Làm thế nào mà những con thú to lớn này, vốn luôn sống trong môi trường lạnh giá, lại trở thành bạn đồng hành của ông già Noel, cùng ông đi khắp mọi nơi?
Hóa ra, vào năm 1823, Clement Clark Moore đã đưa tuần lộc vào trong bài thơ "Chuyến thăm từ Thánh Nicholas" của mình. Từ đó, hình ảnh ông già Noel luôn xuất hiện với chiếc xe trượt tuyết cùng những chú tuần lộc mũi đỏ.
Một số nhà khoa học cho rằng tuần lộc là một trong những loài động vật được con người thuần hóa đầu tiên. Nó được thuần hóa vào khoảng 2.000 năm trước. Ở Bắc Cực hiện nay vẫn dựa vào loài động vật này để lấy thực phẩm, quần áo và vật liệu làm nơi trú ẩn.
Bạn có thắc mắc tuần lộc to lớn cỡ nào? Tuần lộc đực cao từ 70 đến 135 cm tính từ móng đến vai và dài khoảng 1,8 đến 2,1 mét. Con cái thường nhỏ hơn, dài khoảng 1,7 đến 1,9 m. Con đực nặng từ 65 đến 240 kg, và con cái nặng 55 đến 140 kg.
Theo Đại học Alaska Fairbanks (Mỹ), tuần lộc là loài hươu duy nhất mà cả con đực và con cái đều mọc gạc. Mỗi gạc phát triển từ một cuống gọi là cuống trên xương trán của hộp sọ. Những chiếc gạc xương này được bao phủ bởi một lớp da lông, gọi là nhung, được trang bị các mạch máu cung cấp oxy cho xương đang phát triển.
Gạc của con đực có thể dài tới 130cm và nặng tới 15kg, khiến chúng to hơn và nặng hơn đáng kể so với gạc của con cái. Thực tế này cho thấy rằng, tất cả những con tuần lộc kéo xe trượt tuyết của ông già Noel, bao gồm cả Rudolph nổi tiếng, rất có thể là con cái.
Mũi tuần lộc có đỏ không? Nói về thủ lĩnh của bầy tuần lộc kéo xe chở ông già Noel, bí mật để Rudolph có phần mũi và má hồng hào là nhờ mạng lưới mạch máu dày đặc trong mũi. Các nhà nghiên cứu y học ở Hà Lan và Đại học Rochester ở New York cho biết, tuần lộc có vẻ như có nhiều mao mạch mang máu đỏ và giàu oxy hơn khoảng 25% so với con người.
John Cullen - nhà nghiên cứu thuộc Đại học Rochester cho biết: “Ở những vùng khí hậu lạnh hơn, lưu lượng máu trong mũi tăng lên sẽ giúp giữ ấm mũi. Mạng lưới mạch máu dày đặc trong mũi tuần lộc cũng rất cần thiết để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bên trong của chúng - giống như nhiều loài động vật có vú, tuần lộc không đổ mồ hôi.
Tuần lộc sống ở đâu? Tuần lộc được tìm thấy ở một vùng cực rộng lớn bao quanh Bắc Cực, Alaska, Canada, Greenland, Bắc Âu và Bắc Á trong các sinh cảnh lãnh nguyên, núi và rừng. Phạm vi nơi ở của chúng có thể lên tới 500 km2, theo Encyclopedia Britannica, và chủ yếu ở những nơi lạnh giá.
Tuần lộc là động vật sống bầy đàn. Chúng kiếm ăn, đi lại và nghỉ ngơi theo đàn. Những đàn tuần lộc có thể bao gồm từ 10 con đến vài trăm con. Vào mùa xuân có thể đông hơn - từ 50.000 đến 500.000 con tuần lộc đi theo đàn. Chúng thường di chuyển về phía nam khoảng 1000 - 3000 dặm (1600 -5.000 km) để tìm thức ăn vào mùa đông.
Tuần lộc sinh sản thế nào? Mùa sinh sản của tuần lộc kéo dài từ tháng 8 đến tháng 9, và thời kỳ mang thai của con cái kéo dài khoảng 7,5 tháng. Những con tuần lộc cái thường chỉ sinh một con tại một thời điểm, mặc dù chúng có thể mang thai tới 4 con một lúc.
Khi mới sinh một con tuần lộc con, được gọi là một con bê, nặng từ 6 đến 8 kg. Bê có thể đứng sau khi được sinh ra 1 giờ và trong vòng một tuần, chúng bắt đầu ăn thức ăn rắn ngoài sữa mẹ. Khi mới sinh, tuần lộc con không có gạc. Chúng bắt đầu mọc bộ gạc đầu tiên vào khoảng sinh nhật thứ hai của mình.
Tuần lộc được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt vào danh sách dễ bị tuyệt chủng. Sách đỏ về các loài bị đe dọa của IUCN cho biết tuần lộc đã bị suy giảm 40% dân số trong vòng 21 đến 27 năm qua. Hiện có khoảng 3,5 triệu con tuần lộc ở Bắc Mỹ, khoảng 1 triệu con tuần lộc hoang dã ở Âu-Á và khoảng 3 triệu con tuần lộc nhà ở Bắc Âu.
Lê Trang (theo Live Science)
Nguồn: kienthuc.net.vn