Theo một nghiên cứu mới đây, có tới 3/4 sinh viên tốt nghiệp cử nhân, 2/3 sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ sống ở Phần Lan 3 năm trở lên sau khi ra trường.

42 1 Chieu Phan Lan Giu Chan Sinh Vien Quoc Te

Nhiều sinh viên quốc tế ở lại Phần Lan sau khi tốt nghiệp. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu được thực hiện bởi Charles F Mathies và Hannu Karhunen - các chuyên gia tại Đại học Jyvaskyla và Viện Kinh tế Lao động Helsinki. Họ đã theo dõi 13.046 sinh viên quốc tế tốt nghiệp tại 24 trường đại học công nghệ và 14 trường đại học ở Phần Lan từ năm 1999 - 2011.

Kết quả cho thấy, 74% cử nhân, 67% thạc sĩ và 65% tiến sĩ cư trú tại Phần Lan 3 năm sau khi tốt nghiệp. Con số này cao so với các quốc gia khác như Đan Mạch và Na Uy.

Theo nghiên cứu, việc kết hôn với người không phải là công dân Phần Lan khiến xác suất ở lại của ứng viên có bằng thạc sĩ tăng 8%. Con số này là 6% đối với ứng viên tiến sĩ. Trong khi đó, xác suất ở lại của công dân quốc tế theo học đại học, thạc sĩ và tiến sĩ đều tăng cao khi kết hôn với người Phần Lan.

Hai nhà nghiên cứu này cũng nhận thấy xu hướng mạnh mẽ trong chính sách của Chính phủ Phần Lan hai thập kỷ qua, nhằm khuyến khích sinh viên quốc tế tiếp tục theo học tại nước này.

“Từ năm 2001, Chính phủ Phần Lan đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút, giữ chân sinh viên quốc tế. Điều này nhằm nâng cao danh tiếng và uy tín của các tổ chức giáo dục Phần Lan, cũng như tăng nguồn lao động có tay nghề”, hai chuyên gia nhận định.

Năm 2018, Chính phủ Phần Lan quyết định tạo điều kiện cho người học quốc tế ở lại tìm kiếm việc làm trong 24 tháng, với khả năng gia hạn lên 48 tháng. Trước đó, năm 2013, Phần Lan công bố “Nghị quyết của Chính phủ về tương lai của chiến lược di cư 2020”.

Theo đó, “sinh viên quốc tế là nguồn lực quan trọng cho thị trường lao động Phần Lan”. Tài liệu cũng kêu gọi chính sách hỗ trợ người di cư và sinh viên quốc tế, kết nối và hòa nhập vào xã hội Phần Lan cũng như thị trường lao động.

“Niềm tin là nếu sinh viên quốc tế tìm thấy vai trò của mình trong thị trường lao động Phần Lan, tình trạng bất bình đẳng sẽ giảm. Và, họ sẽ cảm thấy có đóng góp tích cực vào xã hội Phần Lan”, Mathies và Karhunen cho biết.

Cũng theo nghiên cứu, thông thường, gia đình là một phần trực tiếp và gián tiếp của quá trình di cư. Nhiều thống kê cho thấy, Phần Lan là quốc gia hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế và níu chân họ ở lại vì lý do gia đình. 

Theo các nhà nghiên cứu, Phần Lan được xếp hạng là một trong những quốc gia tốt nhất trên thế giới trong việc xây dựng gia đình. Ngoài ra, các trường tiểu học và trung học tại đây có mức độ an toàn và chất lượng cao. Phần Lan cũng được công nhận là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2019.

Mathies và Karhunen nói rằng, điều đáng chú ý là nhiều sinh viên quốc tế ở lại và làm việc tại Phần Lan dù đây là quốc gia có ngôn ngữ khó học. Phần Lan cũng được coi là nơi khó tìm việc làm đối với sinh viên quốc tế.

Rào cản chính là các kỹ năng và mạng lưới ngôn ngữ Phần Lan. Phần Lan có tỷ lệ cung cấp các chương trình cấp bằng bằng tiếng Anh cao nhất so với bất kỳ quốc gia châu Âu không nói tiếng Anh nào. Chính phủ Phần Lan thừa nhận vấn đề thiếu kỹ năng tiếng Phần Lan của sinh viên quốc tế. Các nhà chức trách đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ kỹ năng tiếng Phần Lan cho sinh viên quốc tế trong quá trình họ theo học.

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học và các chương trình cấp bằng gặp khó khăn trong việc đưa nghiên cứu ngôn ngữ Phần Lan vào chương trình giảng dạy. Tại Phần Lan, sinh viên được hướng dẫn bằng một ngôn ngữ (tiếng Anh), trong khi thị trường lao động sử dụng ngôn ngữ khác (tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển).

“Vì vậy, mặc dù việc được đào tạo hoặc giáo dục ở Phần Lan vẫn có khả năng tích cực đối với sinh viên quốc tế khi gia nhập thị trường lao động, nhưng sự khác biệt về ngôn ngữ giảng dạy và thị trường lao động có thể làm giảm tác động tích cực”, Mathies và Karhunen nhận xét.

Kim Dung

Theo University World News

Nguồn: giaoducthoidai.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC