Nghiên cứu do tổ chức Maccabi Healthcare Services, Đại học Tel Aviv và Trung tâm y tế Assuta ở Ashdod thực hiện, đã so sánh 3 nhóm người tại Israel: những người đã tiêm vaccine Covid-19 và chưa từng nhiễm SARS-CoV-2; những người từng mắc bệnh mà chưa được tiêm vaccine; và những người bị nhiễm SARS-CoV-2, sau khi bình phục đã được tiêm vaccine.
Nghiên cứu của Israel chỉ ra rằng miễn dịch tự nhiên mạnh mẽ và lâu dài hơn miễn dịch sinh ra do vaccine Covid-19. Ảnh minh họa: iStock
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, miễn dịch tự nhiên ở những người từng nhiễm virus mạnh hơn và lâu dài hơn so với miễn dịch sinh ra nhờ tiêm chủng. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng, một liều vaccine duy nhất có thể cung cấp sự bảo vệ trước biến thể Delta cho những người đã hồi phục sau khi mắc Covid-19.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích hồ sơ y tế điện tử ẩn danh, một cơ sở dữ liệu bao gồm hồ sơ của 2,5 triệu người Israel, từ ngày 1/3/2020 đến ngày 14/8/2021.
Nghiên cứu đã chia các đối tượng thành các nhóm dựa trên tình trạng tiêm chủng và tình trạng lây nhiễm trước đó, phân loại theo các yếu tố nhân khẩu học bao gồm độ tuổi, giới tính, vị trí cư trú, cũng như thời điểm lây nhiễm hoặc tiêm chủng.
Trong phân tích, nhóm nghiên cứu so sánh khả năng miễn dịch tự nhiên với khả năng miễn dịch do tiêm chủng giữa những người chưa từng nhiễm virus, hai nhóm gồm 16.215 người, với sự tương đồng về độ tuổi, giới tính, vị trí và thời gian mắc bệnh hoặc tiêm chủng.
Kết quả phân tích cho thấy, trong tổng số 256 ca lây nhiễm có 238 ca lây nhiễm đột phá ở nhóm đã tiêm vaccine, trong khi chỉ có 19 ca tái nhiễm ở nhóm chưa tiêm chủng.
Các nhà nghiên cứu cũng so sánh 2 nhóm, mỗi nhóm bao gồm 14.029 người, một nhóm là những người đã từng mắc bệnh và chưa tiêm chủng, một nhóm từng mắc bệnh và sau đó đã tiêm 1 liều vaccine. Phân tích này cho thấy, việc tiêm 1 liều vaccine giảm gần 50% nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học kết luận, khi nghiên cứu ảnh hưởng của biến thể Delta họ thấy rằng “miễn dịch tự nhiên mang lại sự bảo vệ lâu dài và mạnh mẽ hơn trong việc chống lại sự lây nhiễm, mắc bệnh có triệu chứng và nhập viện do biến thể Delta, so với miễn dịch sinh ra nhờ tiêm vaccine”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói thêm rằng, một liều vaccine duy nhất cũng giúp tăng cường khả năng bảo vệ cho những người từng mắc bệnh.
“Đáng chú ý, những người đã nhiễm SARS-CoV-2 và được tiêm một liều vaccine Pfizer đã được bảo vệ trước biến thể Delta. Sự bảo vệ lâu dài sau khi tiêm liều vaccine thứ ba, hiện đang được triển khai ở Israel, vẫn chưa có kết quả chính xác”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu cho rằng khả năng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài hơn ở những người từng mắc bệnh “có thể do phản ứng miễn dịch rộng rãi hơn đối với các protein của SARS-CoV-2 so với phản ứng được tạo ra bởi kích hoạt miễn dịch protein chống đột biến do vaccine tạo ra”. “Nhưng đây vẫn là một giả thuyết cần xem xét thêm”, các nhà nghiên cứu nói.
Nghiên cứu này dường như củng cố dữ liệu do Bộ Y tế Israel thu thập vào đầu năm nay, so sánh khả năng tái nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư với khả năng lây nhiễm đột phá giữa những người đã tiêm chủng./.
Nguồn: VOV/Theo Israel National News