Bác sĩ Robert Klark Graham - Ảnh: GQ AUSTRALIA
Lúc lập ngân hàng đặc biệt này ở California (Mỹ), ý tưởng của ông Graham là để công chúng sử dụng, nhằm tạo ra “những đứa trẻ siêu phàm”. Đây là dự án gây tranh cãi trên toàn thế giới.
Trong những năm hoạt động, ngân hàng tinh trùng của ông Graham đã hỗ trợ việc thụ thai để sinh ra 215 đứa trẻ ở Mỹ, Úc, Lebanon, Ai Cập và Đức. Hầu hết những đứa trẻ này đến nay vẫn còn ẩn danh.
Không dễ có được tinh trùng thiên tài
Để có được tinh trùng thiên tài, hóa ra lại khá khó khăn. Trang IFLScience cho biết ông Graham đã thu hút ba người đoạt giải Nobel quyên góp tinh trùng cho ngân hàng. Tuy nhiên hai người trong số họ đã phản đối và rút lui khi Graham đưa ý tưởng này ra với báo chí.
Người thứ ba không rút lui là ông William Shockley – nhà khoa học giành được giải Nobel cho công trình tạo ra bóng bán dẫn. Ông chỉ dừng quyên góp tinh trùng cho ngân hàng khi chắc rằng tuổi đã quá cao không thể cung cấp các mẫu tinh trùng khỏe mạnh.
Bất chấp những tranh cãi, ngân hàng tinh trùng vẫn tiếp tục thu thập tinh trùng từ các “thiên tài” khác và cuối cùng là các vận động viên.
Nhà khoa học William Shockley đã quyên góp tinh trùng cho ngân hàng - Ảnh: STANFORD
Tất cả trẻ không phải là thiên tài
Ông David Plotz, một nhà báo và đồng sáng lập của trang tin Atlas Obscura, đã theo dõi nhiều trẻ em do dự án ngân hàng trên tạo ra.
Câu trả lời hiển nhiên của ông Plotz: Không, tất cả họ không phải là thiên tài!Ông nói: “Một số nhân vật đang rất tỏa sáng. Sam, 14 tuổi, vượt qua môn toán đại học và là một vận động viên xuất sắc. Họ rất xuất sắc và hầu hết là học sinh rất giỏi. Ngoài ra cũng có một số khá tầm thường”.
Một người trẻ tài năng tên Doron Blake, trở thành một “gương mặt đại diện” cho ngân hàng tinh trùng.Doron Blake được sinh ra từ nhà tâm lý học người California, Tiến sĩ Afton Blake, và một người hiến tinh trùng chỉ được biết đến với cái tên “red 28”. Cậu bé có chỉ số IQ 180 và khả năng đọc sách khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, bà Blake không đồng ý với việc cho rằng di truyền đóng một vai trò quan trọng trong trí thông minh.
“Tôi nghĩ rằng có nhiều yếu tố khác mà người ta phải xem xét và cố gắng để xác định phẩm chất của một người. Thậm chí trí thông minh không đáng để xem xét.
Quan trọng hơn là người ta muốn làm gì với trí thông minh của một người, cách người ta áp dụng trí thông minh của người đó vào cuộc sống của mình”, bà Blake nói với Đài BBC.
Báo LA Times đưa tin vào năm 1992, ngân hàng tinh trùng chưa từng bán bất kỳ “tinh trùng đoạt giải Nobel” nào.
Tuy nhiên, ông Graham vẫn tiếp tục dự án này của mình cho đến khi ông qua đời vào năm 1997 và ngân hàng ngừng hoạt động 2 năm sau đó.
Nguồn: Tuoitre