Thảm cỏ biển gần Quần đảo Channel (Anh). Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ cao có thể khiến tảo bẹ, cỏ biển, cá và hàu chết hàng loạt - Ảnh: PIX/ALAMY
Theo trang NewSciencetist, vùng nước biển xung quanh Anh và Ireland đang trải qua đợt sóng nhiệt đại dương có thể được xem là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trên Trái đất.
Theo đó, các nhà khí tượng học cảnh báo nhiệt độ nước biển tại một số khu vực ở 2 quốc gia này đang cao hơn mức bình thường đến 4 độ C.
Trong ba tháng qua, nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng Bắc Đại Tây Dương được ghi nhận ở mức cao kỷ lục. Nhiệt độ trung bình ghi nhận hôm 17-6 là 23 độ C, cao hơn 0,2 độ C so với mức nhiệt kỷ lục được ghi nhận vào năm 2010.
Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, vùng nhiệt đang tập trung ở vùng nước bao quanh Anh và Ireland với xếp hạng sóng nhiệt ở mức 4 (rất cao).
Nhà nghiên cứu Rodney Forster tại Đại học Hull (Anh) cho biết nước biển ngoài khơi phía Đông nước Anh và phía Tây Ireland hiện giờ đang cực ấm.
Bờ biển Durham, ngoài khơi thị trấn Seaham (Anh) ngày 18-6 ghi nhận nhiệt độ nước biển đạt 15 độ C, cao hơn mức 12 độ C trung bình năm. Một số bờ biển nước Anh hiện đang ghi nhận nhiệt độ nước đạt gần 20 độ C.
Nhiệt độ nước biển cao có thể giết chết các loài cá và các loài sinh vật biển khác, cũng là một trong những tác nhân hình thành những cơn bão mạnh hơn.
Một báo cáo năm 2023 của Cơ quan Môi trường Anh cảnh báo việc nước biển thường xuyên ấm lên sẽ làm các loài sò tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn Vibrio - vi khuẩn này có thể gây bệnh cho con người.
Có nhiều nguyên nhân khiến nước biển Bắc Đại Tây Dương ấm lên. Năm nay, gió yếu hơn có thể đã hạn chế lượng bụi từ sa mạc Sahara thổi đến khu vực này. Bụi sa mạc có tác dụng làm nhiệt độ nước biển mát hơn.
"Thông thường, bụi trong không khí từ sa mạc Sahara giúp làm mát khu vực này bằng cách ngăn chặn một phần năng lượng mặt trời, nhưng gió yếu hơn mức trung bình đã làm giảm mức độ bụi trong bầu khí quyển, dẫn đến nhiệt độ nước biển cao hơn", giáo sư Albert Klein Tank tại Văn phòng khí tượng Vương quốc Anh cho biết.
Cũng theo ông Tank, biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino đang diễn biến trên toàn cầu cũng là một trong những nguyên nhân khiến nước biển ấm lên.
Ông Forster cho biết đợt sóng nhiệt đã trở nên nghiêm trọng hơn do biển lặng và thời tiết nắng ấm khiến nhiệt độ bề mặt nước biển tăng đáng kể trong 10 ngày qua.
La Nina khiến sên hại xâm chiếm các trang trại vùng đông nam nước Úc
Nông dân Trevor Rayson ở Hatherleigh, Nam Úc, cho biết lũ sên đang ăn cây trồng của ông - Ảnh: Đài ABC
Nông dân vùng đông nam nước Úc đang chiến đấu chống lại số lượng sên hại tồi tệ chưa từng thấy trên cây trồng ở các trang trại trong nhiều thập kỷ.
Theo Đài ABC, vụ mùa năm nay đối với những người nông dân trên khắp Nam Úc, bang Victoria và miền nam New South Wales được dự đoán sẽ gặp khó khăn, khi số lượng sên hại ngập tràn những trang trại của họ.
Theo chuyên gia về sên và nhà sinh thái học động vật không xương sống Michael Nash, sên xuất hiện đã qua 3 đợt La Nina ẩm ướt của mùa xuân và nay chúng bùng phát mạnh.
Tiến sĩ Nash nói: “Đó là điều tồi tệ nhất mà tôi từng thấy".
Tiến sĩ Nash cho biết dịch hại đang xuất hiện ở những khu vực mới và gây đau đầu thực sự cho những nông dân chưa chuẩn bị cho sự tấn công dữ dội này, đặc biệt là ở miền nam New South Wales và miền bắc Victoria.
Ông nói một số người trồng trọt đã bị bất ngờ, vì trước đây họ chưa bao giờ nhìn thấy sên ở những khu vực của họ.
Loài sên đang phá cây trồng - Ảnh: Newsweek
Tiến sĩ Nash cho biết thêm, thiệt hại đối vói cây cải dầu (canola) vẫn rất lớn so với đợt sên hại 10 năm trước.
Nông dân Trevor Rayson ở Nam Úc đã đoán trước mùa này ông sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn chống lại sên, nhưng ông vẫn ngạc nhiên trước số lượng sên quá nhiều như vậy.
Ông Rayson nói: “Sên liên tục trồi lên khỏi mặt đất với số lượng khổng lồ".
Điều đó đã làm hư hại số lượng lớn cây giống cải dầu và ông Rayson phải gieo lại cây mới.
Loài sên này không chỉ săn lùng cây cải dầu mà còn gây thiệt hại cho vụ lúa mì của ông Rayson lần đầu tiên sau hơn 20 năm.
Ông Rayson ước tính khoảng 10% diện tích cây cải dầu của ông phải gieo lại, kết hợp với chi phí mồi nhử để bắt sên. Điều này có nghĩa tỷ suất lợi nhuận giảm hẳn.
Ông nói: “Rất nhiều người đã chi hơn 100 USD/ha cho mồi nhử.
Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. “Trong một số trường hợp, mồi nhử trị giá một tuần chỉ kéo dài vài ngày là hết tác dụng”, ông nói.
"Ngày càng khó nhử chúng và càng về cuối mùa, mồi metaldehyde càng trở nên kém hiệu quả hơn", ông Rayson than thở.
GIA MINH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online