Chuyên gia nghi ngờ vị trí rơi của MH370 ở chấm đỏ, tại khu vực nằm ở Ấn Độ Dương, cách thành phố Perth của Australia khoảng 2.000 km (Ảnh: Airlines Rating).
Airlines Ratings đưa tin, kỹ sư người Anh Richard Godfrey đã đăng tải một giả thuyết về đường bay của MH370 được ông tin là "chi tiết và chính xác bằng cách sử dụng công nghệ Hệ thống truyền sóng vô tuyến tín hiệu yếu (WSPR)".
Hồi tháng 11/2021, ông Godfrey cho rằng MH370 có thể bị rơi ở tọa độ là "33.177⁰S 95.300⁰E", tương đương với vị trí nam Ấn Độ Dương, cách thành phố Perth của Australia khoảng 2.000 km về phía tây.
Địa điểm này nằm ở khu vực mà Trưởng khoa Hải dương học của Đại học Tây Australia, giáo sư Charitha Pattiaratchi, trước đó đã dự đoán là vị trí mà MH370 có thể đã rơi xuống.
Nghiên cứu mới của ông Godfrey dài 124 trang, tiếp nối công bố của ông hồi tháng 11 và chỉ ra khoảng 200 liên kết WSPRnet có thể giúp ích cho hoạt động theo dõi và tìm kiếm MH370.
"Kết hợp với dữ liệu vệ tinh Inmarsat và dữ liệu hoạt động của Boeing với hệ thống phân tích WSPRnet, điều này cung cấp một góc nhìn hoàn chỉnh hơn về đường đi mà MH370 có thể đã di chuyển", ông Godfrey nhận định.
"Việc kết hợp thêm kết quả phân tích Inmarsat/Boeing/WSPRnet chung với phân tích trôi dạt của giáo sư Charitha có thể sẽ đáng tin cậy vì dữ liệu và các phân tích từ các lĩnh vực khoa học khác nhau đều hướng tới một vị trí MH370 rơi ở 33⁰S gần với Arc 7 (một khu vực nằm trên Ấn Độ Dương)", ông nói thêm.
Ông Godfrey cho biết, người tìm kiếm xác tàu Blaine Gibson "đã tìm thấy phần lớn các mảnh vỡ MH370 trôi nổi ở Ấn Độ Dương trên cơ sở phân tích sự trôi dạt nói trên (của giáo sư Charitha)".
Ông Godfrey cho biết sắp tới sẽ công bố tài liệu kỹ thuật có các chi tiết cụ thể hơn nữa về đường bay và vị trí mà MH370 có thể đã rơi xuống.
WSPR là một mạng lưới toàn cầu gồm những nhà vận hành nghiệp dư. Họ thường gửi các tín hiệu công suất thấp lên các dải tần số trung bình và cao thông qua một phần mềm để kiểm tra đường truyền.
Hệ thống WSPR có thể bị ảnh hưởng và bị bóp méo bởi các chướng ngại vật, ví dụ như máy bay băng qua đường truyền của chúng. Vì vậy, theo ông Godfrey, bằng cách xem xét các đường truyền WSPR ở khu vực xung quanh nơi MH370 biến mất khỏi các radar và những điểm bất thường trong đó, việc tìm thấy đường đi tiếp theo của MH370 là khả thi.
Chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines số hiệu MH370 đã mất tích bí ẩn sau khi xuất phát từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur để tới Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/3/2014. Sự biến mất của chiếc máy bay chở 239 người đã trở thành một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
Tính tới nay, ông Godfrey đã công bố 35 bài nghiên cứu về các giả thuyết xoay quanh MH370, trong đó có 11 bài viết cụ thể về việc ứng dụng công nghệ WSPR.
Giả thuyết về giây phút cuối cùng của MH370 tái hiện bằng công nghệ 3D
Đức Hoàng
Theo Airlines Rating
Nguồn: Báo điện tử Dân trí