Người dân một số nước châu Á (trong đó có Việt Nam) có thể có khả năng miễn dịch tự nhiên, từ đó sản sinh dấu hiệu chọn lọc gen mạnh, theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản.

42 1 Dan Chau A It Mac Covid 19 Nho Mien Dich Tu Nhien Tot Hon

Bắt buộc mang khẩu trang trên tàu điện ở Đài Loan - Ảnh: AP

Tính từ đầu đại dịch đến nay, Trung Quốc chỉ có 63 ca mắc COVID-19 và 3 ca tử vong trên 1 triệu dân.

Số liệu này ở Việt Nam là 14 ca mắc và 0,4 ca tử vong, hay ở Đài Loan là 30 ca mắc và 0,3 ca tử vong.

Để so sánh, Pháp có 35.140 ca mắc COVID-19 và 850 ca tử vong còn Mỹ đến 46.044 ca mắc và 874 ca tử vong trên 1 triệu dân.

Giả thuyết "miễn dịch tự nhiên"

Hầu hết các nhà quan sát đánh giá tỉ lệ khác biệt nêu trên do biện pháp quản lý dịch bệnh ở các nước châu Á chặt chẽ hơn (giãn cách, truy vết có hệ thống, cách ly nghiêm ngặt, buộc mang khẩu trang…).

Tuy nhiên theo trang web khoa học Futura (Pháp), một số nhà khoa học bắt đầu nghĩ đến giả thuyết người dân một số nước châu Á có khả năng miễn dịch tự nhiên do nhiều lần tiếp xúc trước đó với các chủng coronavirus tương tự virus SARS-Cov-2 gây bệnh COVID-19.

TS Yasuhiro Suzuki (cố vấn y tế cho Bộ Y tế Nhật đến tháng 8-2020) nhận xét trên báo The Wall Street Journal: "Tôi nghĩ giả thuyết khá tin cậy là ở Đông Á, một chứng bệnh cảm lạnh giống kiểu của virus corona đã từng lây nhiễm rộng và có đông người mắc phải. Dù nó không tạo khả năng miễn dịch đầy đủ nhưng khả năng miễn dịch này đã ngăn COVID-19 phát triển dưới dạng nghiêm trọng".

Giả thuyết này dựa trên nhiều nghiên cứu mới đây.

Một nhóm nghiên cứu ở Viện Francis Crick tại London (Anh) đã chỉ ra nhiều người (đặc biệt là trẻ em) đã có kháng thể trung hòa với SARS-CoV-2 (kháng thể đặc hiệu có khả năng trung hòa độc tố virus) mà chưa từng tiếp xúc với virus.

Một nghiên cứu khác của Đại học Boston cho thấy những người từng nhiễm virus corona gây bệnh cảm lạnh có nguy cơ tử vong do COVID-19 thấp hơn 70%.

Tuy nhiên, các nghiên cứu này không nêu chi tiết khu vực địa lý.

Nhiều bệnh nhân Nhật có kháng thể

42 2 Dan Chau A It Mac Covid 19 Nho Mien Dich Tu Nhien Tot Hon

Người dân từng phải tự phòng vệ hồi dịch cúm Hong Kong năm 1968 ở Đức - Ảnh: KEYSTONE

Một thực tế khác ủng hộ giả thuyết "khả năng miễn dịch châu Á" là hai đợt dịch SARS (năm 2003 và hiện tại) bùng phát ở Trung Quốc và nhiều dịch cúm khác như dịch cúm Hong Kong nổi tiếng đã gây tử vong cho 1 triệu người trên thế giới năm 1968.

GS sinh học Tatsuhiko Kodama ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến thuộc Đại học Tokyo (Nhật) nhận định các trường hợp nhiễm coronavirus tương tự SARS-CoV-2 có khả năng xảy ra nhiều lần ở Đông Á.

Ông cho biết dữ liệu mới do nhóm nghiên cứu của ông thu thập cho thấy nhiều bệnh nhân Nhật mắc bệnh COVID-19 đã có phản ứng miễn dịch ban đầu. Cơ thể họ sản sinh ra kháng thể IgG ngay sau khi bệnh khởi phát và sản sinh kháng thể IgM với số lượng ít hơn.

Ông nhận xét: "Điều này cho thấy họ đã từng miễn dịch với cái gì đó tương tự virus SARS-CoV-2".

Có dấu hiệu chọn lọc gen nơi người Việt Nam, Nhật, Trung Quốc

42 3 Dan Chau A It Mac Covid 19 Nho Mien Dich Tu Nhien Tot Hon

Các nhà nghiên cứu Úc và Mỹ đã phát hiện các dấu hiệu chọn lọc gen mạnh mẽ nơi người Nhật, người Việt Nam và người Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Nhiều nhà khoa học khác cho rằng khả năng miễn dịch của người châu Á có nguồn gốc xưa hơn nhiều.

Một nhóm nhà khoa học Úc và Mỹ đã công bố nghiên cứu trên trang web bioRxiv khẳng định đã phát hiện các dấu hiệu chọn lọc gen mạnh mẽ ở người Nhật, người Việt Nam và người Trung Quốc.

Họ phân tích thấy dân châu Á bắt đầu chiến đấu với dịch virus corona từ khoảng 25.000 năm trước.

Dịch để lại dấu vết trong bộ gen của các dân tộc hiện tại, do đó họ có phản ứng thích nghi tự nhiên chống lại virus corona.

Một nghiên cứu nữa được công bố trên tạp chí Nature chỉ ra một gen di truyền từ người Neanderthal xa xưa là yếu tố nguy cơ làm bệnh COVID-19 trầm trọng thêm hầu như không có ở người Đông Á (4% so với 30% ở Nam Á hoặc 8% ở châu Âu).

Giả thuyết "khả năng miễn dịch tự nhiên nơi người châu Á" cần được nghiên cứu thêm để ngăn ngừa đại dịch tiếp theo.

Nếu người Trung Quốc đã có sẵn khả năng kháng SARS-Cov-2 từ trước, dữ liệu từ nước này có thể khiến các nước phương Tây bị nhầm lẫn và dễ đánh giá thấp mức độ lây nhiễm khi virus lây lan ngoài khu vực Đông Á.

Trong bài viết trên tạp chí Archives and Medical Research, hai nhà nghiên cứu Alireza Bolourian và Zahra Mojtahedi (Mỹ) nhận xét: "Dịch bệnh càng lan rộng khỏi nơi xuất phát, mức độ nghiêm trọng của nó càng lớn".

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC