Trong một viện dưỡng lão mà trước kia vốn là một trường tiểu học, ông Keichi Tasaka đang trêu đùa một nhóm người già khác.

42 1 Cuoc Song Trong Nha Duong Lao O Nhat Nhan Vien Gia Hon Khach Hang

Ông Tasaka, 70 tuổi là nhân viên chăm sóc ở viện dưỡng lão Cross Hearts, Yokohama, Nhật Bản.

Ở tuổi 70, ông có thể bị nhầm là một cư dân của viện dưỡng lão này, nhưng thực ra ông Tasaka chưa hề nghĩ đến chuyện nghỉ hưu sớm thế. Thay vào đó, ông đang làm công việc thứ hai trong cuộc đời mình sau nghề làm đậu phụ thời trẻ, đó là nhân viên chăm sóc người già ở viện dưỡng lão Cross Hearts của Tokyo.

“Tôi luôn thích công việc chăm sóc, trong khi những người già ở Nhật Bản thì không được chăm sóc nhiều. Vì thế, tôi thực sự biết ơn khi nhận được cơ hội này” - ông Tasaka chia sẻ với CNN.

“Tôi cũng già nên tôi có thể hiểu những gì họ phải trải qua. Tôi thực sự cảm thấy giống như mình đang giao lưu với các cư dân ở đây, chứ không phải đang chăm sóc họ”.

Một quốc gia “siêu già”

Với tỷ lệ sinh giảm nhanh và dân số già ngày càng tăng, Nhật Bản được coi là quốc gia “siêu già”, nơi có hơn 20% dân số từ 65 tuổi trở lên. Tính đến năm 2020, chỉ có 13 quốc gia như vậy trên thế giới.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng tăng - vốn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, và với hy vọng phục hồi nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích những người cao tuổi và các bà nội trợ tham gia vào lực lượng lao động.

Bằng nhiều cách, ông Tasaka là một trong số những người tiên phong cho phong trào này. Trong 5 năm qua, ông làm nhiệm vụ đưa đón các cư dân từ nhà tới viện dưỡng lão và ngược lại, cũng như giúp họ ăn uống và đồng hành cùng họ.

Ông sống trong một căn hộ ở gần viện và cũng là một trong số hơn chục nhân viên trên 65 tuổi ở đây. Họ làm việc cùng với cả những nhân viên trẻ hơn và lao động người nước ngoài. Ở nhiều quốc gia phát triển, công việc này thường được làm bởi lao động người nước ngoài, nhưng việc Nhật Bản thiếu chính sách nhập cư đã khiến những công dân lớn tuổi phải làm việc lâu hơn trước khi về hưu.

42 2 Cuoc Song Trong Nha Duong Lao O Nhat Nhan Vien Gia Hon Khach Hang

Biểu đồ cho thấy dân số già Nhật Bản đang có xu hướng tăng lên.

Viện dưỡng lão Cross Heart - nơi có hàng trăm khách hàng đang ở trong danh sách chờ - đặt ra tuổi nghỉ hưu chính thức là 70, nhưng vẫn cho phép những người tự nguyện làm việc đến 80 tuổi. Tuổi nghỉ hưu phổ biến ở Nhật Bản là từ 60 đến 65 tuổi, nhưng gần đây các bác sĩ đã khuyến nghị tăng độ tuổi này lên 75.

Bất chấp điều đó, theo một cuộc khảo sát năm 2015 được tiến hành bởi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, vẫn có 80,5% doanh nghiệp ở nước này vẫn đưa ra tuổi nghỉ hưu chính thức là 60.

Năm 2013, Chính phủ đã thông qua một điều luật yêu cầu các công ty tăng tuổi nghỉ hưu bắt buộc lên 65 tuổi. Nhưng phải đến năm 2025, điều luật này mới được áp dụng một cách bắt buộc.

Theo ông Atsushi Seike, nhà kinh tế học ở ĐH Keio, chính điều này đã gây ra một tình trạng: nhiều công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao với mức lương thấp hơn khi họ đã đến tuổi nghỉ hưu.

“Cần có nhiều áp lực hơn đặt ra cho các doanh nghiệp để họ kéo dài tuổi nghỉ hưu bắt buộc lên 65 tuổi vì mức lương giảm sẽ không thực sự khuyến khích lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc”.

42 3 Cuoc Song Trong Nha Duong Lao O Nhat Nhan Vien Gia Hon Khach Hang

Tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản so với một số quốc gia khác.

Phát triển sự nghiệp thứ hai

Chia sẻ với CNN, giám đốc điều hành viện dưỡng lão Cross Hearts, bà Seiko Adachi chia sẻ: “Già đi là bước đầu tiên khiến bạn mất đi một thứ gì đó. Đó là thể anh em, bố mẹ hay vị trí của bạn trong xã hội… Có một điều tốt ở những nhân viên lớn tuổi ở đây, đó là họ thực sự hiểu cảm giác của những cư dân cao tuổi”.

“Đó cũng là công việc tốt cho họ khi họ thấy mình có một nơi để đến - điều sẽ giúp họ tiếp tục sống tốt”.

Theo bà Adachi, chìa khoá để thu hút lao động lớn tuổi là giúp họ tập trung vào công việc chăm sóc, không phải như một công việc kiếm tiền bán thời gian, mà như một sự nghiệp thứ 2 mà họ có thể phát triển.

Với một số người, khả năng đó là vô tận.

“Tôi muốn học để có giấy phép chăm sóc người già và có thể đảm nhiệm vai trò quản lý sau này” - ông Tasaka cười nói. “Tôi không cảm thấy bị giới hạn bởi tuổi tác của mình”.

42 4 Cuoc Song Trong Nha Duong Lao O Nhat Nhan Vien Gia Hon Khach Hang

Ông Tasaka trò chuyện cùng các đồng nghiệp trẻ.

Đăng Dương(Theo CNN)

Nguồn: Vietnamnet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC