Một số quốc gia trên thế giới đã xây dựng và sử dụng mái che vỉa hè cho nhiều mục đích khác nhau. Đây là những mô hình mà TPHCM có thể tham khảo khi đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi.

New York, Mỹ

Theo một thống kê được đưa ra vào năm 2018, báo New York Times cho biết thành phố New York đã lắp đặt khoảng 8.249 mái che vỉa hè với tổng chiều dài lên tới 484km. Đến đầu năm 2023, Chủ tịch Hội đồng quận Manhattan Mark Levine ước tính số lượng mái che vỉa hè ở trung tâm tài chính số một thế giới đã giảm xuống chỉ còn 448km.

1 Cac Quoc Gia Tren The Gioi Su Dung Mai Che Via He Nhu The NaoNhững mái che vỉa hè được xây dựng dày đặc ở thành phố New York (Ảnh: New York Times).

Tuy đã giảm về số lượng, con số rất lớn trên vẫn đưa New York có thể trở thành thành phố với nhiều mái che vỉa hè nhất trên thế giới. Những quy định nghiêm ngặt về xây dựng tại New York được cho là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển ồ ạt của mái che vỉa hè ở thành phố này.

Theo quy định tại của Hội đồng thành phố New York, lắp đặt mái che vỉa hè là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả những tòa nhà xây mới có chiều cao hơn 12m hoặc tòa nhà bị dỡ bỏ có chiều cao hơn 7,6m. Ngoài ra, nếu nhận thấy nguy hiểm trong quá trình sửa chữa, chủ nhân của tòa nhà cùng đội ngũ thi công cũng sẽ phải xây dựng mái che vỉa hè để đảm bảo an toàn cho người đi đường. Là một thành phố của những tòa nhà cao tầng được xây mới và sửa chữa quanh năm, mái che vỉa hè đã liên tục được dựng lên và dần trở thành một hình ảnh hết sức quen thuộc với người dân New York.

Sự xuất hiện một cách dày đặc của mái che vỉa hè ban đầu đã khiến nhiều người dân New York cảm thấy khó chịu. Chắn tầm nhìn, cản trở kinh doanh hay mất thẩm mỹ là các lý do thường được đưa ra để kiến nghị chính quyền nhằm yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ thi công, qua đó nhanh chóng dẹp bỏ mái che vỉa hè.

Tuy nhiên, qua thời gian, người dân New York đã quen với sự xuất hiện của mái che vỉa hè cũng như những lợi ích mà nó mang lại. Bên cạnh việc bảo vệ người dân khỏi mối nguy hiểm từ các công trình xây dựng, mái che vỉa hè tại New York cũng giúp người đi bộ ở thành phố này di chuyển dễ dàng từ tòa nhà này sang tòa nhà khác khi trời đổ mưa hoặc nắng nóng kéo dài.

Tại New York, do mật độ dân số cao và chi phí đỗ xe đắt đỏ, phần lớn người dân ở thành phố này chọn các di chuyển bằng phương tiện công cộng thay vì ô tô cá nhân. Vì vậy, quãng đường từ nhà hay công sở đến bến xe bus hoặc ga tàu điện ngầm đã trở nên dễ dàng và an toàn hơn với nhiều người dân New York với sự xuất hiện của mái che vỉa hè.

2 Cac Quoc Gia Tren The Gioi Su Dung Mai Che Via He Nhu The Nao

Các mái che vỉa hè tại New York đã được thiết kế lại một cách bắt mắt và sinh động hơn (Ảnh: New York Times).

Chính quyền New York cũng đã có những biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại của mái che vỉa hè. Một số kiến trúc sư nổi tiếng, trong đó Zaha Hadid, người từng đoạt giải thưởng Pritzker danh giá, đã được mời về để tham gia thiết kế lại các mái che vỉa hè tại New York. Một cuộc thi thiết kế cũng đã được tổ chức để thu hút các ý tưởng độc đáo góp phần làm tăng tính thẩm mỹ cũng như hiệu quả kinh doanh mà vẫn đảm bảo sự an toàn của mái che vỉa hè tại thành phố này.

"Nhiều mái che đã ở đây rất lâu rồi. Nếu chúng tôi có thể làm một điều gì đó để làm chúng đẹp hơn, đó sẽ là một lợi ích to lớn cho thành phố", Richard Anderson, Chủ tịch Hiệp hội xây dựng New York, chia sẻ.

Melbourne, Australia

Tại Melbourne, thành phố lớn thứ 2 Australia, mái che vỉa hè cũng là một hình ảnh quen thuộc với người dân và khách du lịch.

3 Cac Quoc Gia Tren The Gioi Su Dung Mai Che Via He Nhu The Nao

Một biển hiệu dưới mái che vỉa hè trên đường phố Melbourne, Australia (Ảnh: T.N).

Khác với New York, mái che vỉa hè tại Melbourne được xây dựng từ ảnh hưởng của mái hiên nhà trong lối kiến trúc khi Australia còn là thuộc địa của Vương quốc Anh. Trải qua thời gian, những mái hiên này được cải tiến cho phù hợp với kiến trúc hiện đại và trở thành những mái che vỉa hè cho người dân tại Melbourne.

Đặc biệt, các mái che vỉa hè còn là một cứu cánh cho người dân Melbourne vào mùa hè khi nhiệt độ có thể lên tới 50 độ C. Dưới bóng mát của những mái che này, cuộc sống và hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân vẫn có thể tiếp diễn một cách bình thường, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết.

4 Cac Quoc Gia Tren The Gioi Su Dung Mai Che Via He Nhu The Nao

Hệ thống mái che vỉa hè gần ga tàu trên phố Flinder ở Melbourne (Ảnh: City of Melbourne).

Bên cạnh việc che nắng che mưa cho người dân, kiến trúc cổ kính của các mái che vỉa hè đã tạo nên điểm nhấn thu hút khách du lịch cho thành phố thủ phủ của bang Victoria.

Các chủ cửa hàng tại Melbourne cũng tận dụng kiến trúc cổ kính của một số mái che vỉa hè để thiết kế những biển hiệu phù hợp, qua đó tạo ra một nét rất riêng của thành phố này.

Singapore

Singapore có thể xem là quốc gia đi đầu trong việc xây dựng và sử dụng mái che vỉa hè trên thế giới. Ngay từ năm 1822, trong bản quy hoạch tổng thể hòn đảo lần đầu tiên (hay còn được biết đến với tên gọi Bản quy hoạch Jackson), chính quyền Singapore khi đó đã yêu cầu mỗi căn nhà tại Đảo quốc Sư tử khi xây dựng cần phải có thêm một hành lang mở, rộng ít nhất 1,5m để tạo thành lối đi cho người đi bộ.

5 Cac Quoc Gia Tren The Gioi Su Dung Mai Che Via He Nhu The Nao

Hệ thống lối đi bộ có mái che rất phát triển tại Singapore (Ảnh: Rice Media).

Tới đầu những năm 1990, chính phủ Singapore đã quyết định mở hệ thống mái che vỉa hè dựa trên những hành lang mở được xây dựng theo quy hoạch từ thế kỷ 19. Sau này, trước lợi ích từ hệ thống mái che vỉa hè, Singapore đã xây dựng thêm những lối đi bộ ngoài trời có mái che, tách biệt độc lập với hành lang và vỉa hè được xây dựng trước đó.

Hệ thống đường đi bộ có mái che được xem là một bước tiến lớn của Singapore trong phát triển đô thị. Là một quốc gia miền nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều, các lối đi bộ có mái che đã kết nối các khu dân cư, công sở, trường học, trung tâm mua sắm và nút giao thông ở đảo quốc này, giúp người dân di chuyển một cách nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện mà không cần đến phương tiện cá nhân.

6 Cac Quoc Gia Tren The Gioi Su Dung Mai Che Via He Nhu The Nao

Dù xây dựng nhiều lối đi bộ có mái che, chính phủ Singapore vẫn chú trọng trồng thêm cây để tăng bóng mát và giảm nhiệt độ (Ảnh: Strait Times).

Thiết kế của lối đi bộ có mái che ở Singapore cũng được chính phủ quản lý chặt chẽ, qua đó tạo ra sự đồng bộ và thống nhất trong cảnh quan đô thị. Ngoài ra, dù đã có bóng mát từ mái che, nhà chức trách Singapore vẫn chú trọng trồng thêm cây xanh ven đường để giúp giảm nhiệt vào mùa hè.

Với nhiều người dân Singapore, hệ thống đi bộ có mái che cùng với điều hòa nhiệt độ chính là 2 yếu tố quan trọng nhất giúp họ đối mặt với cái nóng của miền nhiệt đới, qua đó cải thiện cuộc sống và tăng cường năng suất lao động.

Để tổng kết về vai trò của những lối đi bộ có mái che, Hội đồng Nhà ở và Phát triển Singapore đã viết: "Toàn bộ mạng lưới đường đi bộ có mái che không chỉ là một hệ thống lưu thông đơn thuần. Đây còn là nơi mà một người có thể dừng lại trò chuyện và trao đổi thoải mái khi gặp gỡ bạn bè và người thân của mình".

Theo New York Times, Rice Media, City Journal

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC