Lạm dụng thuốc giảm đau khiến những cơn đau đầu cấp tính có nguy cơ tái diễn thường xuyên hơn và dần trở thành mạn tính, khó cải thiện.

Đau đầu là triệu chứng rất hay gặp trong cuộc sống. Nhiều người lạm dụng các loại thuốc giảm đau để "cắt" nhanh cơn đau mà không biết có thể làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Chị Tống Phương Anh (TP HCM) làm việc văn phòng, thường xuyên bị đau đầu và đau nửa đầu. Những cơn đau lặp đi lặp lại khiến chất lượng công việc và trí nhớ của chị giảm sút. Cứ mỗi lần đau đầu, chị Phương Anh lại ra nhà thuốc mua thuốc giảm đau về uống. Tình trạng đau đầu giảm đi một thời gian ngắn trong ngày. Tuy nhiên, khi hết thuốc, cơn đau lại tái diễn, kéo dài hơn, có khi chị phải uống thuốc liên tục từ nửa tháng đến một tháng.

Tác hại khi dùng thuốc giảm đau

Theo BS.CKII Thân Thị Minh Trung - Phó khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đau đầu là tình trạng đau ở vùng đầu và mặt. Thỉnh thoảng đau ở vùng cổ cũng được xếp vào nhóm đau đầu. Cơn đau có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên đầu, đau tại một vị trí nhất định hoặc tỏa ra khắp đầu.

Đau nhức đầu có nhiều cường độ và tính chất khác nhau. Người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ, đau dữ dội, đau nhói hoặc đau châm chích ở đầu. Cơn đau phát triển dần dần hoặc đột ngột, kéo dài từ vài phút đến vài ngày. Những dấu hiệu báo trước như mỏi mệt, hoa mắt, ù tai, tê tay chân, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh...

1 Dau Dau Tang Nang Do Lam Dung Thuoc Giam Dau

Lạm dụng thuốc giảm đau có thể làm cơn đau đầu gia tăng. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ Minh Trung chia sẻ thêm, tình trạng đau căng đầu thường đáp ứng tốt với thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như aspirin, acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil). Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng lạm dụng các loại thuốc này có thể dẫn đến đau đầu mạn tính (còn gọi là đau đầu hồi ứng do lạm dụng thuốc giảm đau).

Khi dùng thuốc giảm đau quá thường xuyên hoặc nhiều hơn liều khuyến cáo, cơ thể sẽ quen với thuốc, lờn thuốc. Hậu quả là cơn đau ngày càng trở nên tồi tệ hoặc xuất hiện nhiều hơn và người bệnh thường phải dùng liều cao hơn. Vòng luẩn quẩn sẽ xảy ra gồm đau đầu - uống thuốc giảm đau - đau đầu nhiều hơn - uống thuốc nhiều hơn.

Theo bác sĩ Minh Trung, lạm dụng thuốc giảm đau khi đau đầu làm "che mờ" các triệu chứng nặng, khiến người bệnh chủ quan không đi thăm khám. Ví dụ, đau đầu nặng với các triệu chứng điển hình như cơn đau đến nhanh, buồn nôn, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ từ để nói, đau đầu kèm cảm giác tê mỏi chân tay, cử động khó, đau tăng khi ho hay tập luyện... có thể cảnh báo đột quỵ hoặc ẩn chứa bệnh u não, viêm màng não... Nếu người bệnh lạm dụng thuốc giảm đau, các triệu chứng nguy hiểm sẽ không được thể hiện rõ, gây khó khăn cho việc thăm khám.

Cách giảm đau đầu

Bác sĩ Minh Trung chia sẻ thêm, thuốc giảm đau chỉ giúp chữa hoặc giảm triệu chứng chứ không chữa được nguyên nhân gây đau đầu. Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cũng nên sử dụng theo khuyến cáo, chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng dẫn đến lạm dụng mà không biết.

BS Minh Trung khuyến cáo, muốn điều trị đau đầu triệt để, cần xác định chính xác nguyên nhân. Khi các cơn đau đầu thường xuyên diễn ra, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc. Người bệnh có thể lưu ý thêm phương pháp điều trị thay thế có thể giúp giảm đau như:

Uống nhiều nước: để tránh đau đầu do mất nước và tránh tình trạng thiếu hoặc mất nước làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mỗi người cần uống nước đúng và đủ theo nhu cầu của cơ thể (2-2,5 lít mỗi ngày). Bổ sung thêm nước ép hoa quả hoặc trái cây tươi trong ngày cũng là lựa chọn tốt cho cơ thể.

Liệu pháp hành vi nhận thức: là một phương pháp trị liệu tâm lý giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn các tình huống căng thẳng trong cuộc sống.

Liệu pháp nhiệt hoặc liệu pháp lạnh: chườm nóng hoặc chườm lạnh lên đầu và cổ trong 5-10 phút nhiều lần trong ngày có thể giúp giảm đau đầu. Lưu ý kiểm tra nhiệt độ trước khi chườm nóng để tránh bị bỏng; khi chườm lạnh không chườm đá lạnh trực tiếp lên da mà cần bọc lại trong khăn sạch.

2 Dau Dau Tang Nang Do Lam Dung Thuoc Giam Dau

Bác sĩ tư vấn điều trị đau đầu cho một bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Massage, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu: giúp thúc đẩy lưu thông máu, có tác động tích cực đến việc làm thư giãn các mạch máu và cơ đầu, mặt, cổ. Khi gặp triệu chứng nhức mỏi, áp dụng những phương pháp này giúp cơ thể sản sinh những loại hormon giảm đau mang đến năng lượng vui vẻ như dopamine, serotonin, oxytocin và endorphin.

Dinh dưỡng hợp lý: cần tránh các chất kích thích, bia rượu, cà phê, ưu tiên bổ sung các vitamin và khoáng chất có lợi cho trí não như vitamin B6, B12, C, E, magie... Các chất chống gốc tự do từ thiên nhiên như trong blueberry cũng hạn chế sản sinh các chất giãn mạch, giảm phản ứng viêm, bảo vệ các tế bào thần kinh trước sự tấn công của các gốc tự do, cải thiện đáng kể các triệu chứng đau đầu.

Vận động, thiền, ngủ đủ giấc: để giảm bớt những cơn đau đầu, người bệnh nên tập thể dục đều đặn, tập yoga, thiền và ngủ đủ giấc... Thay đổi những thói quen xấu có thể gây đau đầu mà nhiều người bệnh hay mắc phải như thức khuya, sử dụng các thiết bị điện tử...

Bác sĩ Minh Trung lưu ý, các giải pháp trên có tác dụng hỗ trợ điều trị, chưa đảm bảo chắc chắn sẽ đem lại kết quả tốt cho người bệnh. Do đó, trước khi quyết định áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị mới nào, người bệnh cũng cần trao đổi kỹ càng với bác sĩ.

Minh Anh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC