ảnh minh họa
Nhóm nhà khoa học Nhật Bản phát triển các tế bào thần kinh nhân tạo và kết nối với robot, sau đó cho robot vượt qua mê cung đơn giản.
Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đặt robot nhỏ bằng bàn tay vào một mê cung đơn giản. Robot này cũng được kết nối với mạng lưới tế bào thần kinh nhân tạo phát triển từ tế bào sống.
Khi các tế bào thần kinh nhân tạo này được kích thích bằng điện, robot sẽ di chuyển tới đích – chiếc hộp tròn màu đen gắn đèn LED. Mỗi lần robot rẽ sai hướng, xung điện sẽ tác động lên tế bào thần kinh nhân tạo để khiến robot trở về đúng đường.
Nghiên cứu mới đánh dấu một bước tiến lớn trong việc dạy trí thông minh cho robot. Khi robot đụng phải chướng ngại vật hoặc khi đích không nằm trong phạm vi 90 độ phía trước, một kích thích điện từ điện cực sẽ được đưa vào mạng lưới tế bào thần kinh, nhóm nghiên cứu giải thích. Cuối cùng, robot tới đích thành công trong 4 mê cung khác nhau.
Các tế bào thần kinh nhân tạo phát triển từ tế bào sống đóng vai trò như “bể chứa vật lý” để robot đưa ra quyết định. Trong thử nghiệm, robot được truyền tín hiệu cân bằng nội môi để biết rằng mọi thứ đang theo đúng kế hoạch và nó đang tiến về đích.
Robot không thể quan sát môi trường xung quanh và cũng không nhận được thông tin cảm biến khác nên nó hoàn toàn phụ thuộc vào các xung điện. Đây là robot đầu tiên được trang bị thuật toán FORCE để huấn luyện các tế bào thần kinh.
Nhóm chuyên gia Nhật Bản hy vọng nghiên cứu mới sẽ dẫn đến sự phát triển của một siêu máy tính với khả năng bắt chước não người. Nghiên cứu cũng mang lại hy vọng trong việc làm sáng tỏ các cơ chế hoạt động của não và lý do tại sao các bệnh như Alzheimer và Parkinson lại xuất hiện.
Theo VNE