Số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy trong năm 2023, bưởi đã ghi danh là loại quả có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu trái bưởi đạt 29,6 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022, mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.
Cuối năm 2022, quả bưởi tươi - loại trái cây thứ 7 của Việt Nam, sau các loại xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa - được phép nhập khẩu vào Mỹ sau 5 năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nỗ lực đàm phán. Tại Mỹ, bưởi Việt có đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc. Đầu năm 2023, sau 40 ngày xuất phát, lô bưởi đầu tiên của Việt Nam vận chuyển bằng đường tàu biển đã đến Mỹ và nhận được lời khen của người tiêu dùng, dù giá bán cao hơn bưởi Trung Quốc đến 3,4 lần, tuy nhiên người tiêu dùng Mỹ đánh giá bưởi Việt Nam có độ ngọt vừa phải, thanh, dễ tách múi, hợp gu người tiêu dùng hơn, không bị vị đắng và ráo nước.
Thậm chí, trái bưởi cũng đã được Hai Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, bà Jennifer Moffitt và bà Alexis Taylor kiểm chứng về độ ngon trong chuyến thăm Việt Nam đầu năm 2023. Thứ trưởng Taylor - quan chức phụ trách các vấn đề thương mại nông sản khi thưởng thức trái bưởi Diễn đã phải thốt lên: "Tuyệt vời. 10/10. Tôi trông đợi được thấy loại bưởi này trong các cửa hàng tại Mỹ và mua nó với tư cách là người tiêu dùng địa phương".
Bưởi da xanh xuất khẩu sang Mỹ có trọng lượng từ 1-1,7 kg/quả, mỗi quả dao động từ 375.000-900.000 đồng và được bày bán tại các siêu thị. Dù nguồn cung bưởi trên thế giới nhiều nhưng bưởi Việt Nam vẫn được đánh giá là có nhiều lợi thế để chiếm lĩnh thị trường Mỹ.
Mỹ có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây, mỗi năm lên tới 12 triệu tấn, trong khi sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại, tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn, phải nhập khẩu. Đây sẽ là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và quả bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường này. Loại trái này cũng được xuất khẩu chính ngạch sang New Zealand kể từ tháng 12/2022.
Từ xa xưa, bưởi đã được biết với nhiều công dụng khác như dùng lá bưởi nấu với các lá thơm khác để xông chữa cảm cúm, nhức đầu. Vỏ quả bưởi chữa ăn uống không tiêu, đau bụng, hoặc để nấu chè bưởi. Vỏ hạt bưởi có thể trích lấy pectin làm thuốc cầm máu. Dịch ép múi bưởi làm thuốc chữa tiêu khát, thiếu vitamin C. Bột than hạt bưởi có thể dùng chữa chốc đầu ở trẻ em…Quả bưởi dễ ăn và tiêu thụ nhiều nhờ những lợi ích sức khoẻ như tăng cường hệ miễn dịch, điều hòa huyết áp, trẻ hóa làn da, giảm cân,…
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, bưởi tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện cả nước có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng bưởi khoảng 32.000 ha với sản lượng 369.000 tấn….Dự báo tổng sản lượng bưởi (bưởi da xanh, năm roi, bưởi Diễn,... ) năm 2023 ước khoảng 1,1 triệu tấn.
Sở hữu 'bảo bối tỷ đô' được 2/3 thế giới ưa chuộng, Việt Nam thu nửa tỷ USD sau 9 tháng, lọt top 3 'ông trùm' của thế giới
Như Quỳnh