Đều xuất thân cao quý, sống trong nhung lụa giàu sang và kết hôn với những người đàn ông quyền lực nhất thế giới, chẳng ai ngờ rằng cặp chị em nổi tiếng nhất nước Mỹ lại là "kỳ phùng địch thủ" của nhau, họ cạnh tranh nhau từng chút một từ trang phục, tiền bạc, địa vị cho đến chuyện chồng con.
Không ai muốn làm cái bóng của ai và chẳng ai muốn bị đem ra so sánh trong vị thế thấp kém hơn. Ấy vậy mà cuối cùng, kết cục của họ lại khiến nhiều người xót xa.
Cái bóng của người khác
Jacqueline Kennedy Onassis (hay còn được gọi là Jackie) sinh năm 1929, được biết đến là vợ của cố Tổng thống Mỹ nổi tiếng John F. Kennedy. Bà trở thành Đệ nhất phu nhân Mỹ từ năm 1961 - 1963. Lee Radziwill, người em gái sinh năm 1933 của bà cũng không hề thua kém chị mình khi kết hôn với một thành viên trong hoàng tộc Ba Lan.
Trước khi trở thành "kỳ phùng địch thủ", cả hai từng trải qua tuổi thơ thân thiết, gắn bó bên nhau. Cha mẹ họ đều xuất thân từ giới thượng lưu, người cha là ông trùm tài chính đầy uy tín còn mẹ của họ là một quý bà chuẩn mực có mối quan hệ xã giao rộng rãi. Trong khi người cha có tính cách dễ chịu thì mẹ của hai chị em lại là người nguyên tắc, bà luôn uốn nắn các con phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc ứng xử, hành vi chuẩn mực của giới thượng lưu.
Jacqueline và em gái khi còn nhỏ.
Vì sự nghiêm khắc của mẹ mình mà ngay từ nhỏ Jacqueline đã được giáo dục và đào tạo trở thành một nàng tiểu thư hoàn mỹ. Jacqueline thích đọc sách, làm thơ và rất giỏi cưỡi ngựa. Bà cũng thông thạo tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, thành tích học tập luôn xuất sắc. Với sự kỳ vọng của mẹ và vì bản thân luôn muốn trở thành người tốt nhất nên ngay từ khi còn nhỏ Jacqueline đã sở hữu tính hiếu thắng, không chịu thua bất kỳ ai.
Từ việc học tập, cưỡi ngựa cho đến ca múa hát, mọi thứ Jacqueline đều muốn giành hạng nhất. Do đó, sự ra đời của cô em gái Lee Radziwill (hay thường được gọi là Caroline) khiến Jacqueline cảm thấy bị "đe dọa" và phải cố gắng hơn. Chính vì vậy mà càng lớn, Caroline càng phải sống dưới cái bóng quá hoàn hảo của chị mình.
Những gì Caroline đạt được đều bị đem ra so sánh với chị và bà buộc phải trở thành hình mẫu lý tưởng giống như chị gái để không phụ lòng cha mẹ. Một cô bé còn nhỏ tuổi mà phải chịu quá nhiều áp lực đôi khi cũng muốn vùng vẫy khỏi cái lồng son ngột ngạt ấy. Caroline đã từng nghĩ đến việc bỏ trốn để được là chính mình, không còn bị đem ra so sánh.
Bà từng chia sẻ rằng: "Vào năm 7 tuổi, khi chúng tôi ở New York, tôi từng có ý định bỏ trốn. Tôi dắt theo con chó cưng của mình và bắt đầu băng qua cầu Brooklyn nhưng tôi không thể đi được xa. Thật khó để chạy trốn khỏi gót chân của mẹ mình".
Thay vì lắng nghe tâm tư của các con, Janet Lee Bouvier, mẹ của họ chỉ muốn hai con gái trở thành "những người giỏi nhất". Caroline từng rất yêu quý chị gái mình nhưng trong lòng bà cũng cảm thấy buồn bực vì không thể đạt được thành tích giống với chị gái chẳng hạn như giành giải cưỡi ngựa hay giành điểm cao nhất trong mọi môn học.
Caroline (phải) luôn nỗ lực trở thành người giỏi nhất như chị gái.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Khi tới tuổi trưởng thành, Caroline và chị gái cùng theo học trường quý tộc nổi tiếng bậc nhất ở New York. Cả hai vẫn sống trong bầu không khí cạnh tranh khốc liệt từ học tập cho đến diện mạo bên ngoài. Trong mắt mọi người, Jacqueline là một thiếu nữ xinh đẹp và sành điệu, chẳng ai để ý rằng Caroline cũng là một đóa hoa nhỏ có sắc lẫn hương không kém gì chị mình. Caroline có tài năng thiên phú về thời trang với con mắt tinh tường nhưng cái bóng quá lớn của chị gái khiến bà luôn bị "lép vế" hơn.
Caroline từng trải qua thời kỳ sụt cân và thành tích học tập xuống dốc không phanh bởi những áp lực từ hào quang của chị gái. Trong khi em gái đang loay hoay tìm con đường đi riêng thì Jacqueline đã tỏa sáng mạnh mẽ ở cả trường học lẫn sự nghiệp. Sau khi học xong bằng văn học Pháp, bà vượt qua hàng trăm người để trở thành một phóng viên của công ty truyền thông uy tín lâu năm ở Mỹ.
Khi thấy chị gái mình ngày càng độc lập, Caroline cảm giác khoảng cách của hai người ngày càng xa. Đúng lúc đó, người mẹ đưa ra lời khuyên rằng: "Tiền tài và quyền lực mới là bí quyết để đạt được hạnh phúc cả đời".
Chính vì câu nói này mà cuộc đời của Caroline đã rẽ sang một hướng khác. Học tập, sự nghiệp và diện mạo đều không bì kịp chị gái, Caroline quyết định "chạy đua" với chị trong cuộc sống hôn nhân. Caroline vội vã kết hôn trước chị mình khi làm đám cưới với nhà xuất bản danh tiếng Michael Temple Canfield vào ngày 18/4/1953.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Jacqueline đã "đánh bại" em gái mình khi đính hôn với một trong những người đàn ông sáng giá nhất nước Mỹ lúc bấy giờ, John F. Kennedy. Chồng Jacqueline không chỉ điển trai, hài hước, thông minh mà ông còn rất giàu có. Hôn lễ xa hoa của họ được tổ chức vào tháng 9 cùng năm và được đánh giá là "sự kiện hot nhất nước Mỹ năm 1953".
Jacqueline kết hôn với Tổng thống Mỹ tương lai.
Kết hôn vội vàng để giành chiến thắng trước chị, Caroline ngày càng cảm thấy chán nản với cuộc hôn nhân này. Khi chị gái sắp thành Đệ nhất phu nhân sau khi ông Kennedy giành chiến thắng trong cuộc tranh cử Tổng thống, cuộc hôn nhân của Caroline và Michael Canfield cũng đi tới hồi kết.
Ông Michael Canfield từng tìm chị vợ Jacqueline để giúp mình cứu vãn cuộc hôn nhân này nhưng chỉ nhận về câu trả lời đầy sâu cay: "Kiếm tiền đi Michael, không phải những đồng lẻ cố định cậu vẫn thu vào hàng tháng mà là tiền tài và địa vị thực sự".
Rõ ràng, Jacqueline vô cùng hiểu em gái bởi vì cả hai đều là đối thủ ngang tài ngang sức của nhau, bà hiểu rõ em gái muốn điều gì. Việc trở thành vợ của một ông chủ nhà xuất bản không thể thỏa mãn Caroline khi anh rể là Tổng thống Mỹ.
Không lâu sau, Caroline ngoại tình với Hoàng tử Ba Lan Stanislaw Albrecht Radziwill. Bất chấp khoảng cách 19 tuổi, Caroline quyết tâm đến với vị hoàng tử này vì ông có tất cả những gì bà khao khát: Danh hiệu quý tộc, tiền tài và địa vị trong xã hội. Sau đó, Caroline ly dị và được gả vào hoàng thất Ba Lan, trở thành Vương phi cao quý Lee Radziwill.
Caroline ly hôn rồi sau đó trở thành Vương phi Ba Lan.
Một lần nữa thông qua cuộc hôn nhân, Caroline lại giành vị thế ngang ngửa với chị gái: Một người là Vương phi danh giá còn người kia là Đệ nhất phu nhân cao cao tại thượng. Cả hai đều có thân phận cao quý, thu hút hết ánh nhìn của công chúng và truyền thông.
"Hãy chính là bản thân mình"
Khi thân phận và địa vị giữa hai chị em ngang hàng nhau, họ bỗng trở nên thân thiết hơn. Caroline thậm chí còn cùng chị vào ở trong Nhà Trắng. Cả hai chị em cùng đi tham dự nhiều sự kiện với nhau. Đây là giai đoạn tình cảm của hai chị em phát triển tốt nhất.
Vào ngày 22/11/1963, khi Tổng thống Kennedy đột ngột bị một tay súng bắn tỉa bắn trúng và nằm chết trong lòng vợ, cuộc sống Đệ nhất phu nhân của Jacqueline đã phải kết thúc trong đau đớn. Caroline đã ở bên cạnh chị mình giúp bà vượt qua thời kỳ khủng hoảng đen tối ấy. Bản thân Caroline cũng không khá hơn khi cuộc hôn nhân của bà với Hoàng tử Ba Lan cũng rơi vào vòng xoáy rạn nứt.
Caroline và chị gái từng có quãng thời gian thân thiết khi cả hai ngang hàng về địa vị và quyền lực.
Hai chị em gái đột ngột rơi vào bế tắc của cuộc đời: Một người vừa mất chồng, người còn lại cũng sắp ly hôn. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu giữa họ vẫn chưa chấm dứt. Sau khi vụ ám sát xảy ra không lâu, Caroline mời chị gái đi tới hòn đảo của người tình Aristotle Onassis của mình để giải sầu.
Aristotle Onassis tuy có tướng mạo bình thường nhưng lại rất giàu có, sở hữu vô số bất động sản và du thuyền xa hoa trên toàn thế giới đặc biệt là luôn biết cách yêu chiều phụ nữ. Caroline từng cho rằng sau khi chia tay Hoàng tử Ba Lan, bà sẽ gả cho người đàn ông này để bước sang một trang mới. Tuy nhiên, Caroline đã mắc sai lầm trầm trọng khi để người tình gặp chị gái của bà.
Ông Aristotle Onassis đã say mê vẻ đẹp của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ. Vào tháng 10/1968, mộng đẹp của Caroline chính thức bị sụp đổ khi Jacqueline và Onassis kết hôn với nhau. Đây là cú đòn giáng mạnh vào Caroline khi bà bị chính chị gái và người tình phản bội, trong chốc lát cô em gái này trở thành trò cười trong mắt mọi người.
Jacqueline và Onassis kết hôn với nhau.
Bà không tham dự hôn lễ của chị gái và sau đó cũng không tham dự lễ tang của Aristotle Onassis. Từ sau thất bại cay đắng ấy, bà muốn quay trở về là một Caroline của ngày thơ bé, sống là chính mình thay vì chạy theo ân oán tình thù với chị gái. Vì mải mê đấu tranh thiệt hơn mà bà nhận ra đã đánh mất đi bản thân mình từ lúc nào không hay. Caroline bắt đầu theo đuổi thời trang và âm nhạc, tái hôn với Mick Jagger, ca sĩ hát chính của nhóm nhạc rock The Rolling Stones.
Caroline từng có thời gian thử sức làm diễn viên tuy không nổi tiếng nhưng bà cho rằng: "Chỉ cần cống hiến hết bản thân mình đã đủ để thấy hạnh phúc rồi". Ngoài ra bà còn có hứng thú với ngành thiết kế, ngôi nhà lúc về già của Caroline do chính tay bà thiết kế, nó tràn ngập hơi thở của nghệ thuật và tình yêu với cuộc sống.
Caroline tìm lại cuộc sống của chính mình sau bao toan tính thiệt hơn.
Dù có hơi muộn màng nhưng cuối cùng Caroline đã tìm được cuộc sống đích thực cho mình, không còn phải chạy đua theo hình bóng của người khác. Về phần Jacqueline, bà nhận được khoản tiền 26 triệu USD từ cuộc ly hôn với Onassis. Dù sống khá giả hơn Caroline nhưng cuối cùng Jacqueline qua đời sớm hơn em gái mình. Jacqueline qua đời vào ngày 19/5/1994 sau khi bị chẩn đoán mắc một căn bệnh quái ác.
Trong khi đó, Caroline qua đời vào ngày 15/2/2019, ở tuổi 85, tại căn hộ của bà ở Upper East Side, thành phố New York. Caroline đã trải qua những đau thương, mất mát thời trẻ, để lại hết những vinh quang một thời sau lưng nhằm kiếm tìm cuộc sống bình yên lúc cuối đời. Có thể thấy rằng, khi biển cạn sông mòn, thế sự xoay vần, bà mới hoàn toàn ngộ ra một chân lý, người sống cả một đời, không vì ai khác, chỉ vì chính mình mà thôi.
Theo Pháp luật và bạn đọc