Đàn ông Nga có tuổi thọ thuộc vào hàng thấp nhất trong các nước công nghiệp. Theo điều tra thống kê năm 2011, tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga là 64,3 tuổi, so với 77 tuổi ở Mỹ và 79 tuổi ở Úc.

1 Dung De Dan Ong Viet Co Tuoi Tho Nhu Dan Ong Nga

Một nghiên cứu mới công bố trên tập san y khoa Lancet tháng vừa qua (1) cho thấy 25% đàn ông Nga chết trước tuổi 55, và con số này làm cả thế giới y khoa sốc.

Một trong những nguyên nhân chính làm giảm tuổi thọ của đàn ông Nga là rượu. Nói chính xác hơn là lạm dụng rượu, đặc biệt là rượu Vodka. Người Nga thường đùa rằng Vodka là kẻ thù của họ nên họ phải đốt cháy kẻ thù! Quả thật, người Nga nổi tiếng uống rượu Vodka như uống... nước lã.

Nghiên cứu công bố trên Lancet ước tính mỗi năm số đàn ông Nga chết vì rượu và ngộ độc rượu chiếm 20% tổng số tử vong, và con số này cao gấp 3,5 lần so với tỉ trọng trung bình trên thế giới.

Trông người phải nghĩ đến ta: tình hình lạm dụng rượu bia ở Việt Nam có thể nói cũng rất nghiêm trọng. Đi bất cứ nơi nào trên khắp các vùng đất nước, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng có quán nhậu và tiệc nhậu với rượu bia. Ở TP.HCM và Hà Nội, dù kinh tế có lúc khó khăn nhưng các quán nhậu vẫn rất đông thực khách, bất kể sáng trưa chiều tối, nhậu bất cứ lúc nào, bất cứ dịp nào, bất cứ ở đâu.

2 Dung De Dan Ong Viet Co Tuoi Tho Nhu Dan Ong Nga
Minh họa: La Khuê

Một nghiên cứu cộng đồng mới đây ở phía Bắc (2) cho thấy vài con số phản ánh tình trạng đó: 86% đàn ông Việt Nam uống rượu bia, trong số này 31% uống rượu một cách nguy hiểm cho sức khỏe. Vẫn theo kết quả nghiên cứu này, trong vòng tuần lễ qua, tính trung bình mỗi nam thanh niên Việt Nam uống từ 34-53mg alcohol. Con số này cao gần gấp hai lần so với Mỹ.

Một nghiên cứu khác trên 1.500 nam và nữ tuổi từ 18-60 (3) cũng cho ra kết quả tương tự: gần 70% nam có thói quen uống rượu bia. Tính trung bình mỗi tháng, số tiền các hộ gia đình chi cho bia rượu là 3,5 USD (khoảng 70.000 đồng), chiếm 4,6% tổng chi tiêu cho thực phẩm, hay 1,8% tổng thu nhập (3).

Đặc biệt quan tâm là sinh viên cũng tìm đến rượu bia. Một nghiên cứu trên 619 sinh viên y khoa ở Hà Nội (4) cho thấy 65% sinh viên (phần lớn là nam) uống bia. Trong số này 12% được đánh giá là có khả năng nghiện hay “có vấn đề về bia rượu”.

Vấn đề không chỉ là số người thường xuyên uống bia rượu quá lớn, mà còn là chất lượng rượu. Rượu giả và bia dỏm từ Trung Quốc và được sản xuất nội địa tràn ngập thị trường Việt Nam. Một ước tính cho biết khoảng 70% lượng rượu lưu hành trong thị trường là rượu lậu hoặc giả.

Một nghiên cứu công bố trên một tập san về môi trường học vào năm 2009 cho thấy rượu đế làm ở nhà có nồng độ alcohol dao động 45-50%, cao hơn mẫu rượu được sản xuất từ công ty (5). Những loại rượu sản xuất ở nhà rất khó kiểm soát về chất lượng. Những “tai nạn” liên quan đến rượu đế vẫn thường xuất hiện trên báo chí. Có thể nói không ngoa rằng rượu dỏm, rượu độc hại đã và đang hủy hoại sức khỏe, thậm chí giết chết người Việt Nam.

Có nhiều lý do khiến người ta tìm đến rượu bia, kể cả ngoại giao và lễ hội, nhưng “một trong những nguyên nhân chính là người tìm đến rượu thường để giải khuây và tạo cho mình một căn cước tính mới. Trong môi trường căng thẳng và những khó khăn trong cuộc sống, người ta tìm đến rượu bia như là một phương tiện thực tế nhất để giải sầu, để... quên đời trong một thời gian ngắn, để có thể biến thành một người khác”. Ngoài ra, nghiên cứu di truyền học còn cho thấy một số người tìm đến rượu bia thường xuyên là do gen.

Cần phải nói rằng nếu sử dụng ở liều lượng an toàn và điều độ thì rượu bia không hẳn là xấu. Rượu là “thủy hỏa” (fire water), là chất có thể cung cấp năng lượng nồng nàn, có thể khai thông kinh mạch và ức chế các tà khí như phong, hàn, thấp. Rượu trong lễ hội tăng tính trang trọng và uy nghi.

Rượu trong tiệc cưới làm buổi tiệc vui vẻ và rộn ràng. Nhưng lạm dụng rượu thường đi kèm nhiều biến chứng nghiêm trọng. Có trên 60 bệnh lý liên quan đến rượu hoặc do rượu bia gây ra. Những biến chứng như suy thoái hệ thần kinh, viêm gan, xơ gan, cao huyết áp, suy tim, đột quỵ, tiểu đường, béo phì...

Danh sách các bệnh liên quan đến rượu hay do rượu gây ra có thể viết thành hai trang giấy! Tính chung, khoảng 4% các ca tử vong trong dân số là do lạm dụng rượu bia. Đó là chưa kể những tác động của rượu bia đến gia đình và xã hội.

Vậy thế nào là mức độ an toàn cho việc uống rượu bia? Trong thực tế không có mức độ alcohol an toàn tuyệt đối, nhưng các chuyên gia đồng ý rằng đàn ông không nên uống quá 40g alcohol và đàn bà uống không quá 20g alcohol mỗi ngày. Một lon bia 375ml như Heineken chứa khoảng 15g alcohol, do đó mỗi ngày không nên uống quá ba lon bia (đàn ông) hay quá hai lon bia (phụ nữ).

Nhưng cần phải làm gì để hạn chế tiêu thụ rượu bia quá đà ở Việt Nam? Đây là một câu hỏi lớn vì liên quan đến vấn đề chính sách và cần nhiều nghiên cứu. Kinh nghiệm từ Úc cho thấy chính phủ dùng thuế (và tăng giá!) như một phương tiện để kiểm soát việc tiêu thụ bia rượu. Song song với biện pháp thuế, chính phủ ra quy định về độ tuổi tối thiểu mà đối tượng có thể tiêu thụ và mua bia rượu, cấp giấy phép cho các cửa hàng mua bán và quy định giờ buôn bán bia rượu.

Ngoài ra, cần phải có những nhãn hiệu ghi rõ nồng độ alcohol và những tác hại đến sức khỏe trên các sản phẩm bia rượu. Những kinh nghiệm đó rất cần được nghiên cứu và nếu được triển khai sao cho thích hợp.

Tuổi thọ trung bình ở đàn ông Việt Nam hiện nay là 69 tuổi. Tuổi thọ này chưa phải là cao, nhưng vẫn cao hơn tuổi thọ trung bình ở đàn ông Nga. Tuy nhiên, nếu không có chính sách kiểm soát tình trạng tiêu thụ rượu bia và lạm dụng rượu bia như hiện nay, tôi e rằng tuổi thọ ở người Việt sẽ không tăng như dự kiến.

GS. NGUYỄN VĂN TUẤN

Tuổi trẻ CUỐI TUẦN

Tham khảo:

1. Zaridze D, et al. Alcohol and mortality in Russia: prospective observational study of 151 000 adults. Lancet 31/1/2014

2. Trần Hữu Bích và cộng sự. Patterns of alcohol consumption in diverse rural populations in the Asian region. Global Health Action Supplement 1, 2009.

3. Giang KB, et al. Alcohol consumption and household expenditure on alcohol in a rural district in Vietnam. Global Health Action 2013; 6:18937

4. Diep Pham, et al. Alcohol consumption and alcohol-related problems among Vietnamese medical students. Drug and Alcohol Reviews 2010; 29:219-226.

5. Lachenmeier DW, et al. The Quality of Alcohol Products in Vietnam and Its Implications for Public Health. Int. J. Environ. Res. Public Health 2009, 6:2090-2101.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC