Liệu chúng ta có thể trở thành phiên bản tốt hơn của mình không? Hay những gì ta được thừa hưởng từ khi sinh ra sẽ luôn bất biến?
Trong tâm lý học có hai khái niệm nhân cách (personality) và bản tính (temperament). Điểm chung của hai yếu tố này chính là chúng hình thành từ thời thơ ấu và sẽ đi theo chúng ta suốt cả cuộc đời. Vậy đâu là điểm khác biệt? Và đâu là thứ chúng ta có thể thay đổi?
Sự khác nhau giữa nhân cách và bản tính
Nhân cách (personality) là cách mà một người suy nghĩ, cảm nhận và hành xử. Nó là sự kết hợp giữa những trải nghiệm đầu đời và tác động từ bên ngoài (như môi trường giáo dục, các mối quan hệ và áp lực xã hội).
Bản tính (temperament) là cách mà chúng ta phản ứng với thế giới xung quanh. Bản tính của chúng ta thường được di truyền hoặc thừa hưởng từ người nuôi dưỡng. Các đặc trưng liên quan đến bản tính bao gồm:
- Sự năng động: bạn có thích các hoạt động thể chất hay không?
- Phản ứng tiếp cận hoặc né tránh: bạn phản ứng như thế nào trước những trải nghiệm mới lạ?
- Khả năng thích ứng: bạn mất bao lâu để làm quen với môi trường mới?
- Độ nhạy cảm: bạn có nhạy với sự thay đổi liên quan đến ánh sáng, mùi hương, âm thanh, khẩu vị không?
- Khả năng bộc lộ cảm xúc: bạn thể hiện bản thân như thế nào trước những xao động mãnh liệt về mặt cảm xúc?
- Tâm trạng: bạn là kiểu người lúc nào cũng hồ hởi hay nghiêm túc?
- Độ xao nhãng: bạn là người ngồi xuống là làm việc được ngay hay dễ bị phân tâm bởi những tác động bên ngoài?
- Sự bền bỉ: bạn có phải là người dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn?
Để dễ hiểu, nhân cách trả lời cho câu hỏi “bạn làm gì?” (what) và “tại sao bạn làm điều đó?” (why). Còn bản tính trả lời cho câu hỏi “bạn làm điều đó như thế nào?” (how).
Nhân cách và bản tính: đâu là thứ chúng ta có thể thay đổi?
Yếu tố bạn có thể thay đổi là nhân cách, bởi nó sẽ “tiến hóa” dựa trên các tác động bên ngoài, đặc biệt là khi trải nghiệm sống thay đổi và các mối quan hệ mới được hình thành.
Một thí nghiệm của Nathan Hudson từ Đại học Southern Methodist đã chứng minh rằng, bạn có khả năng đạt được những nhân cách mà mình mong muốn nếu chủ động làm điều đó.
377 sinh viên đại học đã tham gia vào thí nghiệm trên trong 15 tuần. Họ được yêu cầu hoàn thành một bài kiểm tra nhỏ về 5 xu hướng chính của nhân cách (Big Five personality) bao gồm: hòa đồng, tự chủ, bất ổn cảm xúc, hướng ngoại và cởi mở. Các sinh viên sẽ chọn ra một nhân cách mà họ muốn trở thành, rồi tham gia vào những thử thách tương ứng với độ khó tăng dần.
Thí nghiệm dựa trên Big Five
Ví dụ, người muốn trở nên hướng ngoại hơn sẽ phải đến một bữa tiệc và chào hỏi những người mà họ không quen. Độ khó được tăng lên khi họ phải hỏi người kia 2 câu hỏi bất kỳ. Thử thách này nhằm mục đích giúp người tham gia bước ra khỏi vùng an toàn, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Kết quả của thí nghiệm đã củng cố quan điểm về việc nhân cách không hề bất biến. Cụ thể, để thay đổi bạn cần:
Xác định đâu là nhân cách mà mình muốn hướng tới: hướng ngoại, tích cực, thấu cảm,…
Thực hiện những thử thách nhằm hướng bản thân tới mục tiêu đó: tham gia vòng tròn xã hội mới, đối mặt với sự tiêu cực trong mình, học cách lắng nghe không phán xét.
Và hiển nhiên là sự kiên trì, nhất quán và nghiêm túc trong việc thực hiện những thử thách.
Tuy nhiên…
Nói thì dễ hơn làm, đặc biệt là đối với điều không thoải mái như thay đổi. Thay đổi khó khăn bởi vì:
Bạn muốn thay đổi quá nhiều
Chúng ta thường hay tham lam và thích ôm đồm nhiều thứ. Không chỉ mong muốn trở nên hướng ngoại hơn, bạn còn muốn trở thành người cởi mở, thấu cảm, tích cực, quyết đoán,… Và rồi bạn chẳng biết phải bắt đầu từ đâu.
Không gì thoải mái bằng trạng thái hiện tại
Thay đổi đòi hỏi bạn phải đối mặt với vô vàn tình huống không thoải mái. Ví dụ như muốn hướng ngoại hơn thì phải chăm đi ra ngoài, muốn cởi mở hơn thì phải sẵn sàng nói “có”, muốn thấu cảm thì phải tập lắng nghe những điều khác với niềm tin của mình,… Những điều này đều nằm ngoài vùng an toàn và bạn không chắc liệu mình có sẵn sàng hay chưa.
Nhân cách là điều rất mơ hồ
Và cuối cùng, nhân cách không phải thứ mà bạn có thể cầm nắm hay đo lường được. Nếu không thể cân đo đong đếm thì sẽ khó để biết được liệu mình có thành công hay không? Việc không nhìn thấy được kết quả thường là nguyên nhân khiến nhiều người bỏ cuộc giữa chừng.
Kết
Nó chính là việc bạn nhận ra đâu là hạn chế, đâu là điều mình muốn cải thiện và bền bỉ với sự lựa chọn của mình.
Trên thực tế, nhiều người cho biết rằng họ cảm thấy thoải mái và tự tin khi là chính mình khi trưởng thành hơn. Họ phát triển khả năng ổn định cảm xúc tốt, cảm thông hơn, và không còn bốc đồng như thời trẻ. Nhân cách của chúng ta sẽ thay đổi theo cách ta tự nhìn nhận bản thân.
Thay đổi nhân cách không phải là “đập đi xây mới” hoàn toàn bản chất của bạn. Càng không phải là quá trình “một sớm một chiều”.
Nguồn: Vietcetera