Máy bay SNCAC NC.223.4 (biệt danh Jules Verne) là một biến thể vận tải hạng nhẹ của dòng máy bay Farman F.220. Biến thể NC.223.4 chỉ có 3 chiếc và khi chiến tranh nổ ra cả 3 được Hải quân Pháp trưng dụng cho nhiệm vụ tuần tra.
Riêng chiếc Jules Verne được đặt dưới quyền chỉ huy của một vị sĩ quan 38 tuổi có tên là Henri Laurent Daillière – một trong những người tham gia lập kỉ lục về quãng đường bay xa nhất mà một thủy phi cơ đạt được.
Đến ngày 6/5/1940, Jules Verne bắt đầu được chuyển đổi thành máy bay ném bom với 8 mấu cứng được lắp lên cánh, mỗi mấu có thể mang một quả bom nặng 250 kg (tổng là 2.000 kg).
Một khẩu súng máy Darne Mle 1933 được trang bị để phòng thủ trên máy bay. Vị trí hoa tiêu và xạ thủ ném bom cũng được thêm ở phần mũi, 4.000 lít nhiên liệu bổ sung và máy bay được sơn đen lại để tránh bị phát hiện trong đêm tối.
Sau khi chuyển đổi, Jules Verne tham gia vào các nhiệm vụ trinh sát, ném bom vào các vị trí, phòng tuyến và hậu cần của quân Đức, thậm chí là các thành phố ngoại ô phía bắc nước Đức.
Chiếc máy bay SNCAC NC.223.4 có biệt danh 'Jules Verne' cùng phi hành đoàn
Cùng thời gian với chiến dịch “Paula” của Đức nhằm vào các đơn vị không quân của Pháp tại Paris, một chiến dịch ném bom trả đũa vào Berlin để vực dậy tinh thần người Pháp đã được Daillière và các cộng sự bí mật chuẩn bị.
Jules Verne cất cánh vào chiều ngày 7/6/1940 và đến Berlin vào lúc nửa đêm, mang theo 8 quả bom 250kg treo trên cánh và 80 quả bom cháy 10kg được giấu trong thân máy bay.
Chiếc máy bay vòng qua biển Bắc, Đan Mạch, biển Baltic, bay qua thành phố Stettin của Ba Lan để tìm đường vào Berlin. Để không bị phát hiện, Daillière đã cho máy bay hạ thấp độ cao xuống sân bay Tempelhof vờ như đang muốn hạ cánh khiến quân Đức lầm tưởng rằng đó là máy bay phe mình.
Khi đang bay với tốc độ 350 km/h ở độ cao chỉ 100 mét, phi hành đoàn trên Jules Verne cuối cùng đã nhìn thấy mục tiêu của mình - nhà máy Siemens ở vùng ngoại ô và bắt đầu thả bom.
Trong lúc thả 80 quả bom cháy xuống bằng tay thì pháo phòng không của Đức cũng bắt đầu khai hỏa nhưng thất bại. Cả phi hành đoàn may mắn thoát nạn và hạ cánh an toàn xuống sân bay Orly, gần Paris vào sáng ngày 8/6 sau chuyến hành trình kéo dài 11 giờ 40 phút.
Sự kiện này đã gây chấn động dư luận Pháp, tất cả các tờ báo đều đưa tin về sự kiện này như một tia hi vọng le lói trong những giờ phút đen tối nhất của tháng 6/1940.
Chiếc NC.223.4 sau đó tiếp tục thực hiện vài nhiệm vụ khác trước khi bị chính cơ trưởng Daillière ra lệnh phá hủy nhằm tránh chiếc máy bay bị rơi vào tay của Đức Quốc xã. Còn chỉ huy Daillière cũng hi sinh trong một nhiệm vụ trinh sát vào ngày 11/10/1942 tại Liberia. Thi hài của ông sau đó được chôn cất tại thủ đô Dakar của Sénégal.
Lê Hưng (Tổng hợp)
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN