(Nguồn: Reuters)
Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy người máy sẽ làm 'biến mất" 85 triệu việc làm ở các doanh nghiệp có quy mô hoạt động vừa và lớn trong vòng 5 năm tới trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm thay đổi địa điểm làm việc (tại nhà), qua đó có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng.
Cuộc khảo sát gần 300 doanh nghiệp toàn cầu của WEF cho thấy 4/5 giám đốc điều hành doanh nghiệp đang đẩy nhanh kế hoạch số hóa việc làm và triển khai các công nghệ mới, qua đó làm ảnh hưởng đến mức tăng việc làm được tạo ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.
Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi nhận định đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự xuất hiện tương lai của công việc.
Nghiên cứu trên cũng nêu rõ để người lao động tiếp tục giữ vai trò của mình trong 5 năm tới, gần 50% lực lượng lao động trên thế giới cần phải học hỏi các kỹ năng mới và người sử dụng lao động sẽ chia đều công việc giữa người và máy móc vào năm 2025.
Nhìn chung, tăng trưởng việc làm đang chậm lại, còn số lượng việc làm “bốc hơi” đang gia tăng do các công ty trên thế giới sử dụng công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ như nhập dữ liệu, kế toán và quản trị thay vì con người.
Tuy nhiên, WEF lạc quan cho rằng lĩnh vực chăm sóc y tế trên thế giới và các ngành công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) hay các ngành sáng tạo nội dung sẽ được “bổ sung” hơn 97 triệu lao động.
Nhiệm vụ của con người là duy trì lợi thế của mình trong các công việc khó thay thế như quản lý, tư vấn, ra quyết định, lý luận, giao tiếp và tương tác.
Nhu cầu đối với lao động có thể làm việc trong nền kinh tế xanh, dữ liệu lớn và các chức năng AI, cũng như các vai trò mới trong kỹ thuật điện toán đám mây và phát triển sản phẩm sẽ gia tăng.
Theo khảo sát của WEF, khoảng 43% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến cắt giảm lực lượng lao động do tích hợp công nghệ, 41% doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường sử dụng nhà thầu và 34% doanh nghiệp dự kiến mở rộng lực lượng lao động do tích hợp công nghệ./.
Minh Hằng
Nguồn: vietnamplus.vn