Anh Hướng (sống ở Quảng Đông, Trung Quốc) được thừa kế căn nhà do bà để lại cho cha mẹ. Ngôi nhà có lịch sử hơn 80 năm, khá cổ kính nhưng không gian dần cũ kỹ theo năm tháng.
Trước năm 2012, căn nhà được cho thuê. Tuy nhiên, sau khi người thuê cuối cùng chuyển đi, gia đình anh Hướng không còn cho thuê nữa. Suốt 8 năm, anh để căn nhà trong tình trạng bỏ trống, không gian vốn đã cũ lại càng dột nát, hư hỏng nhiều nơi.
Căn nhà cũ nát và hư hỏng sau thời gian bị bỏ hoang (Ảnh: The Paper).
Sau khi nhờ một công ty chuyên thẩm định công trình xây dựng kiểm tra, anh được biết, căn nhà đã hư hỏng nghiêm trọng và rơi vào cấp độ "nguy hiểm". Vợ chồng anh Hướng quyết định sẽ sửa chữa, cải tạo không gian thành nơi có thể sinh sống trong tương lai.
Thay vì đập bỏ hoàn toàn, gia chủ quyết định cải tạo lại (Ảnh: The Paper).
Ban đầu, một số nhà thiết kế đến, nói phải đập đi xây lại. Thế nhưng, vợ chồng anh cảm thấy tiếc nuối nếu đập bỏ toàn bộ. Sau khi tìm được nhà thiết kế phù hợp, quá trình sửa chữa và cải tạo diễn ra trong 1,5 năm.
Toàn bộ kinh phí cải tạo gần 1 triệu tệ (gần 3,5 tỷ đồng). Mặc dù, tiền bạc tốn kém hơn xây lại nhưng quá trình cải tạo giúp gia chủ có thêm tình cảm đậm sâu với căn nhà được truyền lại từ đời ông bà.
Mặc dù cải tạo tốn kém hơn xây mới hoàn toàn song gia chủ vẫn muốn cải tạo để giữ lại được những nét cổ của căn nhà (Ảnh: The Paper).
Căn nhà cũ vốn được làm từ gạch và gỗ, không có cửa sổ, cấu trúc hình hộp chữ nhật. Vợ chồng anh Hướng bố trí tầng 1 là phòng khách và bếp, tầng 2 là phòng ngủ và tầng 3 là nơi làm việc và sân thượng. Các không gian được kết nối với nhau và tạo kiến trúc mở.
Các tầng được thông với nhau theo trục dọc đó cũng là khoảng giếng trời để gia chủ đón ánh sáng và đảm bảo sự lưu thông không khí trong nhà. Chính nhờ khoảng sân giữa nhà này mà không gian luôn mát mẻ. Cho dù, ngoài trời 36-37 độ C, ngồi trong nhà vẫn cảm nhận sự thoải mái, dễ chịu.
Ở trung tâm của căn nhà, gia chủ bố trí cầu thang xoắn ốc, dẫn từ tầng 1 lên sân thượng. Cách thiết kế cầu thang xoắn ốc đưa đến sự uyển chuyển cho không gian, đi lại cảm thấy sự độc đáo và thú vị.
Thay vì đặt các chậu cây, vợ chồng anh Hướng trồng cây xanh có chiều cao vừa phải ở tầng 1. Đây là cách tạo sự mát mẻ, nét xanh cho căn nhà.
Trên sân thượng là không gian đặt các chậu cây và hoa đưa đến không gian sống đa màu sắc, thoải mái dù không phải ra khỏi nhà. (Ảnh: The Paper).
Tại tầng 1, gia chủ thiết kế nơi tiếp khách khá độc đáo. Bộ sofa được đặt lọt thỏm thấp hơn sàn nhà. Ban đầu, hàng xóm nghĩ đó là nơi nuôi cá Koi nhưng khi hoàn thiện mới nhận ra cách thiết kế lạ mắt của chủ nhà.
Khu vệ sinh tầng 1 nhìn ra sân sau qua cửa kính. Ở sân sau là khoảng không gian xanh nho nhỏ, mang đến sự dễ chịu cho mọi người khi đứng từ bên trong nhìn ra ngoài.
Khi làm mới không gian, gia chủ vẫn cố gắng giữ lại được những nét cổ của căn nhà như ban đầu. Đặc biệt, lối vào vẫn giữ các viên gạch, ngói in hằn bóng thời gian. Tất cả có sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và nét cổ tạo nên một bức tranh tổng thể, không mất đi vẻ xưa cũ.
Sau khi hoàn thành, nhiều cánh cửa cũ, những đồ gỗ gắn với kỷ niệm của gia đình hay ổ cắm bằng gỗ đã dùng cách đây vài chục năm, các cuốn sổ đã ố vàng vẫn được gia chủ lưu giữ cẩn thận. (Ảnh: The Paper).
Ngay khi cải tạo xong, nhiều hàng xóm đến thăm đã không khỏi ngạc nhiên vì sự "lột xác" của không gian cũ kỹ trước đây mang đến một nơi sống thoải mái, dễ chịu. Ngôi nhà tối tăm "khoác áo mới", tràn ngập ánh sáng và sự trong lành (Ảnh: The Paper).
Nguồn: Báo điện tử Dân trí