Anh và Mỹ nhiều lần mở chiến dịch săn lùng vũ khí Đức nhằm nghiên cứu, tìm điểm yếu để khắc chế đối phương trong Thế chiến II.

Trong Thế chiến II, phát xít Đức sở hữu nhiều vũ khí công nghệ cao và đi trước thời đại, khiến chúng trở thành mục tiêu săn đuổi hàng đầu của phe Đồng minh nhằm tìm ra những điểm yếu có thể khai thác, đồng thời cải thiện năng lực tác chiến của chính mình.

Trong chiến dịch Bắc Phi năm 1943, nhóm 4 thợ máy Anh không có kinh nghiệm chiến đấu được Thủ tướng Winston Churchill trực tiếp giao cho một nhiệm vụ nguy hiểm, đó là thu giữ xe tăng Tiger còn nguyên vẹn của quân Đức.

Cuộc săn lùng gặp hàng loạt khó khăn ngay từ đầu. Nhóm thợ máy đến Bắc Phi tháng 2/1943, thời điểm giao tranh ác liệt ở Tunisia khiến nhiều xe tăng Tiger bị hư hại. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều bị phá hủy hoàn toàn trong chiến đấu hoặc bị lính Đức tiêu hủy để tránh rơi vào tay đối phương.

42 1 Nhung Vu Phe Dong Minh Trom Vu Khi Duc Trong The Chien Ii

Xe tăng Đức trên đảo Sicily, Italy, năm 1943. Ảnh: US Army.

Tuy nhiên, vận may xuất hiện ngày 21/4/1943, khi họ phát hiện một chiếc Tiger bị kẹt tháp pháo. Nhóm thợ máy điều khiển xe tăng Churchill vòng ra sau mục tiêu, tấn công kíp tăng Đức bằng súng máy và thu giữ chiếc Tiger. Đích thân Vua George VI và Thủ tướng Churchill đến châu Phi để thị sát chiếc xe tăng trước khi nó được chuyển về Anh bằng đường biển để nghiên cứu.

Bob Hoover là một trong những phi công huyền thoại trong lịch sử hàng không Mỹ khi bay trên hàng trăm loại phi cơ khác nhau. Tuy nhiên, chuyến bay ấn tượng nhất của ông là lần thoát khỏi Đức trên phi cơ của đối phương.

Hoover là phi công đẳng cấp ace với 59 lần thực hiện nhiệm vụ trước khi bị bắn hạ. Trong lần xuất kích ngày 9/2/1944, tiêm kích Spitfire của ông bị chiến đấu cơ Fw 190 Đức bắn rơi ở bờ biển miền nam nước Pháp. Hoover bị bắt và giam tại trại tù binh chiến tranh ở Barth, Đức.

Phi công Mỹ này trốn thoát khỏi nhà tù sau khi dàn cảnh đánh lộn, sau đó kiếm được thức ăn cùng súng từ một nông dân Đức. Hoover cùng một bạn tù dùng khẩu súng ngắn này để cướp xe đạp. Họ chạy đến một sân bay bỏ hoang gần đó, nơi có một chiếc Fw 190 đang bảo dưỡng và đánh cắp nó để bay về Anh.

Trong Thế chiến II, không quân Anh thường xuyên tiến hành các chiến dịch ném bom lãnh thổ Đức, nhưng lực lượng oanh tạc cơ của họ luôn gặp nguy hiểm và chịu nhiều tổn thất bởi các hệ thống phòng không tối tân của Đức.

Ảnh trinh sát cho thấy Đức có hệ thống phòng không phức tạp với radar cảnh giới tầm xa và radar tầm ngắn có độ chính xác cao, giúp dẫn đường hiệu quả cho tiêm kích đánh chặn cả ngày và đêm. Các nhà khoa học Anh cần một nguyên mẫu radar hoàn chỉnh để nghiên cứu và đề ra phương án đối phó hiệu quả.

Quân đội Anh phát hiện vật thể hình đĩa kỳ lạ, nghi là radar tầm ngắn "Wurzburg" của Đức cạnh mỏm đá ở làng Bruneval, miền bắc nước Pháp vào đầu năm 1942. Chiến dịch trộm radar mang mật danh "Biting" bắt đầu tối 27/2 khi 40 đặc nhiệm Anh xuất phát trên 12 oanh tạc cơ từ căn cứ Thruxton, sau đó nhảy dù xuống gần làng Bruneval.

Nhóm biệt kích Anh tấn công lực lượng bảo vệ radar, sau đó yểm trợ để kỹ thuật viên tháo các bộ phận then chốt trong hệ thống cảnh giới. Cả nhóm lên tàu biển rời Pháp cùng toàn bộ linh kiện và hai tù binh là kỹ thuật viên Đức.

42 2 Nhung Vu Phe Dong Minh Trom Vu Khi Duc Trong The Chien Ii

Đài radar Đức ở gần thị trấn Bruneval. Ảnh: RAF.

Cơ quan Tình báo Không quân Mỹ nhiều lần cử chuyên gia đến châu Âu để tiếp cận máy bay, báo cáo khoa học kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu và vũ khí đối phương để phục vụ nghiên cứu. Đội Tình báo Kỹ thuật Không quân (ATI) thậm chí phải cạnh tranh với các lực lượng tình báo kỹ thuật đồng minh để thu thập thông tin và tài liệu của Đức.

Năm 1944, không quân Mỹ bắt đầu tiến hành chiến dịch Lusty nhằm khai thác tài liệu khoa học, cơ sở nghiên cứu và máy bay Đức bị thu giữ. Đơn vị thực hiện chiến dịch được chia thành hai đội. Nhóm đầu tiên do đại tá Harold Watson chỉ huy, có nhiệm vụ thu máy bay và vũ khí địch. Đội còn lại do đại tá Howard McCoy dẫn đầu, chuyên tuyển mộ các nhà khoa học, thu thập tài liệu và điều tra cơ sở nghiên cứu Đức.

Đội của đại tá Watson đã đánh cắp được tài liệu thiết kế, bản vẽ và nhiều máy bay Đức. Họ đi ngay sau các mũi tiến công nhằm vào căn cứ không quân Đức, đôi khi đi tiên phong ở những nơi không có người bảo vệ. Khi các khu vực kiểm soát của quân Đồng minh được hình thành, Watson và cấp dưới còn đột nhập vào địa bàn kiểm soát của quân Anh, Pháp hoặc Liên Xô để đánh cắp phi cơ Đức và đưa về khu vực của Mỹ.

Tháng 8/1944, quân Đức bắt đầu rút khỏi thị trấn Soissons, miền bắc nước Pháp, khi Sư đoàn Thiết giáp số 3 của Mỹ tiến vào đây. Một số kíp xe tăng Mỹ phát hiện đoàn tàu Đức đang cố chạy thoát về phía đông với lượng lớn hàng vật tư và một xe tăng.

Quân Mỹ cố tiêu diệt xe tăng địch bằng pháo chống tăng 37 mm nhưng không hiệu quả. Họ chuyển sang sử dụng vũ khí cá nhân để ngăn lính Đức tiếp cận xe tăng, trong khi những chiếc Sherman xóa sổ đại đội bộ binh bảo vệ tàu. Lính Mỹ sau đó thu giữ được đoàn tàu và xe tăng, cùng nhiều món quà của lính Đức định mang về quê nhà.

Fw 190 được cho là một trong những tiêm kích tốt nhất trong Thế chiến II. Không quân Anh thường xuyên đối đầu loại phi cơ này trong giai đoạn đầu cuộc chiến và muốn đánh cắp một chiếc để tìm cách khắc chế. Một loạt kế hoạch đánh cắp được đề xuất, nhưng chưa kịp tiến hành thì vận may tình cờ đã giúp Anh có được một chiếc Fw 190 nguyên vẹn.

Tối 23/6/1942, một phi công Đức vô tình hạ cánh xuống căn cứ Anh sau khi mất phương hướng trong trận không chiến ở miền nam nước này. Anh ta nhầm tưởng căn cứ Anh là sân bay của Đức trên lãnh thổ Pháp và hạ cánh khi chiếc Fw 190 cạn nhiên liệu. Người này bị sĩ quan trực ban khống chế và tiêm kích hiện đại của Đức trở thành chiến lợi phẩm bất ngờ cho Anh.

Duy Sơn (Theo WATM)

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC