Theo trang tin Live Science, hạ thân nhiệt là tình trạng xảy ra khi nhiệt độ trung tâm cơ thể hạ xuống 35 độ C hoặc thấp hơn. Khi bị hạ thân nhiệt, con người sẽ bắt đầu run rẩy và đa phần sẽ gặp khó khăn về cử động như vấp ngã hay chậm chạp. Ngoài ra, họ cũng có thể bị mất phương hướng, bối rối và nói chậm như đang chịu ảnh hưởng của ma túy hoặc rượu.
Nếu tình trạng hạ thân nhiệt trở nên nghiêm trọng thì hô hấp và nhịp tim có thể giảm đến mức nguy hiểm. Người bị hạ thân nhiệt có thể mất ý thức và thậm chí tử vong.
Nhưng trước khi mất hoàn toàn ý thức, nạn nhân sẽ thể hiện một số hành vi kỳ quái như tự "đào hang" và cởi bỏ quần áo.
Hành động tự "đào hang"
Thông thường, những động vật có máu nóng trong kỳ ngủ đông sẽ tự đào hoặc chôn mình vào một cái hang nhỏ để trú ẩn suốt mùa đông. Hang động nhỏ hẹp giúp cơ thể động vật hạn chế mất nhiệt.
Trong giai đoạn cuối trước khi chết cóng, con người cũng thực hiện một hành vi mà các nhà nghiên cứu gọi là "đào hang lần cuối". Trong một nghiên cứu đăng trên Legal Medicine năm 1995, các nhà nghiên cứu Đức miêu tả nạn nhân chết cóng thường trong tư thế thể hiện cơ chế tự vệ cuối cùng như là nằm dưới giường ngủ, sau tủ quần áo, trong tủ.
Hành vi "đào hang" này không được nghiên cứu rộng rãi và không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu người Đức cho rằng đây là quá trình tự động của thân não, diễn ra trong giai đoạn cuối của quá trình hạ thân nhiệt, tạo ra hành vi nguyên thủy gần giống với đào hang để bảo vệ cơ thể như các động vật ngủ đông.
Người bị hạ thân nhiệt thường có những hành vi kỳ lạ như tự cởi bỏ quần áo - Ảnh: Live Science
Nghịch lý tự cởi quần áo
Ngoài hành động tự đào hang còn có một hành vi kỳ lạ không kém là "nghịch lý cởi quần áo". Thuật ngữ này mô tả hành vi của nhiều nạn nhân bị giảm thân nhiệt tự cởi bỏ phần lớn hoặc toàn bộ quần áo trên cơ thể, khiến thân nhiệt càng giảm nhanh hơn.
Khi sưởi ấm cơ thể người bị hạ thân nhiệt bằng một cơ thể khác, các chuyên gia sơ cứu thường khuyên cả nạn nhân và người sưởi ấm nên khỏa thân hoặc mặc thật ít đồ. Điều này giúp hơi ấm di chuyển từ người sưởi ấm sang nạn nhân dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng, lời khuyên này không có liên quan đến nghịch lý cởi quần áo.
Để ngăn hơi ấm thoát ra từ tứ chi, cơ thể sẽ tự co mạch, nghĩa là sự co thắt theo phản xạ của các mạch máu. Nhưng theo thời gian, các cơ cần thiết cho việc co mạch trở nên quá tải và thất bại, khiến máu ấm chảy ra từ trung tâm cơ thể đến tứ chi. Hiện tượng này dẫn đến một cơn nóng đột ngột khiến những nạn nhân vốn đã mất phương hướng cảm thấy như họ đang bị đốt cháy. Các nhà nghiên cứu kết luận vì vậy mà họ tự cởi quần áo.
Nghịch lý tự cởi quần áo thường xảy ra trước hành động đào hang lần cuối. Các nhà khoa học người Đức ghi chú khi nghiên cứu về các nạn nhân hạ thân nhiệt rằng tư thế cuối cùng của các thi thể chỉ có thể tạo thành khi nạn nhân bò, trườn, gây ra những vết trầy xước ở khuỷu tay hay đầu gối. Hành động này xảy ra sau khi nạn nhân trút bỏ quần áo, vì trên da có vết trầy nhưng vị trí tương ứng trên quần áo lại không có dấu hiệu tổn hại.
Hành vi đào hang lần cuối và nghịch lý tự cởi quần áo đã khiến nhiều nạn nhân chết cóng bị hiểu lầm là án mạng. Một số cảnh sát điều tra thường nhầm lẫn một người tử vong trong tình trạng khỏa thân là nạn nhân của hành vi tấn công tình dục và giết người. Việc phát hiện thi thể bên trong các không gian nhỏ hẹp như dưới gầm các đồ nội thất lại được cho là giống hành vi giấu xác.
Nguồn: Tuoitre.vn