Deirdre nói cơ thể của cô có mùi như hành tây. Deepak cho biết món ăn yêu thích của anh bốc mùi, còn cà phê lại có mùi như các sản phẩm tẩy rửa. Trong khi đó, Julie lại cho rằng chúng có mùi giống tro cháy.
Phần lớn mọi người đều biết tới một trong những triệu chứng cơ bản của Covid-19 là mất chức năng khứu giác. Nó có thể kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng.
Tuy nhiên, mới đây, khoa học đã ghi nhận thêm một số lượng lớn những người khỏi bệnh gặp phải hội chứng kỳ lạ khác. Nó được gọi là loạn khứu giác (parosmia) – hội chứng gây biến đổi khả năng cảm nhận mùi của con người, khiến người bệnh luôn ngửi thấy mùi hôi thối ngay cả ở những thứ có mùi dễ chịu, Guardian đưa tin.
Khi khứu giác biến dạng
Covid-19 không phải là nguyên nhân duy nhất, chấn thương não và các bệnh lây nhiễm do virus khác như cúm cũng có thể gây ra rối loạn khứu giác. Tuy nhiên, triệu chứng này đang xảy ra ngày càng nhiều với bệnh nhân phục hồi sau khi mắc Covid-19.
Theo một cuộc khảo sát gần đây, khoảng 10% những người bị mất khứu giác do Covid-19 đã trải qua giai đoạn loạn khứu giác ngay sau khi phục hồi, và con số này tăng lên đến 47% ở những người được phỏng vấn lại sau 6-7 tháng.
Dựa trên ước tính về số ca bệnh hiện tại, các nhà nghiên cứu cho biết thêm có thể có 7 triệu người trên thế giới đang gặp phải vấn đề loạn khứu giác – hậu quả để lại sau khi mắc Covid-19.
Chứng loạn khứu giác (parosmia) khiến người bệnh ngửi thấy mùi hôi thối ngay cả ở những thứ có mùi dễ chịu. Ảnh: AFP. |
“Hội chứng đang xảy ra ở quy mô mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”, tiến sĩ Duika Burges Watson tại Đại học Newcastle, người đã nghiên cứu về tác động tâm lý của bệnh loạn khứu giác, cho biết.
“Nó có thể có tác động sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của bạn, từ cách bạn ăn uống đến giao tiếp hoặc tương tác với những người quan trọng khác trong xã hội. Nó thậm chí còn ảnh hưởng đến mức độ bạn có cảm thấy an toàn khi ra khỏi nhà hay không”, bà Watson nói.
Như bao bệnh nhân khác, Lesley Matthews (52 tuổi), ở Bolton, Anh bị mất khả năng cảm nhận mùi sau khi mắc Covid-19 vào tháng một. Đến tháng 8, Lesley bắt đầu có lại được khứu giác, nhưng chuyện kỳ lạ cũng xảy ra. Hầu hết đồ vệ sinh cá nhân và thực phẩm đều có mùi xa lạ với cô.
“Tôi ngửi thấy mùi hóa chất trong hầu hết đồ vệ sinh cá nhân và đồ uống có ga. Tất cả nước hoa và mùi thơm sau khi cạo râu với tôi cũng đều có cùng một mùi kinh tởm. Điều này khiến tôi không thể chịu đựng được dù những người khác chỉ đi ngang qua trong lúc mua sắm”, Lesley nói.
“Mùi kinh khủng thứ hai là thứ mùi mà tôi chỉ có thể ví như tã lót trẻ em. Tất cả loại thịt, cùng với bất cứ thứ gì nướng, quay và chiên, đều có mùi này”.
Hiện chế độ ăn uống của Lesley chỉ giới hạn ở một số ít “thực phẩm an toàn”, bao gồm cháo, trứng khuấy, cá hồi luộc và nho. Cô có thể cảm thấy buồn nôn chỉ trong vòng vài giây sau khi ai đó bật máy nướng bánh mì.
Không chỉ vậy, một số người còn cảm thấy sự thay đổi trong mùi cơ thể, cả ở bản thân và những người xung quanh.
“Chứng loạn khứu giác có thể khiến một số người xa lánh xã hội, sợ hãi khi phải ở chung với người khác”, tiến sĩ Watson nói. “Tôi đã từng chứng kiến những trường hợp cảm thấy phải chia tay người bạn đời vì không thể chịu được mùi của họ. Làm thế nào để bạn nói với người bạn yêu rằng bạn thấy mùi của họ thật kinh tởm?”.
Một trong những trường hợp tồi tệ nhất mà bà Watson gặp phải gần đây là người mắc chứng loạn khứu giác và ngửi thấy mùi hôi thối ngay cả trong không khí trong lành.
“Họ thậm chí không thể di chuyển từ phòng này sang phòng khác trong nhà của mình. Nếu bước ra ngoài, họ cảm thấy mùi khủng khiếp bao trùm khắp mọi nơi”, bà cho biết.
Đi tìm nguyên nhân
Theo Guardian, tin tốt là các nhà khoa học đang bắt đầu khám phá ra cơ chế phân tử của chứng loạn khứu giác và điều này có thể dẫn đến những cách điều trị tốt hơn.
Tại đỉnh mũi, khoảng 7 cm sau lỗ mũi, là một màng mỏng chứa các tế bào chuyên biệt gọi là tế bào thần kinh cảm thụ khứu giác. Các tế bào này có chức năng thu nhận các phân tử mùi từ không khí con người hít vào và thở ra, đồng thời gửi tín hiệu điện từ thụ thể khứu giác đến vùng não xử lý mùi hương.
Việc một người mắc Covid-19 có thể ảnh hưởng, làm hỏng các tế bào thần kinh này. Và theo lý thuyết hàng đầu hiện nay, khi chúng tái tạo, tín hiệu sai và rối loạn có thể xảy ra, dẫn đến chứng loạn khứu giác.
Một số người cho biết họ ngửi thấy mùi tanh khó chịu của cá vài tháng sau khi nhiễm bệnh. Ảnh: Sky News. |
Nhìn chung, những người mắc chứng rối loạn này thường ngửi thấy mùi hôi thối ở cà phê, thịt, hành, tỏi, trứng, sô cô la, sữa tắm và kem đánh răng.
Nghiên cứu riêng biệt của tiến sĩ Jane Parker tại Đại học Reading và các đồng nghiệp đang lý giải tại sao những chất này lại có vấn đề như vậy.
Trong thí nghiệm gần đây, họ đã chia nhỏ các thành phần phân tử cấu thành hương thơm của cà phê, và đưa chúng cho người mắc chứng rối loạn cùng những tình nguyện viên bình thường ngửi.
Kết quả cho thấy có một số hợp chất gợi lên cảm giác ghê tởm ở nhiều người mắc chứng rối loạn khứu giác, trong khi những người bình thường lại có xu hướng mô tả nó là dễ chịu.
Nhiều loại chứa lưu huỳnh hoặc nitơ, mặc dù không phải tất cả hợp chất như vậy đều là tác nhân gây ra triệu chứng.
Tác nhân gây khó chịu được cáo báo nhiều nhất trong cà phê là 2-furanmethanethiol, chất mà những người bình thường mô tả như mùi rang, bỏng ngô hoặc mùi khói.
“Nhiều người (bị rối loạn khứu giác) đã mô tả nó là khủng khiếp, kinh tởm. Họ chưa bao giờ ngửi thấy bất cứ thứ gì giống như vậy trước đây”, bà Parker nói.
Hiện tại, tiến sĩ Watson khuyến cáo bất kỳ ai mắc chứng rối loạn khứu giác nên viết một danh sách các tác nhân khiến họ khó chịu và dán nó vào nơi mà các thành viên khác trong gia đình có thể nhìn thấy, để họ có thể tránh sử dụng những chất này hoặc tìm giải pháp thay thế.
Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi khác chưa được trả lời, đó là tình trạng này sẽ kéo dài ở những bệnh nhân hồi phục sau Covid-19 trong bao lâu.
“Những người mắc chứng bệnh này trước Covid-19 đã phải mất từ 6 tháng đến 2-3 năm để hồi phục. Vì vậy, đó là một quá trình lâu dài”, bà Parker nói.
Nguồn: Zing