Năm 1267 đến 1274, Hốt Tất Liệt nhiều lần cử sứ giả đến yêu cầu Thiên Hoàng Nhật Bản phải xưng thần hoặc phải chịu cảnh bị xâm lăng. Tuy nhiên những thông điệp này không đến tay Thiên Hoàng mà được giữ lại bởi Mạc Phủ, vốn là người nắm quyền thật sự.
Suốt thời gian dài không thấy Thiên Hoàng Nhật Bản hồi đáp, Hốt Tất Liệt tức giận quyết định tiến đánh Nhật Bản. Quân Mông Cổ tạo nhiều chiến thuyền rồi mộ thêm thủy binh Triều Tiên, chuẩn bị đánh Nhật.
Cuộc chiến lần thứ nhất
Năm 1274, quân Mông Cổ gồm 23.000 quân (15.000 quân người Mông Cổ và 8.000 quân người Triều Tiên) tiến đánh Nhật Bản.
Mạc Phủ động viên quân chuẩn bị chống ngoại xâm, các võ sĩ Samurai kéo đến đảo Kyushu tham gia phòng thủ và trở thành niềm hy vọng của Nhật Bản.
Quân Mông Cổ tấn công và đánh bại lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản, chiếm được đảo Kyushu và tiến đến vịnh Hakata (nay thuộc thành phố Fukuoka, phía bắc đảo Kyushu). Quân tiên phong của Mông Cổ đến Hakata có 3.000 quân, chuẩn bị giao tranh với 3.000 quân Nhật.
Cuôc chiến giữa Mông Cổ và Nhật Bản. (Ảnh từ spiderum.com)
Quân Mông Cổ sử dụng máy bắn đá, chiếm được ưu thế nhờ kỵ binh thiện chiến và tài bắn tên thiện xạ của họ. Người nhiếp chính triều đình Nhật Bản lúc này là tướng quân Tokimune. Ông trực tiếp chỉ huy trận đánh và đã phải trầm trồ trước sự tinh nhuệ không thể ngăn cản của quân Mông Cổ.
Các võ sĩ Samurai kiên cường phòng thủ, rồi rút vào vùng núi Mizuki cầm cự.
Lúc này, hạm đội 2 vạn quân Mông Cổ đang trên đường đến Hakata. Nếu như số quân này đến nơi thì người Nhật sẽ không thể trì hoãn bước tiến của Mông Cổ được nữa.
Đúng lúc Nhật Bản lâm nguy thì những cơn gió thổi ngược ngoài khơi vịnh Hakata khiến cho tàu chiến quân Mông Cổ khó cập bờ, và xuất hiện dấu hiệu có bão, biển động. Quân ngoài khơi của Mông Cổ yêu cầu lực lượng trên bộ rút về tàu nhằm tránh bị chia cắt do bão. Thế nhưng đến đêm, bão càng ngày càng lớn khiến 200 tàu cùng 13.000 quân Mông Cổ bị đánh chìm xuống biển. Thiệt hại quá nửa, số tàu còn lại thì bị hư hại, quân lính bị say sóng đến kiệt sức không còn lực để đánh nữa, quân Mông Cổ đành phải rút lui.
Cuộc chiến lần thứ hai
Năm 1275, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt cho sứ giả sang Nhật yêu cầu Thiên Hoàng phải thân hành đến Đại Đô để thần phục Hoàng Đế nhà Nguyên. Tuy nhiên nhiếp chính Hojo Tokimune đã ra lệnh bắt và chém hết số sứ giả này.
Biết quân Mông Cổ sẽ lại tiến đánh, Mạc Phủ và Hojo Tokimune cho xây dựng ở vịnh Hakata một bức tường phòng thủ cao 2m vào năm 1276. Trong khi đó nhà Nguyên cũng gấp rút xây dựng hạm đội mới để đánh Nhật Bản.
Năm 1279, Nguyên Thế Tổ lại cho một đoàn sứ giả nữa đến Nhật, nhưng cũng như lần trước các sứ giả đều bị bắt và chém đầu. Mạc Phủ và nhiếp chính Tokimune đều đồng lòng chống Mông Cổ, thể hiện được khí phách và sự quả cảm của người Nhật.
Năm 1281 quân Mông Cổ cho 2 hạm đội tiến đánh Nhật Bản. Hạm đội thứ nhất xuất phát trước từ Triều Tiên gồm 900 tàu chiến và 57.000 quân, hạm đội thứ hai xuất phát sau từ phía nam Trung Quốc với 3.500 tàu chiến và 142.000 quân.
Cuộc chiến giữa quân Mông Cổ và Samurai Nhật Bản. (Ảnh từ wikipedia.org)
Hạm đội thứ nhất đến vịnh Hakata nhưng do bức tường thành của quân Nhật, quân Mông Cổ không có chỗ đổ bộ. Quân Mông Cổ dùng cả máy bắn đá bắn vào bức tường thành nhưng cũng không phá vỡ được phòng tuyến do quân Nhật đã chuẩn bị phòng thủ vững chắc.
Đến tối, đội quân Samurai của Nhật lên các thuyền nhỏ bất ngờ đột kích vào các chiến thuyền của Mông Cổ ở phía ngoài, đốt cháy các chiến thuyền nhằm tiêu hao binh lực quân Mông Cổ rồi rút lui. Những cuộc đột kích ban đêm của Samurai khiến quân Mông Cổ bị tiêu hao. Quân Nhật cũng quả cảm xông ra ngoài để diệt máy bắn đá của quân Mông Cổ nhằm bảo vệ cho bức tường thành. Cuộc chiến này diễn ra suốt 2 tháng từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1281 gây thiệt hại cho cả hai bên.
Do dịch bệnh phát tác khiến 3.000 quân Mông Cổ bị chết, nên họ đành đợi hạm đội thứ hai đang trên đường tiến đến.
Khi hạm đội thứ hai đến nơi, quân Mông Cổ tìm ra điểm yếu nhất trên bức tường thành ở vịnh Hakata và tấn công vào đây. Tình thế quân Nhật lâm nguy nhưng đúng lúc này một cơn bão khủng khiếp nổi lên, còn mạnh hơn cả cơn bão năm 1274, khiến hầu hết các tàu chiến Mông Cổ bị đánh chìm, một số chạy vào bờ thì bị lọt vào tay quân Nhật, tàn quân chạy về đến triều Tiên chỉ còn 3 vạn.
Người Nhật sùng tín
Các võ sĩ Samurai đã không thể ngăn đại quân Mông Cổ, hai lần Nhật Bản đánh lui Mông Cổ không phải nhờ sức người, mà là nhờ sức trời, nên người Nhật tin rằng họ đã được thần linh che chở. Họ gọi những cơn bão này là những ngọn thần phong Kamikaze.
Nhiếp chính Tokimune rất sùng bái đạo Phật, năm 1275 ông mời thiền sư Mugaku Sogen người Nam Tống tới để truyền bá đạo Phật, tạo ảnh hưởng lớn đến tinh thần và kỷ luật cho các Samurai. Các tầng lớp khác nhau của Nhật Bản đều có niềm tin tín ngưỡng, người Nhật có câu truyền tụng rằng: “Hoàng gia theo Thiên Thai tông, quý tộc theo Chân Ngôn tông, võ sĩ thực hành Thiền, còn bình dân thì theo Tịnh Độ tông” .
Sau thất bại này, Hốt Tất Liệt không còn đánh Nhật nữa vì phải dồn sức chuẩn bị một đội quân khổng lồ hơn 50 vạn để tiến đánh Đại Việt vào năm 1285.
Đại Việt liền biên giới với nhà Nguyên, lại không có ngọn Thần Phong bảo vệ như Nhật Bản, nhưng vẫn oai hùng đánh bại 50 quân Nguyên. Đến năm 1289 thêm một lần nữa 50 vạn quân Nguyên thảm bại phải rút chạy khỏi Đại Việt.
Một điều khá tương tự Nhật Bản là thời điểm này nhà Trần cũng rất trọng tín ngưỡng. Vua Trần Thái Tông là người kính ngưỡng Phật Pháp, dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, giúp Xã Tắc luôn ổn định và cường thịnh. Các vua Trần sau này như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cũng kế thừa truyền thống mộ Đạ.
Quan lại lúc đó là những Nho sĩ thông tỏ như Đặng Kế, Đỗ Quốc Tá, Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Trần Quang Triều…
Nho và Phật được dùng để giáo hóa muôn dân, khiến đạo đức thăng hoa, xã hội ổn định. Đó là nền tảng gốc rễ vững chắc để đánh bại các cuộc xâm lăng từ nước ngoài.
“Vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc được đến đó”, đội quân ấy có thể bách chiến bách thắng khắp nơi từ Á sang Âu, nhưng đứng trước quốc gia mà nền tảng xã hội được xây dựng từ niềm tin tín ngưỡng, thì đội quân ấy chỉ có thể chuốc lấy thất bại.
Trần Hưng