cụm rạp trên toàn thế giới.
Tại một số quốc gia, người ta yêu mến Mr. Bean đến nỗi bảo vệ mọi thứ liên quan đến nhân vật này. Theo The Guardian, một tòa án tại Iran từng kết án và bắt giam 2 thành viên của một nhóm Hồi giáo cực đoan vì gây rối loạn tại một nhà hát mang tên Mr. Bean.
Sức hút của Mr. Bean nằm ở đâu?
Dù người Anh không ưa Mr. Bean vì phần nào đó khiến thế giới hiểu nhầm về họ, Agnès Poirier – nhà bình luận xã hội kiêm tác giả cuốn sách Touché: A French Woman’s Take on the English lại có cái nhìn dễ chịu hơn.
Ông cho rằng, ở một khía cạnh nào đó, Mr. Bean đại diện cho khiếu hài hước của người Anh. Mr. Bean ngớ ngẩn, vụng về nhưng ít nhất không phải là người xấu.
Nhiều người yêu thích Mr. Bean trước tiên vì vẻ ngoài riêng biệt, không lẫn với bất kỳ ai. Xuyên suốt nhiều tập phim, cây hài này chỉ mặc một bộ suit duy nhất, một chiếc cà vạt duy nhất, cùng với đó là mái tóc đen ngắn và khuôn mặt biểu cảm hài hước. Chỉ riêng ngoại hình đã đủ khiến khán giả bật cười khi nhắc đến Mr. Bean.
Hài Mr. Bean bị một bộ phận người xem cho rằng gây ảnh hưởng xấu đến người khác, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, cũng có người xem lối diễn hài của Rowan Atkinson là một “liều thuốc tinh thần”.
Willibald Ruch – giáo sư tâm lý học người Áo làm việc tại trường Đại học Zurich – cho hay ông thường kiểm tra khả năng tiếng cười làm tăng sức chịu đựng nỗi đau thể xác của con người như thế nào bằng cách sử dụng những clip hài của Mr. Bean.
Ruch lý giải Mr. Bean nổi tiếng, được yêu mến không đơn thuần chỉ vì sự hài hước của nhân vật này: “Ông ấy hành động một cách ngô nghê, trẻ con, điều này khiến chúng ta nhớ về bản thân mình thời thơ ấu. Cách ông ấy phản ứng trong mọi tình huống giống hệt một đứa trẻ buồn chán, và tôi nghĩ, đó là lý do vì sao nhiều người yêu thích Mr. Bean”.
Tim Bevan – đồng chủ tịch Working Title Films, một trong những nhà sản xuất của Mr. Bean’s Holiday, cho rằng sức hút của Mr. Bean nằm ở khả năng diễn hài thông qua hành động, biểu cảm của Rowan Atkinson. Những hành động ngớ ngẩn, hài hước dễ gây cười hơn là lời nói, bởi khán giả có thể hiểu ngay.
Ngoài ra, lối diễn ít thoại cũng giúp các bộ phim về Mr. Bean dễ dàng phổ biến ở nhiều quốc gia mà không gặp phải rào cản ngôn ngữ và cần đến biên dịch.
Theo Zing