Robert H. Goddard trong buổi thử nghiệm tên lửa nhiên liệu lỏng đầu tiên vào ngày 16-3-1926 - Ảnh: NASA
Tên lửa nhiên liệu lỏng - Bính Dần (1926)
Năm 1926, nhà khoa học người Mỹ Robert H. Goddard thử nghiệm thành công tên lửa nhiên liệu lỏng đầu tiên trên thế giới tại Massachusetts (Mỹ). Nhiên liệu lỏng được dùng ở đây là là oxy lỏng và xăng.
Tên lửa được tạo thành bằng những ống mỏng với tổng chiều cao khoảng 3m. Trong lần thử nghiệm, tên lửa đã bay được 2,5 giây với tốc độ khoảng 96km/h, đạt độ cao 12,5m và hạ cánh cách xa 56m.
Ban đầu đây được xem là một trong những bước tiến trong lĩnh vực quân sự khi tên lửa có thể dùng như một loại vũ khí, nhưng về sau đã mở đường cho lĩnh vực khám phá không gian.
Goddard đã nhận bằng sáng chế của Mỹ cho ý tưởng tên lửa đa tầng và tên lửa nhiên liệu lỏng. Trên những cơ sở thành công bước đầu này, giới nghiên cứu bắt đầu tập trung vào phát triển các loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, để đến những năm 1960, thế giới chứng kiến những chuyến thám hiểm không gian lịch sử.
Bút bi - Mậu Dần (1938)
Bút bi hiện đã là một vật dụng phổ biến trên toàn cầu - Ảnh: GETTY IMAGES
Đầu những năm 1930, László Bíró (Hungary) là biên tập cho một tờ tạp chí nhỏ.
Khi làm việc, ông luôn cảm thấy bực bội khi phải tốn thời gian cho những chuyện như đổ mực vào viết, chưa kể những lúc viết bị nhòe, làm dơ bản thảo.
Cùng với anh trai, Bíró bắt tay nghiên cứu một loại mực khô nhanh hơn.
Cùng với đó, ông cần một cơ chế mới ở đầu cây viết để có thể kiểm soát được lượng mực tiết ra.
Một trong những cây bút bi đầu tiên của Bíró
Một lần tình cờ, ông nhìn thấy một đám con nít con đang chơi bi. Một viên bi chạy ngang qua vũng nước, để lại một vệt nước dài trên nền đất.
Ông chợt nghĩ đến việc đặt một viên bi ở đầu viết để điều chỉnh lượng mực truyền từ ống ra giấy khi viết.
Khi viên bi xoay tròn lúc ta điều khiển cây viết, mực sẽ bắt đầu theo đó mà in ra trên giấy.
Năm 1938, Bíró chính thức nộp bằng chứng nhận sáng chế tại Vương Quốc Anh cho cây bút bi của mình.
Sau chiến tranh thế giới thứ II, các công ty bắt đầu vào cuộc cải tiến những loại bút bi "nguyên sơ" của Bíró để cho ra những loại bút bi như ngày nay.
Video Game - Canh Dần (1950)
Trò chơi cờ caro trên màn hình máy tính lớn vào năm 1950
Tại Triển lãm quốc gia Canada năm 1950, một trò chơi có tên Bertie the Brain được ra mắt.
Đây là trò cờ caro với tỉ lệ 3x3, tức tổng cộng có 9 ô. Người chơi sẽ thao tác với một bộ bàn phím và từng nước đi sẽ hiển thị trên màn hình máy tính lớn.
Đến nay, nhiều chuyên trang công nghệ uy tín vẫn xem đây là trò chơi điện tử đầu tiên trên thế giới.
Trò chơi này ban đầu chỉ được tạo ra để kiểm tra một số thuật toán máy tính. Tuy nhiên, cuộc đua phát triển các trò chơi điện tử giữa các ông lớn cũng nổ ra từ đó.
Đến thập niên 1970 và 1980, những trò chơi điện tử dần hoàn chỉnh và tạo được sức hút lớn trên toàn cầu.
Giờ đây, trò chơi điện tử đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều quốc gia cũng xem đây là một môn thể thao trí tuệ, không chỉ đơn thuần dừng lại ở một trò chơi thông thường.
Những chiếc tivi màu đầu tiên ra đời trong thập niên 1950
Cũng phải nói thêm năm 1950 mở đầu cho một thập niên cạnh tranh quyết liệt của những công ty ở Mỹ để cho ra chiếc TV màu đầu tiên.
Trong năm 1950, các hãng như NBC, CBS, RCA liên tục công bố và cho kiểm nghiệm các quy chuẩn truyền hình màu đầu tiên của mình, là bản lề cho thế hệ TV màu chính thức lên kệ chỉ ít năm sau.
iPad - Canh Dần (2010)
Những chiếc iPad đã góp phần thay đổi cách nhiều người làm việc, học tập và giải trí - Ảnh: GETTY IMAGES
Năm 2010, chiếc iPad đầu tiên ra mắt thị trường, mở đường cho một thập niên lên ngôi của máy tính bảng. Đây là sản phẩm giao thoa giữa điện thoại thông minh và máy tính xách tay.
Chiếc iPad tiên phong này ra mắt với màn hình lớn 9,7 inch, độ phân giải 1,024x768 pixel. Nếu so với những thế hệ bây giờ, iPad ngày ấy vừa nhỏ vừa kém sắc nét.
Tuy nhiên, đây vẫn là bước ngoặt cho một loại thiết bị làm việc, học tập và giải trí mới: không quá lớn như laptop nhưng lại không quá nhỏ như smartphone. Trong khi đó, iPad vẫn có thể chạy hầu hết mọi ứng dụng di động mà người dùng mong muốn.
Tròn 10 năm sau, iPad ghi nhận số lượng bán ra lên tới 400 triệu chiếc.
Ngày nay dù đã có nhiều loại từ các thương hiệu công nghệ khác trên thị trường nhưng nhiều người vẫn dùng từ iPad để chỉ những chiếc máy tính bảng.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online