Không phí tiền vào nhà hàng sang trọng
Người Nhật thường không lãng phí tiền quá mức vào các bữa ăn ở nhà hàng sang trọng. Nếu đi ăn buffet họ cũng chỉ ăn vừa phải chứ không để thức ăn thừa.
Việc này không chỉ giúp tiết kiệm cho chủ doanh nghiệp, cho đất nước mà còn cho chính họ. Các nhà hàng buffet ở Nhật cũng bắt buộc phải cho giá rẻ để kéo khách tới ăn. Nhờ vậy mà buffet ở Nhật không quá tốn kém như nhiều người nghĩ.
Không sống trong biệt thự
Chi tiêu cho nhà cửa khá tốn kém nên người Nhật không quan trọng điều đó. Nếu tiết kiệm tiền xây nhà nghĩa là họ đã tiết kiệm được một nửa chi phí trong đời.
Thay vì ở biệt thự, người Nhật thích sống trong những ngôi nhà kiểu truyền thống hoặc các căn hộ để thuận tiện cho việc đi lại, làm việc và sinh hoạt.
Dùng loại xe bình dân
Nhật Bản là quốc gia sở hữu số lượng xe sang xuất khẩu lớn trên thế giới nhưng họ chỉ chuộng những dòng xe bình dân, tiết kiệm xăng, nhỏ gọn, thân thiện với môi trường và dễ di chuyển.
Dùng tiền đầu tư vào kiến thức
Người Nhật dùng phần lớn số tiền họ kiếm được để đi học, dành cho nghệ thuật, âm nhạc, hội họa và đặc biệt là đi du lịch.
Họ tiêu tiền để phục vụ cho tương lại, làm giàu cho bản thân về mặt tinh thần một cách tích cực.
Đầu tư cho con học tập
Người Nhật không phí tiền của để mua tài sản để dành hay làm của hồi môn cho con. Ở Nhật, thuế đánh vào tài sản rất lớn. Thuế thừa kế thậm chí lên tới 55%. Vì vậy mà những người giàu thường không cho con cái họ thừa kế việc quản lý tài sản. Thay vào đó họ đầu tư cho con học tập, đặc biệt là các khóa học về chiến lược đầu tư. Nhờ vậy mà trong tương lai con họ sẽ thu được nhiều tài sản hơn.
Không thuê người giúp việc
Đa số các gia đình ở Nhật đều không thuê giúp việc. Trong gia đình, người mẹ luôn chịu trách nhiệm chăm lo nhà cửa, con cái. Chỉ trừ trường hợp bất khả kháng người Nhật mới bỏ tiền thuê người giúp việc.
Chi tiêu tiết kiệm theo phương pháp Kakeibo
Với phương pháp này, người Nhật lên kế hoạch chi tiêu thông qua 6 bước:
- Bước 1: Liệt kê tất cả các khoản thu nhập, trừ đi các khoản chi tiêu bắt buộc.
- Bước 2: Trích ra một khoản tiền tiết kiệm (khoảng 20% thu nhập) và không dùng đến chúng.
- Bước 3: Chia số tiền còn lại ra làm 4 khoản chi phí gồm sinh hoạt, mua sắm, giải trí, phát sinh.
- Bước 4: Lập kế hoạch tài chính tương lai (tiền đi du lịch, mua xe, mua nhà, cưới vợ,…)
- Bước 5: Cắt những khoản không thiết yếu (ăn nhà hàng, mua đồ xa xỉ, tiền thuốc lá,…)
- Bước 6: Thống kê các khoản đã tiêu và đã tiết kiệm được trong tháng (trừ khoản ở bước 2)
Cứ áp dụng đều đặn như vậy mỗi tháng bạn có thể tiết kiệm được 35% thu nhập, thậm chí là nhiều hơn như vậy.
Trần Thu Thủy