Kem từ lâu được biết đến là món ăn yêu thích của nhiều người, nhưng ít ai biết rằng món tráng miệng thú vị này đã được đưa vào giảng dạy. Nghe có vẻ bất ngờ nhưng "ngành kem học" được Viện Đại học Pennsylvania hay Đại học Pennsylvania (gọi tắt là Penn hoặc UPenn) thuộc thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania của Mỹ chọn là ngành đào tạo.
Bang Pennsylvania được xem như là một trong những nơi có nghề kem được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngay từ năm 1865, các trung tâm sản xuất kem đã được thành lập tại bang này. Nơi đây vừa sản xuất kem, vừa cung cấp các khóa học ngắn hạn về kem nói riêng và sữa tươi nói chung.
Vào năm 1980, các trung tâm sản xuất kem tại bang Pennsylvania đã sử dụng đến gần 1,5 triệu kg sữa mỗi năm để làm kem. Qua thời gian, con số này đã tăng lên gấp 4 lần, tức 6 triệu kg sữa vào năm 2004. Những con số này chỉ tính riêng trong tiểu bang Pennsylvania.
Chính bởi sự phát triển của các trung tâm sản xuất kem đã dẫn đến mô hình đào tạo ngành kem học tại Đại học Pennsylvania hiện nay. Nhiều trung tâm sản xuất kem trên khắp nước Mỹ cũng như là các quốc gia trên thế giới đã gửi nhân viên của mình đến đây để học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Giáo sư Bob Roberts, giảng viên ngành kem học tại Đại học Penn State cho biết, rất nhiều những sinh viên là người nổi tiếng của các nhãn hàng như Nestle, Unilever, Ben and Jerry,… đều cử các nhân viên của mình đến trường để học.
Cũng theo chia sẻ từ vị giảng viên của ngành học "độc nhất vô nhị" này thì trên thực tế, kem là một món ăn được làm dựa trên công thức và chỉ cần tuân thủ đúng tỉ lệ thì sẽ trở thành một món kem ngon. Tuy vậy, điều khiến món kem tại bang Pennsylvania nổi tiếng đó chính là các trung tâm tại nơi đây luôn chú ý tới từng chú bò cho sữa, từng chiếc vỏ kem ốc quế.
Chính vì thế nên các giảng viên tại nơi đây luôn lưu ý cho các sinh viên theo đuổi ngành kem học về vấn đề kể trên để làm sao có thể cho ra được những cây kem thơm ngon, béo ngậy nhưng lại không gây ngán cho người sử dụng.
Những nội dung học tại đây cũng vô cùng gần gũi và quen thuộc đối với một thợ làm kem. Trong buổi học, sinh viên sẽ được tìm hiểu nghề kem từ khâu sản xuất đến khâu hoàn chỉnh một cây kem. Họ phải nắm được cách vận hành một trang trại bò, cách chăm sóc các chú bò làm sao để có được chất lượng sữa tốt nhất. Trong giờ học thực hành, sinh viên của giáo sư Bob còn được phép pha chế và ăn kem ngay tại lớp học.
"Nếm thử cây kem do chính mình làm ra là cách tốt nhất để quen với việc tạo vị cho kem. Sở thích của người tiêu dùng rất phong phú và mỗi người lại có sự lựa chọn riêng, vì vậy chúng tôi luôn cố gắng tạo ra nhiều hương vị mới nhất có thể", giáo sư Bob chia sẻ.
Không còn là các xưởng tư nhân nhỏ lẻ, các hệ thống trung tâm sản xuất kem trước kia đã tập hợp thành nhà máy sản xuất kem quy mô lớn, trực thuộc Khoa Khoa học Thực phẩm tại Trường Cao đẳng Khoa học Nông Nghiệp của Đại học bang Pennsylvania. Nơi đây vừa sản xuất, vừa đào tạo ra các thợ làm kem để phục vụ nhu cầu của người dân Mỹ.
Trường Đại học Penn State không chỉ có ngành học "độc lạ" mà còn là nơi đã đào tạo ra nhiều cựu sinh viên nổi bật trong nhiều lĩnh vực từ khoa học, học thuật, chính trị, quân sự đến nghệ thuật và truyền thông như Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump, tỷ phú Charles Butt, nam diễn viên Will Smith,…. Bởi vậy trường còn được gọi là "lò đào tạo tỷ phú thành công nhất Hoa Kỳ".
Học phí từ 2,5 triệu đồng đến 1,15 tỷ đồng Chi phí học tập dành cho sinh viên quốc tế của trường Đại học Pennsylvania dao động từ 46.000 USD đến 48.000 USD tuỳ thuộc vào ngành học và thời gian theo học (từ 1 tỷ đồng đến 1,1 tỷ đồng). Mức chi phí sinh hoạt tuỳ vào nhu cầu chi tiêu của từng sinh viên dao động từ 30.000 USD đến 50.000 USD/ năm (từ 700 triệu đồng đến 1,15 tỷ đồng/năm).
Ở Việt Nam có một số khóa học làm kem ngắn hạn dành cho mọi đối tượng, những người yêu thích làm kem chế biến tại nhà hoặc những người có ý định mở quán kinh doanh kem tươi. Tuy nhiên, chủ yếu là dạy tại các trung tâm với mức học phí từ 2,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/khóa.
Nội dung các khóa học vừa đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình vừa đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng nhân viên làm kem chuyên nghiệp. Một số vị trí học viên có thể đảm nhiệm sau khi hoàn thành khóa học như:
– Nhân viên làm kem cho các nhà hàng, khách sạn, resort quốc tế, có khu làm kem riêng biệt phục vụ khách hàng.
– Nhân viên tại các cửa hàng kem, chuỗi thương hiệu kem nổi tiếng.
– Quản lý, giám sát quy trình và kiểm soát chất lượng kem tại các cửa hàng, thương hiệu kem tươi.
– Nhân viên ở các phòng nghiên cứu, phát triển sản phẩm chuyên về kem, nguyên liệu làm kem.
– Giảng viên hướng dẫn cách làm kem để bán, xử lý nguyên liệu hiệu quả, tiết kiệm giúp học viên có nền tảng mở quán kinh doanh kem.
Sau khi kết thúc khóa đào tạo, học viên có thể kiếm được từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng, tùy vào quy mô và vị trí làm việc.
Nguồn: CafeF