Theo các chuyên gia, một tòa lâu đài có thể không bao giờ tăng giá dù đã được cải tạo.
Lần đầu tiên Karen Horne và chồng của bà, Paul, nhìn thấy tòa lâu đài La Perrière trong một quảng cáo trên báo. Hai vợ chồng nhà Horne coi Anh là nhà nhưng lại kết hôn ở Pháp, và họ đã quyết định ghé thăm tòa lâu đài này trong chuyến đi tới Pháp sau đó.
“Chúng tôi thực sự chỉ đến Pháp xem thử tòa lâu đài này vì thấy tò mò”, bà Horne hồi tưởng về chuyến đi năm 2004 của hai vợ chồng. “Chúng tôi hoàn toàn không có ý định mua một lâu đài.”
Thế nhưng, sau khi dành hơn 6 giờ tham quan tòa lâu đài, họ đã quyết định mua không lâu sau đó.
Bà Horne cho biết: “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên về những gì bạn có thể nhận được cho số tiền mình đã bỏ ra”.
Tại Pháp, bạn có thể tìm thấy những tòa lâu đài có giá bán rẻ hơn một căn hộ. Năm 2021, hầu hết các lâu đài do công ty bất động sản Pháp Le Nail rao bán có giá từ 300.000 euro đến 1,2 triệu euro (tương đương 355.170 USD đến 1,42 triệu USD). Trong khi đó, mức giá trung bình của một căn hộ rộng 800 mét vuông ở Paris là gần 1 triệu đô la.
Tại Nantes, một lâu đài được xây từ thế kỷ 17 với 15 phòng được niêm yết giá bán là 1,7 triệu euro, tương đương 2.853 euro cho mỗi mét vuông. Trong khi đó, một căn hộ trung bình ở trung tâm thành phố được bán với giá 3.691 euro/mét vuông, cao hơn khoảng 800 euro/mét vuông so với giá mua lâu đài.
Sở hữu lâu đài không phải là điều đơn giản
Đối với người Pháp, lí do những lâu đài này có mức giá rẻ như mơ là điều quá hiển nhiên: Đó là bởi chúng rất tốn tiền. Các tòa lâu đài cần được sửa chữa, bảo trì liên tục. Những tòa lâu đài giá rẻ hơn thường nằm ở những khu vực vắng vẻ, cách xa ga tàu hoặc cửa hàng tạp hóa. Ngoài ra, các tòa lâu đài cũng tiêu thụ một lượng lớn năng lượng.
Theo các chuyên gia, dù được cải tạo, một tòa lâu đài vẫn có thể không bao giờ tăng giá.
Rất ít người Pháp muốn sở hữu một tòa lâu đài, thế nhưng nhiều người nước ngoài lại háo hức và một số người đã quyết định mua mà không nhận ra mặt tối của nó.
Công ty bất động sản hạng sang Barnes nói với tờ The Figaro của Pháp rằng trong số các khách hàng của họ, người nước ngoài chiếm 25% – chủ yếu là người Anh, Nga, Mỹ và Trung Quốc.
Ông Patrice Besse, người đứng đầu một cơ quan chuyên về các tài sản lâu đời có trụ sở tại Paris, cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến số lượng người tìm kiếm lâu đài ngày càng tăng. Từ năm 2019 đến năm 2020, doanh số bán hàng tại chi nhánh của ông tăng 40%.
Doanh số năm 2021 của chi nhánh này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, và người nước ngoài chiếm 15% doanh số bán hàng của ông Besse.
“Thị trường đang rất sôi động,” ông Besse nói.
Ước tính có khoảng 43.000 lâu đài tại Pháp. Mỗi năm, có khoảng 800 lâu đài được rao bán trên thị trường bất động sản, nhiều tòa có giá khá rẻ. Ông Besse cho biết phần lớn các tòa lâu đài mà chi nhánh của ông rao bán có giá từ 800.000 euro đến 1,2 triệu euro.
Khi nhà Horne mua lâu đài La Perrière ở Thung lũng Loire cách Tours một giờ lái xe, tòa bất động sản này đã xuống cấp thậm tệ. Mặt tiền cần sửa chữa. Cần thay thế lò hơi. Giấy dán tường bong tróc và thảm cũ trong phòng ngủ cần thay thế.
“Khi xem lại những bức hình, chúng tôi thường bị sốc và tự hỏi: Ôi trời, chúng ta thực sự đã mua cái đó hả?”, bà Horne nói.
Tháng 10/2019, hai vợ chồng trẻ Sunita và Andrew McDonald đã quyết định mua một tòa lâu đài 40 phòng ở Pyrenees với giá khoảng 280.000 euro. Họ đã chuẩn bị tinh thần trả số tiền tương tự cho việc cải tạo.
Sunita cho biết: “Tòa lâu đài không có điện và nước sinh hoạt. Sàn nhà trong một số căn phòng thậm chí đã bị sập. Trong hơn 30 năm không có ai sống ở đó”.
Gia đình anh chị Sunita và Andrew McDonald. Ảnh do nhân vật cung cấp
Tháng 3/2020, gia đình McDonald gồm 2 vợ chồng và 3 người con đã đi từ Anh đến tòa lâu đài mới mua trên hai chiếc xe hơi, vài bộ quần áo đủ dùng cho một tuần, và một số dụng cụ, vật liệu xây dựng.
Chỉ hai ngày sau khi họ đến nơi, virus SARS-CoV-2 lây lan rộng khắp châu Âu đã khiến Pháp quyết định phong tỏa toàn quốc. Nhà McDonald không có cách nào lái xe 1.000 km đến miền Bắc nước Pháp, nơi họ có thể bắt một chuyến phà trở về Anh kịp thời điểm trước khi biên giới đóng cửa, nên họ đã quyết định ở lại lâu đài.
“Chúng tôi cắm trại trong lâu đài khoảng một tháng trên những tấm nệm hơi”, Sunita nói. “Chúng tôi giặt quần áo trong tiệm giặt là, ăn bánh mì baguette, giăm bông, salad và pho mát trong một thời gian dài, trước khi chúng tôi lắp đặt được một lò nướng.”
Sau khi Pháp bắt đầu dỡ bỏ dần các hạn chế vào tháng 5/2020, nhà McDonald đã bắt đầu tự cải tạo và thuê người giúp cải tạo tòa lâu đài, bao gồm việc làm sàn nhà mới. Họ đã phải làm lại đến lần hai, sau khi phát hiện mối mọt sau lần đầu tiên.
Bài học được Sunita rút ra chính là “tiền nào của nấy”, dù tòa lâu đài có mức giá “rẻ như mơ”, nhưng bạn sẽ phải bỏ ra số tiền tương tự để khôi phục nó.
Cặp vợ chồng người Anh Belinda và Lee Prince muốn mua một tòa lâu đài không quá to, và cuối cùng họ đã lựa chọn tòa lâu đài Mareuil có niên đại từ thế kỷ 15, với giá 525.000 euro, bao gồm 3 tòa nhà chính, một nhà kho và khoảng 16 ha đất.
Chi phí bảo trì phụ thuộc vào quy mô lâu đài. Ông Besse ước tính rằng một lâu đài nhỏ hơn có thể tốn khoảng 15.000 euro/năm, trong khi những lâu đài lớn hơn có thể tốn từ 300.000-400.000 euro/năm để bảo trì, hoặc thậm chí là nhiều hơn thế.
Những lâu đài rẻ hơn thường sẽ ở vị trí xa xôi, biệt lập hơn. Từ tòa lâu đài của mình, nhà Prince phải lái xe 30 phút để đến cửa hàng sửa chữa nhà gần nhất. Thợ sửa ống nước và thợ máy cũng ở rất xa so với lâu đài của họ.
Điều đó có nghĩa là họ phải tự làm nhiều việc hơn, chẳng hạn như ông Lee sẽ phụ trách sửa chữa, còn bà Belinda phụ trách trồng các loại rau để đỡ phải đi chợ nhiều.
Vợ chồng ông bà Belinda và Lee Prince. Ảnh do nhân vật cung cấp
Giá rẻ như mơ nhưng hiện thực thì không phải như vậy
Việc mua bán lâu đài có thể gây ra sự bất bình giữa những người hàng xóm. Đó là một trong những lý do khiến giới trẻ Pháp ít quan tâm đến các tòa lâu đài hơn, khi đối với người Pháp, vẻ hào nhoáng bề ngoài của sự giàu có hay thành công không còn là động lực.
Nhà Prince hiểu rõ rằng họ cần phải nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Khi thị trưởng của thị trấn liên hệ và đề nghị họ tham gia một sự kiện hàng năm, ông Lee và bà Belinda đã đề nghị tổ chức sự kiện ở tòa lâu đài của họ. Gầm 150 người đã tới dự, một con số kỷ lục. Rất nhiều người đã sinh sống cạnh tòa lâu đài nhiều năm trời nhưng chưa từng đặt chân tới đó.
“Bạn cần phải cư xử hết sức thận trọng trong cộng đồng khi tòa lâu đài vốn đã là bất động sản lớn nhất trong khu vực. Đó là di sản của họ”, bà Belinda nói.
Hai vợ chồng nhà Prince cũng đã tìm cách “kinh doanh” tòa lâu đài của họ. Mặc dù ban đầu ông bà Prince không mua lâu đài với mục đích này, nhưng họ sớm nhận ra rằng họ cần phải có thu nhập để bù vào số tiền cải tạo. Họ đã bắt đầu cho thuê phòng và cho thuê tổ chức các sự kiện như đám cưới.
Lâu đài Mareuil của ông bà Prince. Ảnh do nhân vật cung cấp
Ông Besse cho biết việc “kinh doanh” dựa trên lâu đài này ngày càng phổ biến hơn với thế hệ “cư dân lâu đài” mới. Nhưng hầu hết các khách hàng của ông lại không thuộc nhóm này.
Giống như nhà Prince, vợ chồng ông bà Horne dự định mua tòa lâu đài để làm nơi nghỉ dưỡng mùa hè. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, họ quyết định cho người khác thuê. Nhưng đại dịch đã gián đoạn việc kinh doanh, khiến nhà Horne đành phải đưa ra quyết định khó khăn là bán tòa lâu đài.
Do lâu đài khó tăng giá, nhà Horne chỉ thu được rất ít lợi nhuận về mặt tài chính. Ông Besse cho biết cũng có nhiều trường hợp phải chịu lỗ khi bán lại tòa lâu đài hậu trùng tu.
Tuy nhiên, nhà Horne khẳng định họ không hề thua thiệt: “Đó vẫn luôn là lựa chọn của trái tim, chứ chưa bao giờ là quyết định của lý trí. Chúng tôi đã có 15 năm kỷ niệm tuyệt vời tại tòa lâu đài ấy. Bạn không thể định giá cho điều đó”.
Theo Cafef