Vắc xin AstraZeneca được sử dụng tại một điểm tiêm ở thành phố Sydney (Úc) ngày 4-8 - Ảnh: AFP
Nghiên cứu do Cao đẳng Hoàng gia London thực hiện từ ngày 24-6 đến 12-7 trên gần 100.000 người Anh và được công bố sơ bộ trên trang web của trường ngày 4-8.
Hãng tin Reuters dẫn nghiên cứu cho thấy những người đã tiêm đủ liều vắc xin có nguy cơ mắc biến thể Delta thấp hơn người không tiêm từ 50% đến 60%. Nguy cơ dương tính sau khi tiếp xúc người mắc COVID-19 của nhóm đã tiêm vắc xin là 3,84% so với 7,23% của nhóm chưa tiêm.
Kết quả cũng cho thấy tải lượng virus ở các ca nhiễm đột phá thấp hơn những ca bệnh là người chưa được tiêm vắc xin. Theo giới khoa học, tải lượng virus càng cao đồng nghĩa khả năng phát tán virus và lây nhiễm cho người khác càng lớn.
"Dữ liệu thu được từ xét nghiệm PCR cho thấy những người đã tiêm đủ vắc xin ít có khả năng lây bệnh cho người khác hơn người chưa tiêm", thông cáo của nhóm nghiên cứu nêu.
Kết quả nghiên cứu sẽ được giới khoa học bình duyệt trước khi gửi đến các cơ quan của Chính phủ Anh. Chiến dịch tiêm chủng của Anh sử dụng phần lớn vắc xin AstraZeneca và Pfizer.
Trước đó hôm 28-7, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y Dược New England (Mỹ) được kỳ vọng sẽ mở đường cho việc dự đoán các ca nhiễm đột phá dựa trên số lượng kháng thể trung hòa sau tiêm.
Nghiên cứu dựa trên 11.500 nhân viên y tế được tiêm đủ 2 liều vắc xin tại Israel. Kết quả cho thấy có 39 người trong số này nhiễm bệnh, nhưng không có ca nào trở nặng hay nhập viện.
So sánh lượng kháng thể trung hòa của nhóm này với những người cùng tuổi và được tiêm vắc xin, nhóm nghiên cứu nhận thấy các ca nhiễm đột phá có lượng kháng thể trung hòa thấp hơn. Dữ liệu được thu thập vào ngày những người này được phát hiện nhiễm bệnh hoặc một tuần trước đó.
Bảng hướng dẫn tiêm vắc xin tại một trung tâm tiêm chủng ở bang California (Mỹ) ngày 15-4 - Ảnh: REUTERS
Các hãng dược Mỹ nói gì về "ca nhiễm đột phá"?
"Không có biến thể nào, kể cả biến thể Delta, thoát được vắc xin", Hãng Pfizer khẳng định trong một tuyên bố ngày 3-8. Còn Hãng Johnson&Johnson cũng đưa ra một tuyên bố tương tự.
"Hai liều vắc xin BNT162b2 tiếp tục cho thấy sự hiệu quả trong việc ngăn chặn các ca mắc COVID-19 nặng và nhập viện", Hãng Pfizer khẳng định trong email gửi Đài Fox News.
Pfizer từ chối bình luận khi được hỏi về báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ. Trong đó, cơ quan này cho biết 3/4 trong tổng số 469 ca nhiễm tại một thị trấn ở Massachusetts là người đã tiêm đủ vắc xin.
Các ca nhiễm đột phá này đã tiêm vắc xin Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson (J&J) - 3 loại vắc xin đã được cấp phép khẩn cấp tại Mỹ.
"Theo ghi nhận của CDC, mặc dù một tỉ lệ nhỏ những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm COVID-19, việc bệnh diễn biến nặng là điều rất hiếm xảy ra", Hãng J&J dẫn báo cáo của CDC khi được Fox News liên hệ.
Hãng này khẳng định "tất cả vắc xin COVID-19 được cấp phép đã chứng minh hiệu quả trong việc ngăn chặn lây nhiễm và giảm mức độ nghiêm trọng của căn bệnh".
Pfizer và Moderna khuyến cáo tiêm đủ 2 liều, trong khi vắc xin của J&J chỉ cần tiêm 1 liều.
Sự xuất hiện của biến thể Delta đã làm tăng số ca nhiễm đột phá tại Mỹ, nhưng vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số người đã được tiêm. CDC Mỹ cam kết sẽ tiếp tục các nghiên cứu vi sinh để làm rõ liệu các ca nhiễm đột phá biến thể Delta có khả năng lây cho người khác hay không.
Người đứng đầu CDC, bác sĩ Rochelle Walensky, cho rằng những người chưa tiêm vắc xin và mắc COVID-19 vẫn là nguồn lây nhiễm chủ yếu, ám chỉ khả năng bị các ca nhiễm đột phá lây bệnh rất thấp.
Theo bác sĩ Anthony Fauci - cố vấn chống dịch của Nhà Trắng, tính đến ngày 26-7 có 6.587 ca nhiễm đột phá phải nhập viện hoặc tử vong, chiếm khoảng 0,01% trong tổng số 163 triệu người Mỹ đã tiêm đủ vắc xin.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online