Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, biến chủng Delta hầu như không làm giảm khả năng miễn dịch do vaccine Moderna tạo ra sau 6 tháng kể từ khi tiêm chủng, CNN ngày 13/8 đưa tin.
“Tải lượng kháng thể nhận diện tất cả các chủng virus ở mức cao, bao gồm chủng B.1.351 (Beta) và B.1.617.2 (Delta), được duy trì trong tất cả đối tượng thí nghiệm suốt thời gian này”, các chuyên gia tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science.
Thí nghiệm được tiến hành trên 24 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Moderna. Mẫu máu được lấy lúc 4 tuần sau khi tiêm mũi 1 và 3 thời điểm khác nhau sau khi tiêm mũi 2.
Vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm Mỹ Moderna. Ảnh: AFP.
“Vào thời điểm cơ thể phản ứng mạnh nhất sau khi tiêm mũi 2, tất cả người tiêm vaccine đều sản sinh kháng thể phản ứng với mọi biến chủng”, nhóm nghiên cứu cho biết. Thời điểm này là 2 tuần sau khi tiêm mũi vaccine thứ 2.
Kháng thể sản sinh phản ứng hiệu quả với tất cả biến chủng gây lo ngại trong danh sách của WHO, trong đó có biến chủng Delta.
Biến chủng có nguy cơ vượt qua hệ miễn dịch do vaccine kích hoạt nhất là biến chủng Beta (B.1.351) lần đầu được phát hiện ở Nam Phi.
Vào thời điểm 6 tháng sau khi tiêm mũi 2, chỉ còn khoảng 50% mẫu máu duy trì đủ kháng thể để hoàn toàn trung hòa virus thuộc biến chủng Delta. Trong khi đó, 96% mẫu máu vẫn có kháng thể giúp trung hòa hoàn toàn biến chủng Delta.
Bên cạnh đó, các tế bào B va T trong cơ thể người tiêm vaccine Moderna cho thấy hiệu quả hoạt động được duy trì sau 6 tháng.
“Những cá nhân mà phản ứng miễn dịch suy giảm qua thời gian dường như vẫn có tế bào ghi nhớ B sản sinh thêm kháng thể chống lại các biến chủng, hoặc chỉ cần một mũi vaccine bổ sung để kích hoạt khả năng này”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nguồn: Zing