Theo Financial Times, kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford được công bố hôm 13/12 đã chứng minh việc tiêm tăng cường mũi vaccine thứ 3 giúp tăng khả năng bảo vệ của vaccine trước biến chủng Omicron của Covid-19.
Kết quả trên được công bố vào thời điểm một số quốc gia như Anh và Mỹ đang đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng tăng cường để bảo vệ công dân của mình trước các biến chủng của Covid-19.
Theo số liệu của nghiên cứu, lượng kháng thể chống lại biến chủng Omicron ở những người được tiêm hai liều vaccine AstraZeneca hoặc BioNTech/Pfizer có sự sụt giảm mạnh so với biến chủng Delta.
Theo các nhà nghiên cứu, dù chưa có bằng chứng cho thấy những người nhiễm Omicron có triệu chứng nặng, biến chủng này có khả năng lây lan mạnh mẽ hơn đối với những người đã được tiêm vaccine hoặc từng bị nhiễm virus, so với biến chủng Delta.
Số lượng các ca nhiễm biến chủng Omicron ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây cũng cho thấy sự cần thiết của việc tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 cho người dân.
Cơ chế hoạt động của liều vaccine tăng cường
Theo giáo sư về bệnh truyền nhiễm Charles Bangham tại Đại học Hoàng gia London, các liều vaccine tăng cường giúp cơ thể nhận diện các đặc điểm khác biệt tại protein gai (bộ phận giúp virus bám vào tế bào của người bị lây nhiễm) của biến chủng Covid-19.
Các liều vaccine tăng cường cũng giúp bổ sung lượng kháng thể và tế bào T, giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Các đột biến chính của biến chủng Omicron: Ảnh: Financial Times.
"Liều vaccine tăng cường giúp tăng cường lượng kháng thể và tế bào T. Trong trường hợp bị tái nhiễm Covid-19, người bệnh sẽ không gặp phải những triệu chứng nặng và ít có nguy cơ lây truyền cho những người khác", giáo sư Bangham cho biết.
Theo giáo sư Đại học Oxford Teresa Lambe, một trong những người tham gia điều chế vaccine Covid-19 của AstraZeneca và đồng tác giả của nghiên cứu, liều vaccine thứ 3 giúp cơ thể có khả năng ghi nhớ miễn dịch tốt hơn
"Điều đó có nghĩa hệ miễn dịch của bạn sẽ phản ứng hiệu quả hơn khi phát hiện virus, tăng khả năng bảo vệ trước virus", bà Lambe cho biết.
Hiệu quả của liều vaccine tăng cường đối với biến chủng Omicron
Những loại vaccine Covid-19 hiện tại được thiết kế để chống lại chủng virus SARS-CoV-2 nguyên bản. Một liều vaccine thứ 3 sẽ giúp tăng cường mạnh mẽ khả năng miễn dịch của cơ thể thông qua việc tạo ra một lượng lớn kháng thể đặc trị các biến chủng của virus.
Theo ông Peter English, một chuyên gia từng làm việc cho Cơ quan Sức khỏe Cộng đồng Anh, liều vaccine tăng cường sẽ kích thích một chuỗi các hoạt động miễn dịch nhanh chóng và mạnh mẽ hơn so với hai liều vaccine đầu tiên.
"Lượng kháng thể lớn hơn trong máu cũng giúp chống lại các biến chủng của Covid-19", ông English cho biết.
Kết quả thử nghiệm liều vaccine tăng cường trong phòng thí nghiệm của hãng dược phẩm Pfizer cho thấy lượng kháng thể trung hòa chống lại biến chủng Omicron của người được tiêm liều thứ 3 tăng 25 lần so với người được tiêm hai mũi, cung cấp mức độ bảo vệ tương đương so với chủng virus Covid-19 nguyên bản.
Nghiên cứu cho thấy việc tiêm bổ sung liều vaccine thứ 3 giúp tăng khả năng miễn dịch trước các biến chủng Covid-19. Ảnh: New York Times.
Theo dữ liệu về các trường hợp lây nhiễm biến chủng Omicron của Cơ quan An toàn Sức khỏe Anh (UKHSA), những người được tiêm tăng cường vaccine của Moderna và Pfizer đạt khả năng miễn dịch từ 70-75% trước biến chủng này.
Theo dữ liệu của UKHSA và kết quả thử nghiệm do hãng dược phẩm Pfizer thực hiện trước khi xuất hiện biến chủng Omicron cho thấy lượng kháng thể có sự gia tăng mạnh mẽ trong 7 ngày sau khi tiêm liều vaccine thứ 3.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá mũi tiêm thứ 3 có thể cho phản ứng miễn dịch sớm hơn thời điểm trên. Theo ông English, liều vaccine tăng cường cho bệnh ho gà bắt đầu có hiệu lực trong 48 giờ sau khi tiêm.
"Tôi không nghĩ liều vaccine Covid-19 thứ 3 sẽ có nhiều sự khách biệt. Liều vaccine thứ 3 sẽ nhanh chóng tạo ra kháng thể mới", ông English nhận định.
Các liều vaccine đặc trị biến chủng Covid-19
Các nhà sản xuất đang trong quá trình điều chỉnh loại vaccine của mình để chống lại các đột biến của biến chủng Omicron.
Hãng dược phẩm Pfizer cho biết vaccine đặc trị biến chủng Omicron của công ty sẽ sẵn sàng vào tháng 3/2022 nhờ vào khả năng thích ứng với các biến chủng virus của công nghệ mRNA.
Pfizer là một trong những hãng dược phẩm đang nỗ lực điều chế loại vaccine đặc trị biến chủng của Covid-19. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, quá trình phân phối các loại vaccine đặc trị biến chủng của Covid-19 còn phụ thuộc vào thời gian thử nghiệm của các sản phẩm này. Các cơ quan kiểm soát nhiều khả năng sẽ yêu cầu các nhà sản xuất vaccine phải tiến hành một cuộc thử nghiệm mới kéo dài ít nhất 2 tháng.
Giáo sư Penny Ward tại Đại học Kings College London nhận định quyết định sử dụng các loại vaccine đặc trị biến chủng sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ bảo vệ của các liều vaccine tăng cường trước các biến chủng Covid-19.
"Nếu thử nghiệm cho thấy liều vaccine đặc trị biến chủng có hiệu quả hơn liều vaccine tăng cường thì quyết định này sẽ được đưa ra", bà Ward cho biết.
Hãng phân tích sức khỏe Airfinity dự đoán sẽ chỉ có 6 tỷ liều vaccine đặc trị biến chủng Omicron được sản xuất tính tới tháng 10/2020. Thời điểm trên có thể bị đẩy lùi tới tháng 1/2023 nếu các nhà sản xuất chỉ dành một nửa công suất cho các loại vaccine đặc trị biến chủng.
Tiêm vaccine tăng cường có phải là giải pháp vĩnh viễn?
Các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra nhận định về sự cần thiết của việc tiêm bổ sung vaccine Covid-19 hàng năm, giống như các loại vaccine phòng bệnh cúm mùa khác.
Tuy nhiên, mức độ lan rộng của Covid-19 hiện nay sẽ tạo điều kiện cho sự hình thành của các biến chủng virus có khả năng kháng vaccine mạnh hơn.
Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Trinity ở Dublin, ông Kingston Mills dự đoán việc tiêm bổ sung vaccine thường xuyên sẽ là cần thiết trong một khoảng thời gian dài dựa trên số lượng các đột biến của biến chủng Omicron.
"Sự cần thiết của việc tiêm vaccine tăng cường phụ thuộc vào quá trình kiểm soát virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu. Nếu các biến chủng mới của virus tiếp tục xuất hiện tại các công đồng có tỷ lệ tiêm vaccine thấp tại châu Phi, những ảnh hưởng trên toàn cầu là rất khó lường", giáo sư Mills cho biết.
An Bình
Nguồn: zingnews.vn