Các nhà khoa học khí hậu cho biết trong nhiều thập kỷ, biến đổi khí hậu diễn ra gần như dự kiến, nhưng tác động khốc liệt hơn nhiều.

1 Khoa Hoc Canh Bao Trai Dat Co The Da Khong Con Trong Trang Thai Khi Hau An Toan

Những tác động tiềm ẩn trong tương lai của biến đổi khí hậu toàn cầu bao gồm cháy rừng thường xuyên hơn, hạn hán kéo dài hơn ở một số khu vực và sự gia tăng cường độ gió và lượng mưa từ các cơn bão nhiệt đới - Ảnh: NASA

Trên thực tế, ngày càng nhiều nhà khoa học khí hậu tin rằng Trái đất chúng ta có thể đang đến điểm tới hạn. Trong đó nhiệt độ tăng có thể đẩy các hệ thống khí hậu của Trái đất vào tình trạng thay đổi đột ngột và không thể đảo ngược.

Nhà khí hậu Armstrong McKay tại Đại học Exeter, Anh và các đồng tác giả của nghiên cứu đã công bố trên tạp chí khoa học Science: Trái đất có thể đã không còn trong trạng thái khí hậu an toàn, khi mức nóng toàn cầu lên thêm 1 độ C.

Nếu ngưỡng 1 độ C này bị vượt qua, một số hiệu ứng nóng lên toàn cầu như sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu hoặc sự biến mất của các rạn san hô trên thế giới có khả năng xảy ra nhanh hơn dự kiến.

Tuy nhiên các nhà khoa học đến nay vẫn không thực sự biết chính xác khi nào mọi thứ sẽ sụp đổ nhanh chóng.

Theo The Atlantic, một số hệ thống tự nhiên của Trái đất nếu bị đảo lộn có thể báo trước sự tái cấu trúc của thế giới. Hãy xem sông băng Thwaites ở Tây Nam Cực: nó có kích thước bằng bang Florida (Mỹ) với thềm băng nhô ra ngăn cản sông băng chảy ra đại dương.

Mặc dù quá trình tan chảy tổng thể của thềm băng chậm hơn so với dự đoán ban đầu, nhưng nước ấm hiện đang ăn mòn nó từ bên dưới, gây ra các vết nứt sâu.

Tại một thời điểm nhất định, sự tan chảy đó có thể tiến triển đủ để sông băng cuối cùng sụp đổ. Việc sông băng sụp đổ lúc nào và như thế nào sẽ quyết định mực nước biển dâng cao bao nhiêu và ảnh hưởng đến tương lai của bao nhiêu triệu người.

Ông Chris Field, giám đốc Viện Môi trường Stanford Woods và là người đóng góp cho một số báo cáo của Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), cảnh báo rằng đến một lúc nào đó, tác động của khủng hoảng khí hậu có thể trở nên nghiêm trọng đến mức chúng ta mất khả năng hợp tác để đưa ra giải pháp.

Ông William Ripple, giáo sư sinh thái học nổi tiếng tại Đại học bang Oregon, cho biết chúng ta có thể phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể các thảm họa liên quan đến khí hậu. Ông nói nhiều nhà khoa học đã biết những điều này sẽ xảy ra, nhưng họ rất ngạc nhiên trước sự thay đổi quá nhanh và quá nghiêm trọng mà họ chứng kiến.

Hạn chế khí thải để cứu Trái đất

Theo Armstrong McKay, mặc dù có thể đã quá muộn để ngăn chặn một số thay đổi, nhưng vẫn có thể ngăn chặn những thay đổi khác của khí hậu bằng cách hạn chế lượng khí thải.

"Về mặt khoa học, mọi thứ chúng ta làm để tránh dù chỉ 1/10 độ tăng nhiệt cũng tạo ra sự khác biệt rất lớn", ông Ripple nói.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC