Cuối năm 2021, AJ Webber trở nên nổi tiếng sau khi giới thiệu căn nhà siêu nhỏ của mình thông qua một video dài 46 giây trên mạng xã hội, theo The Guardian.
Webber tự nhận căn hộ rộng chưa đến 7 m2 của mình là "ngôi nhà nhỏ nhất New York". Clip hiện thu hút gần 30 triệu lượt xem.
Căn hộ với diện tích khiêm tốn của Webber chỉ đủ để chứa bồn rửa mặt, lò vi sóng, giường gác xép và không có nhà tắm, nhà vệ sinh hay kệ bếp.
"Đây là cảm giác giống như sống trong một căn hộ nhỏ nhất ở New York. Dù bạn đang mong chờ gì đi nữa, hãy hạ thấp tiêu chuẩn của mình xuống", anh nói trong video.
Webber không tiết lộ giá thuê nhưng New York Post ước tính căn hộ tương tự phòng ký túc xá này có giá khoảng 1.600 USD/tháng.
Nhà ở siêu nhỏ phổ biến tại Mỹ từ năm 2008, sau cuộc khủng hoảng nhà đất. Ảnh: New York Post.
Sự phổ biến của nhà siêu nhỏ
Trong những năm gần đây, những căn hộ siêu nhỏ có diện tích chưa đến 10 m2 trở nên phổ biến, được chào bán, tiếp thị rộng rãi tại New York nói riêng và các thành phố lớn trên toàn thế giới nói chung.
Năm 2019, một studio rộng 22 m2 ở Manhattan, quận có mật độ dân số lớn nhất New York, được tung ra thị trường với giá 550.000 USD. Các nhà phát triển cũng đang gấp rút xây dựng những khu chung cư siêu nhỏ trên khắp thành phố với hàng chục nhà ở mini.
"Căn hộ nhỏ - giải pháp cho vấn đề lớn" là những gì các nhà thiết kế, xây dựng đang quảng cáo về dự án của mình. Thiết kế đẹp và cuộc sống tối giản là những lợi ích thường xuyên được đề cập.
Nhiều người lựa chọn nhà siêu nhỏ vì giá thuê rẻ, tiện di chuyển khu vực trung tâm. Ảnh: New York Times, VW Pics.
Với sự phổ biến của chủ nghĩa tối giản và hạn chế chủ nghĩa tiêu dùng, "ấm cúng" không còn là một từ ngữ thiếu thuyết phục, mà đã trở thành câu cửa miệng được ưa chuộng trong giới tiếp thị bất động sản.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, nguyên nhân hàng đầu đưa một người về sống trong các căn hộ siêu nhỏ vẫn chỉ là giá thuê.
New York đang là thành phố có giá thuê các căn hộ thuộc hàng đắt nhất thế giới. Giá thuê trung bình cho một căn hộ với 2 phòng ngủ là 1.638 USD/tháng. Trong khi đó, ở trung tâm Manhattan, giá trung bình là 3.895 USD, xấp xỉ thu nhập cả tháng của một công nhân Mỹ.
"Ngay cả mùi cũng chiếm chỗ"
Trong một bài viết đăng trên New York Times, tác giả Gene Tempest cho rằng phong trào nhà ở thu nhỏ (những ngôi nhà có diện tích dưới 45 m2) được lấy cảm hứng từ cabin ở Walden Pond của Henry David Thoreau - nhà văn, nhà tự nhiên học nổi tiếng trong thế kỷ XIX của Mỹ.
Xu hướng này bùng nổ mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng nhà đất vào năm 2008 khiến hơn 10 triệu người Mỹ mất nơi ở.
Ngôi nhà nhỏ giờ đây trở thành lối sống thịnh hành, khi có thể kết hợp ăn ý với các trào lưu văn hóa đương đại như cơn sốt của "thánh nữ dọn nhà" Marie Kondo năm 2014 hay sự sùng bái Hygge đến từ Đan Mạch trong thời gian gần đây.
Những bức ảnh bóng bẩy trên các blog nổi tiếng như Tiny House Swoon hay các bộ phim Tiny: A Story About Living Small, Small Is Beautiful: A Tiny House và Tiny House, Big Living dường như đã tô hồng, lãng mạn hóa cuộc sống trong nhà siêu nhỏ.
Cuộc sống trong nhà ở siêu nhỏ đôi lúc được tô hồng, lãng mạn hóa. Ảnh: New York Post.
Tuy nhiên, nếu nhà siêu nhỏ không phải là lối sống mà chỉ là lựa chọn duy nhất dành cho những người có thu nhập thấp trong các thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới, câu chuyện sẽ rất khác.
Cuối năm 2013, The Atlantic đã đăng một bài báo với tiêu đề The Health Risks of Small Apartments (tạm dịch: Rủi ro sức khỏe trong các căn hộ nhỏ) để cảnh báo rủi ro tâm lý, sức khỏe cho một số người dân sống trong nhà ở mini.
Một số chuyên gia được The Atlantic phỏng vấn cho rằng căn hộ siêu nhỏ có thể chỉ phù hợp với những người trẻ tuổi sống độc thân.
Với gia đình Gene Tempest, tối tàn là điều duy nhất họ cảm nhận khi sống trong căn nhà nhỏ ở Cambridge.
"Ở đây, thậm chí mùi cũng chiếm chỗ. Có lần chúng tôi nấu ăn với hành tây. Nhiều giờ sau, mùi hành ám vào mọi vật dụng, quần áo trong nhà. Đó là thứ mùi khiến tất cả phải phát điên".
Lê Vy
Nguồn: zingnews.vn