Lễ đón Đông chí được các nhà sử học coi là nguồn gốc xa xưa của truyền thống trang trí cây thông Noel ngày nay. Tuy nhiên, những người tham gia lễ hội ở Riga không tới để trang trí cây, mà để đốt.
Sau khi kéo một thân cây bằng dây thừng qua đường phố thủ đô Riga ngày 21/12, đám đông vây quanh, châm lửa đốt cây. Thời trung cổ, người dân sẽ để cây trong nhà trước ngày Đông chí trước khi kéo đi thiêu.
Lễ đốt cây ở Quảng trường Tòa thị chính ngày 21/12 tại Riga, Latvia. Ảnh: AFP
"Gốc cây tượng trưng cho mọi điều không suôn sẻ trong năm nay", Liga Lukashunas, một người thuộc ban tổ chức và là người đứng đầu trung tâm văn hóa Ritmus của Riga, nói.
"Chúng tôi tập hợp tất cả những suy nghĩ xấu xa, hành động sai trái hoặc các vấn đề sức khỏe vào khúc gỗ này rồi đốt để chúng tan thành mây khói, để khởi đầu năm mới", ông cho hay.
Gần nơi buổi lễ kết thúc, một tấm biển trên mặt đất cho hay đây là nơi trưng bày cây thông Noel được trang trí đầu tiên trên thế giới năm 1510.
Truyền thống đốt cây của người Pagan giáo vùng Baltic được thương nhân người Đức tiếp thu và phát triển thành truyền thống trang trí cây thông Giáng sinh ngày nay, truyền bá qua các cảng biển của Liên minh Hanse dọc vùng Baltic.
Người dân nhảy múa đón Đông Chí tại Quảng trường Tòa thị chính ngày 21/12 ở Riga, Latvia. Ảnh: AFP
Theo ghi chép lịch sử, cây thông năm 1510 được hội thương nhân ở Riga trang trí bằng hoa hồng giả. Sau đó, các thương nhân nhảy múa quanh cây thông trước khi châm lửa đốt.
Cây thông Noel trang trí kiểu hiện đại đầu tiên được trưng bày trong Nhà Schwarzhaeupter, ngôi nhà thuộc hội thương nhân hải ngoại, trong thành phố năm 1476. Sự kiện này được nhà sử học kiêm nhà ngôn ngữ học Guna Pitkevica mô tả trong cuốn "Sách về cây Giáng sinh".
"Họ trang trí một cây thường xanh trong Nhà Schwarzhaeupter bằng đồ trang trí và kẹo, mang nó ra đường sau khi Giáng sinh qua đi và thiêu cháy", bà viết.
Người tham gia lễ hội mặc trang phục Pagan giáo, đeo mặt nạ dân gian. Ảnh: AFP
Theo phong tục cổ xưa, người Latvia ngày nay được quyền chặt cây linh sam trong rừng quốc gia để đón Giáng sinh. Rừng chiếm khoảng một phần ba lãnh thổ đất nước.
Aida Rancane, người sáng lập ban nhạc dân gian Grodi, cho hay lễ Đông chí tượng trưng cho "sự tái sinh vĩnh cửu của thiên nhiên và thế giới quanh ta, cho phép chúng ta làm mới bản thân".
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET