Không gian ăn uống là khu vực quan trọng trong ngôi nhà. (Ảnh minh hoạ)
Nếu nhà bếp là không gian đại diện cho tình hình tài sản, sức khoẻ của gia chủ thì khu vực ăn uống là nơi để các thành viên trong gia đình vui hưởng thực lộc, trò chuyện. Chính vì thế, không gian ăn uống càng phải được chú trọng.
Xét ở góc độ phong thuỷ học, ngoài chức năng bổ sung năng lượng cho cơ thể, phòng ăn còn là không gian để các thành viên gia đình tụ họp, giao lưu và có mối quan hệ mật thiết với sắc tướng của gia chủ.
Được xem là “trái tim” của không gian ăn uống, bàn ăn là vật dụng không kém phần quan trọng, do đó gia chủ cần phải chú ý đến những kiêng kỵ khi bài trí:
Hình dạng bàn ăn
Người phương Đông có quan niệm “trời tròn đất vuông”, vì thế đồ dùng trong nhà thường có hình tròn và hình vuông, bàn ăn theo kiểu truyền thống cũng vậy.
Bàn ăn hình tròn tượng trưng cho sự đoàn viên, thân thiết, không có khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. (Ảnh minh hoạ)
Bàn ăn truyền thống thường có hình mặt trăng tròn, điều này tượng trưng cho sự đoàn viên, thân thiết, không có khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Khi đó, nhân khí tích tụ có thể khiến người dùng bữa cảm thấy ngon miệng hơn.
Còn bàn ăn hình vuông tượng trưng cho sự vuông vắn, vững chắc và công bằng. Dù bàn hình vuông nhưng không nên có 4 góc nhọn. Với gia đình đông người nên chọn bàn ăn hình bầu dục, hình chữ nhật.
Vật liệu bàn ăn
Dù được làm bằng bất cứ vật liệu gì nhưng bề mặt bàn ăn phải dễ dàng lau chùi là tốt nhất.
Có tính thẩm mỹ cao nhưng mặt bàn ăn bằng đá hoa cương hay kính đều khá cứng nhắc, cảm giác lạnh lẽo, dễ hấp thu năng lượng từ cơ thể sau khi ăn.
Tuy nhiên, thông qua hình dạng và vật liệu để điều chỉnh bàn ăn cho phù hợp. Ví dụ bàn ăn hình tròn có thể sử dụng đá marble làm bề mặt hoặc bàn hình vuông nên dùng vật liệu gỗ.
Kỵ góc nhọn
Góc nhọn càng nhỏ và nhọn thì độ sát thương càng lớn, đây là đại kỵ trong phong thuỷ. Bàn ăn hình tam giác dễ khiến gia đình bất hoà, sức khoẻ các thành viên bị tổn hại. Bàn ăn có góc nhọn có thể dẫn đến tiền tài thất thoát, gia đình bấp bênh.
Kỵ nghiêng, lệch
Trần nhà phía trên bàn ăn có thiết kế khuyết lõm, nghiêng; dầm ngang đè xuống hoặc bàn ăn ở dưới gầm cầu thang… đây đều là những bố cục có thể gây tổn hại cho sức khoẻ thành viên gia đình.
Trường hợp bàn ăn có dầm ngang đè xuống, gia chủ có thể hoá giải bằng cách treo hồ lô. Tuy nhiên tốt nhất nên dời bàn ăn đến vị trí khác.
Nếu bàn ăn nằm dưới gầm cầu thang, có thể đặt 2 chậu trúc khai vận dưới gầm cầu thang để hoá giải nhưng phải đảm bảo cây không ngừng xanh tốt, phát triển hướng lên trên.
Xung thẳng cửa chính
Nếu bàn ăn và cửa chính hình thành một đường thẳng, đứng ngoài nhà có thể nhìn thấy người trong gia đình đang dùng bữa là bố cục đại kỵ. Trường hợp không thể di chuyển bàn ăn đến vị trí khác, gia chủ nên hoá giải bằng cách đặt bình phong để che chắn.
Bàn ăn không nên xung thẳng với cửa chính. (Ảnh minh hoạ)
Kỵ đường xung thẳng
Là nơi các thành viên trong gia đình tụ họp ăn uống nên bàn ăn phải yên tĩnh, ổn định. Nếu có đường xung thẳng bàn ăn dễ khiến mọi người không có cảm giác ngon miệng mà còn tổn tại tới phong thuỷ.
Phòng ăn có nhiều đường đi cũng giống như bản thân luôn phải đối mặt với hiểm nguy, không có lối thoát.
Đối diện cửa nhà vệ sinh
Phòng vệ sinh là nơi không sạch sẽ, càng kín đáo càng tốt. Trường hợp bàn ăn đối diện phòng vệ sinh sẽ khiến sức khoẻ người trong gia đình bị ảnh hưởng.
Một số trường hợp bàn ăn xung thẳng với cửa phòng vệ sinh, cách hoá giải tốt nhất là đặt chậu nước ở giữa bàn ăn, bên trong chậu ngâm vài ngọn cây thiết mộc lan hoặc trúc khai vận.
Đèn chùm hình nến trên bàn ăn
Đèn chùm gồm nhiều bóng đèn hình nến là thiết kế hiện đại và có tính thẩm mỹ, tuy nhiên treo dạng đèn chùm này phía trên bàn ăn cũng giống như chất đống những ngọn nến trắng, dài ngắn.
Bố cục này không phải điềm lành bởi nến trắng tượng trưng cho tang lễ, nếu treo trên khu vực cả gia đình ngồi dùng bữa là không thích hợp, nên tránh.
Tránh treo đèn chùm hình nến trên bàn ăn. (Ảnh minh hoạ)
Bàn ăn quá gần bàn thờ
Bàn thờ là nơi thờ cúng tổ tiên và thần linh, do đó không nên đặt quá gần nơi ăn uống của người phàm.
Nếu thờ các vị thần linh ăn chay và không sát sinh, trong khi đó thông thường bữa ăn gia đình đều có cá, thịt, do đó đặt gần nhau sẽ không hợp lý. Bên cạnh đó, không nên đặt bàn ăn và bàn thờ đối diện nhau.
Tỷ lệ giữa phòng ăn và bàn ăn
Một số gia chủ thích vẻ hào nhoáng cho không gian ăn uống nên thường chọn bàn ăn có kích thước lớn. Tuy nhiên cần lưu ý tỷ lệ giữa phòng ăn và bàn ăn.
Không gian phòng ăn nhỏ nhưng lại đặt bàn ăn quá lớn sẽ dẫn tới chật chội, không những bất lợi trong việc lưu thông mà còn cản trở phong thuỷ phòng ăn.
Nguồn: Phương Anh/ Vietnamnet.vn