Quả khinh khí cầu trên bầu trời Billings, Montana, vào ngày 1/2. Ảnh: Reuters.
Hôm 2/2, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đang theo dõi thiết bị được cho là khinh khí cầu do thám Trung Quốc trên không phận của nước này trong vài ngày qua.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/2 cho biết đây là sự cố ngoài ý muốn, khẳng định khinh khí cầu phát hiện tại Mỹ là khinh khí cầu dân sự dùng cho mục đích nghiên cứu.
Hiện chưa có nhiều phương pháp cụ thể để xác định mục đích của khinh khí cầu Trung Quốc bay trên không phận Mỹ. Các chuyên gia cho biết bước đầu xác định đây có phải khí cầu do thám hay không là phải thu giữ các thiết bị lắp trên khí cầu, theo Washington Post.
Khí cầu do thám đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ. Theo các chuyên gia, việc sử dụng khí cầu do thám có thể sẽ gia tăng trong tương lai, theo Guardian.
Khí cầu do thám là gì?
Ngày nay, khí cầu do thám được hiểu là một thiết bị trinh sát, ví dụ như máy ảnh hay radar, được treo bên dưới khinh khí cầu bay qua một khu vực nhất định. Thiết bị gắn trên khí cầu có thể được vận hành bằng năng lượng Mặt Trời.
Khí cầu thường hoạt động ở độ cao 24-37 km, cao hơn nhiều so với máy bay thương mại. Các máy bay dân dụng hầu như không bao giờ bay cao quá 12 km.
Cấu tạo của khinh khí cầu được cho là loại khinh khí cầu Trung Quốc bay trên không phận Mỹ. Đồ họa: Washington Post. Việt hóa: Trần Hoàng.
Tại sao sử dụng khí cầu do thám thay vì vệ tinh?
Hiện tại, khi có nhiều loại phương tiện được phát minh ra để chống vệ tinh, mối quan tâm dành cho khí cầu do thám lại nóng trở lại.
Mức độ giám sát của khí cầu do thám không liền mạch như vệ tinh, nhưng dễ thu hồi hơn và giá phóng rẻ hơn. Trong khi đó, đưa vệ tinh lên không gian cần có bệ phóng, thường tiêu tốn tới hàng trăm triệu USD.
Theo báo cáo năm 2009 từ Trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu Không quân Mỹ, khinh khí cầu cũng có thể quét nhiều khu vực lãnh thổ từ độ cao thấp hơn và ở trên một khu vực nhất định trong thời gian dài vì chúng di chuyển chậm hơn vệ tinh.
Khí cầu do thám được dùng lần đầu khi nào?
Theo ghi nhận, người Pháp là những người đầu tiên sử dụng khí cầu do thám, bắt đầu từ trận Fleurus chống lại quân Áo và Hà Lan vào năm 1794, trong các cuộc chiến tranh cách mạng.
Khí cầu do thám cũng xuất hiện vào những năm 1860 trong nội chiến Mỹ. Phe Liên bang (Union) miền Bắc cho lính bước lên khinh khí cầu để thu thập thông tin về hoạt động của phe Liên minh miền Nam (Confederate) qua ống nhòm.
Từ trên khinh khí cầu, binh sĩ gửi tín hiệu trở lại thông qua mã morse hoặc “mảnh giấy buộc vào hòn đá”, theo John Blaxland - giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia.
Mỹ đã chú ý tới ý tưởng này trong những năm gần đây, nhưng có xu hướng chỉ sử dụng khinh khí cầu trên lãnh thổ.
Craig Singleton - chuyên gia về Trung Quốc của Tổ chức Phòng thủ Dân chủ - nói với Reuters rằng khí cầu do thám cũng được Mỹ và Liên Xô sử dụng rộng rãi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và là phương pháp thu thập thông tin tình báo với chi phí thấp.
Theo giáo sư Blaxland, không có hạn chế nào với loại công nghệ có thể gắn bên dưới khí cầu do thám.
Hành trình của khinh khí cầu Trung Quốc trước khi tiến vào không phận Mỹ. Đồ họa: Washington Post. Việt hóa: Trần Hoàng.
Mục đích của khinh khí cầu Trung Quốc là gì?
Theo ông Blaxland, khả năng Trung Quốc cho rằng khí cầu do thám không bị phát hiện là rất thấp, thậm chí có 2 lý do để họ “cố tình” khiến Mỹ phát hiện thiết bị này.
Vị giáo sư cho rằng lý do đầu tiên là nhằm khiến Mỹ “bối rối”, và tốt hơn nữa là thu thập một số thông tin tình báo trong quá trình di chuyển.
“Thật khó tin nếu họ nghĩ khí cầu do thám sẽ không bị phát hiện. Không phận Mỹ được giám sát rất chặt chẽ, bởi các cơ quan hàng không dân dụng, lực lượng không quân, lực lượng hàng không, các mạng lưới theo dõi thời tiết”, ông nói.
Lý do thứ 2 mà ông Blaxland đưa ra là Trung Quốc muốn Mỹ nhận thức được rằng Bắc Kinh đã bí mật theo kịp và có thể “sao chép” công nghệ của Washington.
Theo New York Times, khinh khí cầu là một trong nhiều công nghệ quân đội Trung Quốc sử dụng như công cụ tiềm năng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và các cường quốc khác.
Trong các nghiên cứu và bài báo, chuyên gia thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã theo dõi nỗ lực sử dụng khinh khí cầu tầm cao tiên tiến thu thập thông tin tình báo và điều phối hoạt động chiến trường từ Mỹ, Pháp và các quốc gia khác. Họ cho biết các vật liệu và công nghệ mới giúp khí cầu bền, cơ động và bay xa hơn.
“Những tiến bộ công nghệ đã mở ra cánh cửa mới cho việc sử dụng khí cầu”, một bài báo trên báo Quân giải phóng nhân dân viết vào năm ngoái. Một bài báo khác lưu ý khí cầu điều khiển được tại khí quyển ở tầng cao cũng có thể trở thành “nghìn mắt” giúp quan sát không gian vũ trụ.
Trong khi đó, tuyên bố ngày 4/2 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định việc khí cầu của nước này xuất hiện ở Mỹ là "việc bất khả kháng" do tác động của gió khiến khinh khí cầu phục vụ nghiên cứu thời tiết đi lệch khỏi hành trình được vạch sẵn.
Phương Linh
Nguồn: zingnews.vn