Phát hiện của nhóm chuyên gia Đại học Emory, Mỹ, có thể mở ra bước tiến mới trong hành trình vật lộn với di chứng của người khỏi Covid-19.

1 Hy Vong Ve Thuoc Dieu Tri Di Chung Hau Covid 19

Ngay cả khi đã khỏi Covid-19, nhiều người vẫn gặp các di chứng cấp tính (PASC) không rõ ràng, chưa thể gọi tên. Các phương pháp điều trị hiện tại cũng không thể xử lý dứt điểm hoặc 100% các di chứng hậu Covid-19.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Journal for Nurse Practitioners, nhóm chuyên gia tại Đại học Emory, Mỹ, phát hiện loại thuốc mới có thể cải thiện các triệu chứng hậu Covid-19 ở nhiều bệnh nhân.

Hy vọng vào loại thuốc rẻ tiền

Các di chứng cấp tính hậu Covid-19 có thể gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do hậu quả mà nó gây ra cho người bệnh như đau mạn tính, suy nhược và mất chức năng nhiều cơ quan.

Tại Mỹ, thống kê cho thấy 2/3 bệnh nhân Covid-19 nhập viện gặp phải hội chứng hậu Covid-19 (Long Covid) trong vòng 6 tháng sau. Ngay cả ở những người mắc bệnh nhẹ, không phải nhập viện, hơn 10% vẫn có các triệu chứng mạn tính sau 6 tháng khỏi bệnh. Ước tính thế giới có 54 triệu người mắc hội chứng hậu Covid-19.

Trong khi đó, các nghiên cứu hiện tại chưa thể tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng như cách điều trị dứt điểm. Xuất phát từ điều đó, nhóm chuyên gia tại Mỹ đã thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc có giá thành rẻ để điều trị di chứng hậu Covid-19.

Loại thuốc mà nhóm tác giả sử dụng là thuốc kháng histamin (Antihistamine). Nó vốn được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của dị ứng, chẳng hạn như sốt, phát ban, viêm kết mạc hay phản ứng dị ứng do vết cắn hoặc đốt của côn trùng. Ngoài ra, thuốc kháng histamin cũng được sử dụng để ngăn ngừa say tàu xe và điều trị ngắn hạn cho chứng mất ngủ.

2 Hy Vong Ve Thuoc Dieu Tri Di Chung Hau Covid 19

Thuốc kháng histamin được xem là hy vọng mới cho những người mắc di chứng hậu Covid-19. Ảnh: iStock.

Hiện nay, thuốc kháng histamin có 2 loại tương ứng với 2 loại thụ thể, đó là thuốc kháng histamin H1 và thuốc kháng histamin H2. Trong đó, thuốc kháng histamin H1 được chia thành thế hệ một và thế hệ hai.

Thuốc kháng histamin H1 thế hệ một phân bố khắp tổ chức của cơ thể kể cả hệ thần kinh trung ương, gây ức chế hệ thần kinh trung ương ngay ở liều điều trị, làm chậm chạp, mơ màng, giảm sự tỉnh táo. Nhưng thuốc kháng histamin H1 thế hệ hai khó qua hàng rào máu - não nên không có tác dụng này.

Thuốc kháng histamin H1 thế hệ một cũng có tác dụng kháng cholinergic ngay ở liều điều trị nên được dùng tốt để chống nôn, chống say tàu xe, nhưng lại gây khô miệng, họng và mũi.

Trong khi đó, các thuốc thế hệ hai không gặp phải tác dụng không mong muốn này.

Một số thuốc thế hệ một như promethazin hydroclorid (phenergan, dimedrol); Clorpheniramin maleat (dạng bào chế riêng hoặc kết hợp trong một số thuốc điều trị cảm cúm như rhumenol, decolgen); brompheniramin maleat; diphenhydramin hydroclorid (benadryl, nautamine); hydroxyzin hydroclorid (atarax). Một số thuốc thế hệ 2 gồm loratadin (clarytin); cetirizin hydroclorid (zyrtec); fexofenadin (telfast); acrivastin (semprex)… Nghiên cứu phát hiện khi hai tình nguyện viên bị suy nhược cơ thể trong hơn một năm được điều trị bằng thuốc kháng histamin, sức khỏe của họ đã ổn định trở lại. Họ đã quay trở lại cuộc sống bình thường.

Thuốc kháng histamine đã được chứng minh là có thể ngăn chặn sự diễn biến nặng của các triệu chứng, tăng khả năng sống sót của những người bị Covid-19 thể nặng, nguy kịch.

Đặc biệt, nó cũng giúp giảm nguy cơ xuất hiện cơn bão cytokine ở các F0 phải nhập viện.

Kết quả tích cực

Cụ thể, nghiên cứu thực hiện trên hai bệnh nhân. Người đầu tiên là nhân viên chăm sóc sức khỏe, 40 tuổi, có nhiều vấn đề về sức khỏe như hiện tượng Raynaud vô căn, hội chứng buồng trứng đa nang và dị ứng sữa.

Bà thường tập thể dục 4-5 ngày/tuần. Tháng 1/2020, bệnh nhân tiếp xúc nguồn lây và khởi phát các triệu chứng giống cúm xuất hiện trong vòng 72 giờ.

Trong vòng 10 ngày tiếp theo, bà bị phát ban, đau ngực, loét miệng, ho khan và đổ mồ hôi trộm, mất vị giác. Sau đó, các triệu chứng điển hình của Covid-19 thuyên giảm.

Song, nhiều tình trạng khác vẫn tồn tại, kèm theo vết bầm tím, nhiệt miệng. Các triệu chứng này xảy ra từng cụm, tùy từng thời điểm. Tháng 3/2020, bệnh nhân xuất hiện “sương mù não”, luôn cảm thấy mệt mỏi, mơ hồ. Xét nghiệm kháng thể vào tháng 6/2020 cho kết quả âm tính với nCoV. Sau đó, các chuyên gia y tế không phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi đo điện tâm đồ, xét nghiệm máu và chụp X-quang.

Một năm sau, nữ bệnh nhân được đánh giá lại tình trạng phát ban, loét miệng. Kết quả cho thấy bà có hiện tượng thâm nhiễm tế bào lympho và bạch cầu trung tính ở cả hai vị trí sinh thiết.

 3 Hy Vong Ve Thuoc Dieu Tri Di Chung Hau Covid 19

Di chứng hậu Covid-19 trở thành nỗi ám ảnh với hàng triệu người sau khi khỏi bệnh. Ảnh: Freepik.

Vào tháng 6/2020, bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng histamin diphenhydramine lần đầu tiên để điều trị các triệu chứng dị ứng vì ăn phô mai. Kết quả cho thấy tình trạng mệt mỏi, sương mù não giảm rõ rệt.

Ba ngày sau, bà ngừng dùng thuốc và các triệu chứng lại tái phát. Nữ bệnh nhân lặp lại và phát hiện mỗi lần sử dụng thuốc kháng histamin đều khiến các di chứng hậu Covid-19 thuyên giảm, biến mất.

Bà tiếp tục dùng diphenhydramine trong 6 tháng, sau đó, kèm thêm một loại khác là hydroxyzine. Với liều hydroxyzine thấp nhất, chứng phát ban, mệt mỏi và chức năng nhận thức của bệnh nhân được cải thiện đáng kể. Khi tăng gấp đôi liều (tương đương 1/3 liều lượng tối đa cho phép), triệu chứng của bệnh nhân gần như biến mất hoàn toàn. Vào thời điểm nghiên cứu, bệnh nhân đã dùng hydroxyzine được 9 tháng và dần hồi phục chức năng nhận thức, tập thể dục không còn bị hụt hơi, mệt mỏi.

Tình trạng này tốt tương đương lúc chưa mắc Covid-19. Ngoài ra, các triệu chứng khác hầu như khỏi hẳn. Bệnh nhân đánh giá sức khỏe của bản thân đã hồi phục khoảng 90% so với trước khi gặp di chứng hậu Covid-19.

Trường hợp thứ hai là giáo viên ở độ tuổi trung niên, mắc bệnh hen suyễn và dị ứng theo mùa, đã dùng fexofenadine. Sau 48 giờ gặp các triệu chứng hô hấp giống Covid-19, bà bị đau nhức cơ thể, ho khan và sốt, song, kết quả xét nghiệm cho thấy bà âm tính với nCoV.

 4 Hy Vong Ve Thuoc Dieu Tri Di Chung Hau Covid 19

Hiện tượng ngón tay, chân đổi màu ở bệnh nhân thứ hai dù bà đã khỏi Covid-19 hơn một năm. Ảnh: NP Journal.

Các triệu chứng khác tiếp tục xuất hiện, gồm đau ngực và khó thở. Bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng mắc Covid-19. Sau đó, bà bị sốt, đau khớp kèm theo khó thở. Tình trạng khó thở kéo dài tới 3 tháng sau

Tại thời điểm này, xét nghiệm kháng thể của bệnh nhân là âm tính. Một tháng sau, bà có hiện tượng nhịp tim nhanh, triệu chứng ở ngón chân, mệt mỏi, đau khớp, thay đổi vị giác và khứu giác, sương mù não. Người phụ nữ này phải chống chọi với các triệu chứng trên trong 9 tháng.

Ngoài ra, bà còn bị đau bụng, đầy hơi, nhức hai tay. Nhận thấy bản thân có khả năng bị huyết khối vi mạch, bệnh nhân bắt đầu dùng 5 viên aspirin 81 mg mỗi ngày. Sau đó, tình trạng acrocyanosis biến mất. Bà tiếp tục sử dụng aspirin 81 mg một liều/ngày, kèm theo men vi sinh, vitamin.

Sau 13 tháng, bệnh nhân chuyển sang dùng diphenhydramine và cảm thấy tình trạng sương mù não, mệt mỏi được cải thiện đáng kể. Bà tiếp tục dùng thuốc này và khẳng định các triệu chứng thuyên giảm rõ rệt sau hai liều, cơ thể trở lại trạng thái trước khi mắc Covid-19. Với các kết quả đáng kỳ vọng trên, nhóm chuyên gia rất lạc quan với phát hiện này.

Song, họ cũng cho rằng cần nhiều nghiên cứu trường hợp khác để xác định cách thức và loại thuốc nào nên sử dụng, thuốc kháng histamin H1 thế hệ một hay hai.

Thiên Nhan

Nguồn: zingnews.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC