Rau răm - Loại rau gia vị dễ trồng như cỏ, ai cũng có thể trồng được
Rau răm có rất nhiều ở mọi vùng miền tại Việt Nam. Trong đời sống ẩm thực, rau răm có thể dùng để làm gia vị trộn các món nộm, gỏi hoặc ăn cùng trứng vịt lộn, cháo trai, nấu với một số loại hải sản…
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng rau răm. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Ngoài tác dụng làm rau gia vị khá phổ biến, rau răm còn có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh. Ảnh: Nhà thuốc Long Châu
Rau răm ưa nước, rất thích hợp với đất sình, trũng. Để đảm bảo cây phát triển tốt nhất, bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.Rau răm thường được nhân giống bằng cành. Cây giống bạn nên chọn những cành khỏe, mập mạp, không sâu bệnh.
Khi trồng, nên cắt cây thành từng đoạn dài 12 -15cm, có khoảng 5 - 6 mắt, lấp đất khoảng 2/3 đoạn cành, sau đó dận chặt gốc rồi tưới nước đủ ẩm. Sau khi trồng xong nên tưới nước đẫm, che mát cho cây khoảng 10 ngày.Sau khi trồng từ 7 - 10 ngày, rau răm sẽ bén rễ, lá xanh ở nách, ngọn bắt đầu nhú ra. Khi đó, ta tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế… Sau đó, cứ khoảng 10 - 15 ngày bón 1 lần.
Ngoài bón phân, thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây rau răm. Tiến hành vun xới, nhổ cỏ cho rau răm.Khi rau răm đã phát triển tốt, đâm nhiều chồi, lá vươn dài kín ruộng, cành nọ gối cành kia là có thể thu hoạch được. Cắt tỉa các cành dài hoặc cắt luân phiên từng đám. Cây cần được cắt sát gốc, chỉ chừa lại 3 - 5cm. Người trồng nên bón phân, tưới nước để cây phục hồi sinh trưởng.
Rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Tác dụng của rau răm khi ăn sống thì ấm bụng, tiêu thực, sát trùng, tán hàn. Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt. Ngoài ra, nó còn được dùng làm gia vị nấu ăn.
Dù có nhiều công dụng, kết hợp chế biến được nhiều món ăn nhưng loại rau này lại dính lời đồn ăn vào bị yếu sinh lý. Chính điều này khiến chị em cũng hạn chế ăn, chế biến cũng không dám cho mạnh tay.
Rau răm - Loại rau như vị thuốc quý cho sức khỏe
Trước những thông tin trên, nhà khoa học, lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng (Viện Hàm lâm Khoa học và Cộng nghệ Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam) cho biết lời đồn ăn rau răm bị yếu sinh lý đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên điều này rất khó kiểm chứng vì thực tế chưa ai ăn nhiều đến mức liệt dương.
Lương y Bùi Đắc Sáng phân tích, nếu xét về mặt lý thuyết rau răm ăn vào gây nóng, giảm tinh khí, suy yếu tình dục không chỉ nam, mà cả ở nữ. Với trường hợp đàn ông thì bị kém cường dương tráng khí, khô chân huyết, còn phụ nữ có thể gây mất chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, vị lương y này cho biết các nghiên cứu cũng cho thấy nếu ăn rau răm đến mức ảnh hưởng như đã nói trên thì phải ăn với số lượng rất lớn, từ nửa cân (0,5kg) trở lên và ăn thường xuyên như rau cải, rau muống mỗi ngày.
“Việc một người ăn nửa cân rau răm, ăn thường xuyên dường như không thể. Bởi đây chỉ là rau gia vị, dùng để nấu kết hợp với thực phẩm khác như ăn trứng vịt lộn với rau răm, nấu canh cá... sẽ không bị yếu sinh lý hay liệt dương như lời đồn”, lương y Đắc Sáng cho hay.
Không những không gây yếu sinh lý như lời đồn khi ăn với lượng nhỏ, rau răm còn là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Trong đông y, rau răm có vị cay, tính ấm, tác dụng kiện tỳ, ích vị, tiêu thực… Loại rau này còn giúp làm ấm cơ thể, điều hòa tính lạnh của thức ăn nên rau răm thường được chế biến cùng với những món ăn mang tính hàn hoặc khó tiêu.
Ngoài phần ngọn và lá, rễ và hạt rau răm cũng là vị thuốc tốt. Rễ rau có thể hòa cùng rượu sắc uống, hòa với rượu chữa hắc lào, lang ben, chốc lở… Rau răm tươi giã, vắt lấy nước cốt uống chữa say nắng, khô khát.
Ngoài ra, rau răm có thể hỗ trợ chữa sỏi thận bằng cách nấu canh ăn hàng ngày với số lượng ít (khoảng 1 bát con canh). Ăn khoảng 2 tuần sau đó nghỉ, khi ăn không dùng chất kích thích. Lương y Sáng cho hay bài thuốc này chỉ phù hợp với những viên sỏi nhỏ (dưới 2mm).
Công dụng chữa bệnh của rau răm trong đông y:
Đầy hơi trướng bụng, tiêu hoá kém: Dùng một nắm rau răm rửa sạch giã nhỏ vắt lấy nước uống. Bã đem xoa vào bụng (xoa tập trung vào vùng rốn).
Cảm cúm: Rau răm một nắm, gừng sống 3 lát. Hai thứ giã nhỏ vắt lấy nước uống. Hoặc rau răm 20g, tía tô 20g, kinh giới 16g, xương bồ 16g, xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g. Kiện 10g. Sắc uống.
Đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh: Rau răm (khô) 16g, bạch truật 12g, kinh giới 16g, lương khương 12g, quế 10g, gừng nướng 4g. Đổ nước 2 bát, sắc còn 1 bát. Chia 2 lần uống trong ngày
Nước ăn chân: Rau răm giã nhỏ đắp vào nơi bị tổn thương. Hoặc giã nhỏ lấy nước cốt chấm vào nơi bị đau. Ngày 2 lần (giữ cho vết thương được khô ráo để chống bội nhiễm)
Rắn cắn: Nước rau răm thực sự có nhiều công dụng đối với bạn đấy! Đặc biệt là trong việc điều trị rắn cắn. Cách làm này đã được các cụ áp dụng từ rất lâu rồi.
Chỉ cần hái 1 nắm lá rau răm tươi rồi rửa sạch. Cho vào cối giã nát và chắt lấy nước cốt. Phần nước đem uống còn phần bã lấy đắp vào chỗ rắn cắn.
Để mang lại hiệu quả tốt nhất thì cần buộc phần trên chỗ bị rắn cắn lại và sơ cứu người bệnh sớm nhất có thể.
Người bị hắc lào, ghẻ: Cây rau răm còn được biết đến với công dụng chữa các bệnh ngoài da. Ví dụ như ghẻ lở hay hắc lào chẳng hạn. Cách thực hiện rất đơn giản. Cứ lấy cả cây rau răm đem ngâm với rượu nếp. 2 ngày sau thì mang ra bôi vào chỗ cần điều trị.
Hoặc bạn cũng có thể giã nát rau răm ra rồi trộn cùng với rượu ủ trong 48 tiếng rồi lấy ra đắp vào chỗ da bị bệnh. Sau đó băng cố định lại là được.
Đánh bay các vết bầm tím: Hái lấy 1 nắm lá rau răm làm sạch rồi giã nát ra. Sau đó trộn cùng với long não. Nếu không có thì trộn cùng đầu long não cũng được. Đắp vào chỗ bị thương và băng lại.
Mụn bị sưng: Mụn nhọt, mụn trứng cá xuất hiện trên mặt khá mất thẩm mỹ. Để ngăn chặn tình trạng này đồng thời mau chóng đuổi chúng đi thì bạn làm như sau.
Lấy rau răm làm sạch rồi cho vài hạt muối vào giã nát. Đắp hỗn hợp lên chỗ bị mụn và cố định lại là được.
Một ngày thay băng một lần. Hỗn hợp này vừa giúp sát trùng vừa giúp mụn mau tiêu độc.
Đau tim không lý do: Chỉ cần 1 nắm to rễ rau răm đun cùng với nước để uống. Khi uống thì hòa với 1 chén rượu trắng là được. Mỗi lần dùng 1 chén hỗn hợp trên thôi.
Say nắng, không tỉnh táo: Bạn cần những nguyên liệu sau để chữa say nắng. Đầu tiên là cần rễ đinh lăng 16g, sâm bổ chính đã tẩm với nước gừng 20g. Thêm vào đó là mạch môn 10g và rau răm 30g nữa là được. Cho tất cả đi sao vàng lên rồi đem đun vùng 600ml nước sạch. Nếu không sao vàng thì bạn đem phơi khô lên cũng được.
Đun đến khi nước cạn còn ⅓ thì tắt bếp và chắt lấy nước cốt chia ra 2 bữa để uống trong ngày.
Khi ăn rau răm, chúng ta cần phải chú ý một số điều:
Phụ nữ không nên ăn rau răm trong ngày "đèn đỏ"
Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt nên tránh ăn rau răm vì nó có thể gây ra hiện tượng rong huyết.
Phụ nữ mang thai không nên ăn rau răm
Loại rau thơm này có vị cay, tính ấm, tính thơm, hành khí mạnh (khí hành dẫn đến huyết hành), có khả năng kích thích tử cung, làm ra thai. Do đó, phụ nữ mang thai không nên ăn rau răm.
Tuy nhiên, bà bầu chỉ ăn vài ngọn rau răm cùng với trứng vịt lộn… sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Chỉ khi dùng rau răm với lượng lớn như giã uống hay sắc làm thuốc uống thì mới gây ra nguy hiểm lớn. Trong dân gian, người ta hay dùng rau răm để làm sảy thai tự nhiên.
Không ăn rau răm quá thường xuyên
Một tác dụng phụ của rau răm mà ai cũng biết là giảm ham muốn tình dục. Theo Đông y, ăn nhiều rau răm sinh nóng rét, giảm tinh khí, tổn thương tủy, suy yếu tình dục. Cả nam và nữ ăn nhiều và thường xuyên ăn rau răm đều có thể gặp tình trạng suy giảm ham muốn tình dục. Nam giới ăn nhiều loại rau này có thể kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi. Trong khi đó, phụ nữ có thể gặp tình trạng mất chu kỳ kinh nguyệt.
Những người máu nóng, suy nhược cơ thể cũng không nên ăn rau răm.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT