Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là tình trạng tắc đột ngột mạch máu não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến chết các tế bào não.
Đây là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và khả năng gây tử vong cao.
Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả khi đang làm việc hay nghỉ ngơi. Bệnh nhân cần được đưa vào bệnh viện càng nhanh càng tốt trong “thời gian vàng”, để kịp thời cứu các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu oxy và dinh dưỡng.
Ghi nhớ quy tắc F.A.S.T để nhận biết một người có dấu hiệu đột quỵ.
Face (Khuôn mặt): Mặt có những dấu hiệu khác thường như cười méo miệng, rối loạn thị lực.
Arm (Tay): Tay và chân mệt mỏi khó cử động.
Speech (Lời nói): Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.
Time (Thời gian): Bạn cần gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt. Khi quan sát thấy ai đó có ít nhất 1 trong 3 biểu hiện trên (lệch mặt, yếu chân tay, nói khó) hãy nghĩ đến bệnh lý đột quỵ não và lập tức gọi cấp cứu ngay không trì hoãn.
Gọi người trợ giúp, gọi ngay xe cấp cứu chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng bệnh nhân hôn mê.
Nếu bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng cho phép có thể vận chuyển bằng bất cứ phương tện nào sẵn có để có thể chuyển đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu về đột quỵ.
Trong quá trình chờ xe, nếu bệnh nhân rối loạn ý thức, nôn mửa, cần đặt bệnh nhân ở tư thế hồi sức.
- Đầu tiên, bạn quỳ xuống một bên của nạn nhân, sửa tay phía bạn vuông góc.
- Bước hai, kéo tay bên kia của nạn nhân đặt lên má, lòng bàn tay hướng ra ngoài.
- Bước ba, kéo chân co lên, để lòng bàn chân tiếp xúc với mặt đất.
Giữ tư thế đó và kéo nạn nhân quay về phía bạn là hoàn thành tư thế hồi sức.
Nếu bệnh nhân tỉnh, hỗ trợ bệnh nhân nằm thoải mái, theo dõi liên tục.
Không nên cạo gió, chích máu đầu ngón tay…
Không chờ đợi bệnh nhân ổn rồi mới gọi cấp cứu hoặc mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Trong mỗi phút của một cơn đột quỵ, não bị mất đi khoảng hai triệu tế bào, mỗi giờ trôi qua, bộ não sẽ bị lão hóa một khoảng thời gian tương đương với ba năm rưỡi.
Khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, cần chuyển ngay tới các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ.
Nếu được cấp cứu trong vòng 4,5 giờ bệnh nhân có thể được tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch; nếu trong vòng 6 giờ, bệnh nhân bị tắc mạch não lớn có thể được tái thông bằng dụng cụ cơ học, giúp bệnh nhân hồi phục hoặc giảm thiểu các di chứng.