Tết ở Việt Nam là tết của người Việt, về nguồn gốc, không liên quan đến tết ở bên Trung quốc của người Hoa hay người Hán.

1 Tet Co Nguon Goc Tu Dau

Mỗi năm một lần, vào dịp cuối năm (âm lịch), là dịp Lễ, Hội lớn nhất trong năm, hầu như tất cả người Việt Nam đều muốn trở về quê hương, quây quần với gia đình, để thực hiện những nghi lễ đón năm mới và gọi đó là Tết.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng Tết có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong khoảng ngàn năm Bắc thuộc.

Xin khẳng định ngay, quan niệm đó là sai lầm. Trong bài viết này, căn cứ vào những thông tin có được, tôi xin mạn phép phân tích về nguồn gốc, ý nghĩa và các phong tục trong ngày tết của hai nước Việt Nam và Trung Quốc để khẳng định tết Việt có nguồn gốc từ người Việt.

Phần một

I. Nói về nguồn gốc và ý nghĩa của Tết

1. Tết của người Việt

Theo các nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, Đỗ Văn Xuyền… sau lễ ăn thề, Lộc Tục về phía Nam núi Ngũ Lĩnh thành lập nước Xích Quỷ, xưng là Kinh Dương Vương. Từ khi xây dựng vùng đất mới, Ngài không khi nào không nhớ về quê hương núi Thái, sông Nguồn nên đã dạy dân duy trì phong tục thờ cúng tổ tiên ông bà bằng quy định cụ thể: mỗi gia đình đều phải có một bàn thờ là một bịch đắp bằng đất ở gian chính giữa giáp tường hậu (Bịch là vật dụng bằng đất, có thành, trong đựng thóc), trên bịch đất đặt bát hương và bài vị tổ tiên, ông bà. Cứ mỗi độ xuân về, người người nên tổ chức Lễ

– Hội thật tưng bừng, trước là để tưởng nhớ công đức tổ tiên ông bà, tỏ lòng thành kính đến các chư vị thần linh và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau cũng là dịp để thần dân cả nước nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả, cùng hòa mình vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ.

Từ đó, ngày Tết đầu năm trở thành lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt và được gọi là Tết Cả.

Với nguồn gốc và ý nghĩa như thế, nên Tết của người Việt luôn được tổ chức theo lịch âm (tính theo chu kỳ của Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất). Do lịch âm có quy luật 3 năm nhuận một tháng, nên ngày đầu năm của Tết luôn nằm trong khoảng từ ngày 21/01 đến ngày 19/02 Dương lịch. Tháng đó gọi là tháng Dần hay tháng Giêng.

2. Tết của người Trung Quốc

Có nhiều truyền thuyết gắn liền với nguồn gốc ngày Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Trong số đó, truyền thuyết phổ biến nhất được bắt nguồn với câu chuyện về một con quái vật tên là Niên với thân hình giống với sư tử, đầu có sừng dài và hết sức hung dữ. Con Niên sống quanh năm dưới biển sâu. nhưng, cứ đến đêm cuối năm, nó lại xuất hiện để ăn thịt gia súc và làm hại con người.

Ngày cuối năm nọ, một ông lão xuất hiện, khuyên người dân đi trốn để một mình ở lại đối phó với con Niên. Ban đầu, mọi người không tin và chỉ coi ông lão như một ông già lẩm cẩm. Nhưng vì quá sợ hãi, họ đã nghe lời ông và trốn vào một cái hang gần làng. Đêm đó, ông lão đã dán giấy màu đỏ và đốt pháo khắp làng. Sáng hôm sau, khi mọi người quay lại thì ông lão vẫn bình yên vô sự và con Niên từ đó không quay lại phá phách nữa.

Người dân Trung Quốc cũng truyền nhau rằng ông lão đã giúp họ chính là hiện thân của Hồng Quân Lão Tổ, vị Tiên có pháp lực và đạo hạnh cao nhất trong Đạo Giáo (xem Phong Thần diễn nghĩa). Hồng Quân Lão tổ đã lấy màu đỏ và tiếng pháo để thu phục con Niên và dùng nó làm thú cưỡi cho ông.

Để tôn vinh chiến thắng của con người trước loài quái vật hung bạo, hằng năm, người ta tổ chức lễ hội lớn như những hoạt động ăn mừng chiến thắng. Lễ hội đó lại trùng với thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và mới nên các hoạt động mừng năm mới cứ thế được sáng tạo thêm, lâu dần họ gọi là tết “Nguyên Đán”.

Do nguồn gốc, ý nghĩa tết Nguyên Đán của người Trung Quốc chủ yếu là ăn mừng chiến thắng, nên việc lựa chọn thời điểm tổ chức tết cũng tùy thuộc vào sở thích của các nhà cầm quyền ở mỗi thời đại. Cụ thể như: thời nhà Thương, do chuộng màu trắng nên chọn tháng Sửu (tháng chạp) là tháng đầu tiên của năm mới. Thời Tây Chu do ưa sắc đỏ nên chọn tháng tý (tháng 11 theo lịch âm gọi là tháng một). Đến thời Xuân Thu, Khổng Tử đề nghị chọn tháng Dần (tháng giêng, theo như người Việt). Tần Thủy Hoàng chọn tháng Hợi (tháng 10). Cuối cùng là nhà Hán lại chọn tháng Dần và từ đó đến nay, không đổi nữa.

II. Tết Cả là tết của người Việt

Từ việc xác định nguồn gốc, ý nghĩa của Tết ở nước ta và Trung Quốc cho thấy có những điểm khác nhau về căn bản:

Về thời gian xuất hiện Tết: ở ta có từ thời Viêm Đế hoặc chí ít cũng từ thời Kinh Dương Vương; nghĩa là ít nhất cũng trước tây lịch 2.879 năm người Việt đã có Tết. Thế nhưng, Tết ở Trung Quốc mới có từ thời nhà Thương; nhiều tư liệu cho rằng tết Trung Quốc xuất hiện cùng với văn minh Ân Thương nghĩa là sau khi Vua Bàn Canh rời đô đến đất Ân (tức là khoảng năm 1401 TCN). Xem như thế, Tết của người Việt có trước người Hoa ít nhất cũng phải hàng ngàn năm.

Về thời điểm đón tết: Do Người Việt tính theo chu kỳ của Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất (lịch âm), người Hoa tính theo vị trí của Trái Đất trong chu kỳ chuyển động xung quanh Mặt Trời (âm dương lịch). Do đó, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới chắc chắn không cùng nhau.

Về nguồn gốc và ý nghĩa: như trên đã trình bày, Tết ở Trung Quốc về cơ bản chỉ là lễ hội ăn mừng chiến thắng của con người với quái vật. Trong khi đó, Tết của người Việt mang đậm tinh thần uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên ông bà và các đấng thần linh.

Xem như thế, có thể khẳng định: Tết ở Việt Nam là Tết của người Việt (gọi là Tết Cả). Về nguồn gốc, suất xứ không liên quan đến Tết bên Trung quốc của người Hoa hay người Hán.

Ở phần sau, tôi sẽ phân tích một số phong tục không thể thiếu trong dịp Tết của mỗi nước để bổ sung thêm bằng chứng cho kết luận này.

Phần hai

Ở phần trước, chúng ta đã thống nhất: “Tết ở Việt Nam là tết của người Việt, về nguồn gốc, không liên quan đến tết ở bên Trung quốc của người Hoa hay người Hán”. Trong phần này, chúng ta hãy phân tích một số phong tục cơ bản trong ngày tết ở hai nước để bổ sung cho kết luận này.

I. Ở Việt Nam

Do nguồn gốc và ý nghĩa chính của ngày Tết mang đậm tinh thần uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên ông bà và các đấng thần linh. Nên, các phong tục không thể thiếu trong dịp tết của người Việt là:

– Làm bánh chưng: là người Việt, có lẽ ai cũng biết sự tích bánh chưng, bánh dầy. Dị bản thì có nhiều nhưng cốt lõi của câu chuyện đã dạy ta ba điều:

Một là, dù nghèo khó vẫn gìn giữ đức tính hiền hậu, cần cù, siêng năng, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ và tổ tiên, ông bà.

Hai là, đạo lý uống nước nhớ nguồn, trong nền văn minh lúa nước phát triển rực rỡ, những thứ dâng lên tổ tiên, ông bà không gì quý hơn là những sản phẩm đặc trưng của văn minh lúa nước như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… những thứ mà chính tổ tiên ông bà đã truyền lại cho con cháu muôn đời.

Ba là, thời điểm làm bánh chưng dâng lên tổ tiên ông bà ý nghĩa nhất chính là dịp đón mừng năm mới, chuẩn bị một vùa vụ mới, gọi là Tết Cả. Trải qua hàng ngàn năm, làm bánh chưng trong dịp tết đã trở thành phong tục gần như không thể thiếu trong mỗi dịp tết. Thậm chí nhiều người, làm xong nồi bánh chưng, coi như đã chuẩn bị xong một cái tết.

– Rước tổ tiên, ông bà về ăn tết: Sau khi đã xong nồi bánh chưng, thường là vào trưa 30 tết, gia chủ biện một mâm cỗ thắp hương cung kính mời tổ tiên, ông bà về nhà ăn tết cùng con cháu (những người có điều kiện, họ đến tận mộ phần của ông bà, cha mẹ và người thân để mời). Kể từ đó, con cháu trong gia đình nghĩ rằng linh hồn các cụ luôn ở trong nhà cùng con cháu trong những ngày tết.

– Đi chúc tết: Tôi vẫn nghe người ta nói: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ”. Nghe cứ thấy sai sai, không lý cha mẹ lại ở riêng và xa nhau lắm hay sao mà phải đi tận hai ngày. Lại có người giải thích tết cha là tết bên nội, tết mẹ là tết bên ngoại, hình như cũng sai sai; chỉ bên Tàu mới trọng nam khinh nữ vậy thôi, người Việt ta không thế đâu. Sinh thời, cha tôi bảo: “Mùng một là tết ông bà, mùng hai tết bạn, mùng ba tết thầy” với ý nghĩa tết là ngày tưởng nhớ công đức tổ tiên ông bà nên trong ngày mùng một phải đi thắp hương ông bà, tổ tiên kể cả bên nội và bên ngoại (Ngày xưa các cụ thường lấy chồng gần nên trong một ngày có thể đến được cả bên nội và bên ngoại). Nếu trường hợp xa quá thì mới đành để mùng hai. Mùng hai tết bạn, chả phải vì coi bạn hơn thầy đâu, chỉ là do thầy có nhiều trò, ngày mùng hai, các trò gặp nhau để bàn về thời điểm, nội dung và hình thức đi chúc tết thầy vậy thôi. (Quan điểm này khác hẳn với đạo Khổng là Quân – Sư – Phụ: Vua, thầy rồi mới đến cha mẹ)

– Trong những ngày tết, dù có đi chúc tết đâu nhưng nhất thiết phải có người ở nhà (tạm gọi là trực tết), trước là để giữ cho nhang không được tắt trên bàn thờ, đến bữa mời các cụ xơi cơm, ngày ba bữa, con cháu ăn gì, cúng nấy, nhưng nhất thiết phải có bánh chưng. Ngoài ra, người trực tết sẽ phải đón tiếp và chứng kiến những người thân trong họ đến thắp hương cho ông bà, tổ tiên nhà mình.

– Mọi việc cứ diễn ra như thế cho đến khi gia chủ cúng “hóa vàng”. Không biết ngày cúng hóa vàng còn ý nghĩa nào khác hơn, nhưng theo tôi, đó là ngày tiễn vong linh các cụ. Chỉ sau ngày hóa vàng, nhang trên bàn thờ mới được tắt, cửa nhà mới được khóa, đó là lúc mọi người rủ nhau đi chơi tết; nói cách khác đó là lúc kết thúc phần Lễ và bắt đầu phần Hội.

II. Ở Trung Quốc

Do nguồn gốc và ý nghĩa chính của ngày tết là một dịp ăn mừng chiến thắng của con người đối với quái vật. Nên, các phong tục không thể thiếu trong dịp tết của người Trung quốc là:

– Trang hoàng nhà cửa bằng màu đỏ như đèn lồng đỏ, câu đối đỏ, quần áo cũng màu đỏ. Về sau này, người ta thêu dệt thêm các ý nghĩa của màu đỏ nào là biểu tượng cho sự dũng cảm và hi sinh; màu đỏ gắn liền với sức mạnh và quyền lực; thể hiện tìn cảm thiết tha nồng cháy và sự may mắn thủy chung… Tuy nhiên, ý nghĩa ban đầu của việc trang hoàng màu đỏ là do người Trung Quốc tin rằng con Niên rất sợ màu đỏ, trang trí như vậy để con Niên thấy mà không dám quay lại.

– Đốt pháo: Người Trung Quốc tin rằng, ngoài màu đỏ, Con Niên cũng rất sợ tiếng pháo; vì thế, để hi vọng con Niên không quay trở lại, suốt trong những ngày tết, người ta nổ pháo vang trời. Điểm cốt lõi này giải thích vì sao có những thời điểm, cả chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đều cấm đốt pháo nhưng chỉ thành công ở Việt Nam mà Trung quốc thì không thể. Bởi mầu đỏ và tiếng pháo là linh hồn của tết Trung quốc (cũng như bánh chưng là linh hồn của tết Việt), cấm pháo thì còn gì gọi là tết Trung quốc nữa.

– Đêm trừ tịch, người Trung quốc ăn rất nhiều món; trong đó, có 3 món hầu như không thể thiếu đó là: bánh bao có chấm đỏ, cá và thịt gà; trong đó, đương nhiên, chấm đỏ trên bánh bao vẫn không ngoài ý nghĩa có mầu đỏ để dọa con Niên. Tuy nhiên, gà và cá không bao giờ họ ăn hết mà phải để dành đến hôm sau (gọi là năm sau). Khi chữ Hán hoàn thiện, người ta cải biên ra rằng để cầu mong “niên niên hữu ngư” đồng âm với “niên niên hữu dư”.

Nhưng ý nghĩa ban đầu là để con niên nếu có vào được nhà, nó sẽ ăn gà và cá mà quên đi việc phá phách, giết người (cũng là một hình thức hối lộ chăng ?).

– Lời chúc tết: Thủa xa xưa, ngày đầu năm gặp nhau họ chúc “Cung hỷ” đó là lời chúc mừng vì được sống sót sau sự tàn phá của con Niên. Về sau, các nhà kinh doanh mới thêm vào hai chữ “phát tài” thành ra câu chúc ngày nay là “Cung hỷ phát tài”.

Đó là những điểm cốt yếu khác nhau trong phong tục đón tết của hai nước. Những điểm khác nhau này, một lần nữa khẳng định tết Ta là tết Ta, tết Tàu là tết Tàu.

Tuy nhiên, do vị trí địa lý hai nước rất gần nhau, ta lại bị cả ngàn năm Bắc thuộc và đặc biệt là các nhà viết sử bên đó luôn giấu diếm, thậm chí xuyên tạc sự thật để tỏ ra rằng người Hán đi khai hóa văn minh các dân tộc khác (Điển hình là, lịch sử Trung Hoa viết: “từ thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên và Tích Quang – quan nước Tàu sang nước ta, truyền cho dân ta biết làm ruộng và các sinh hoạt văn hóa khác, trong đó có cả việc ăn Tết cổ truyền”).

Thế nên cũng khá nhiều phong tục ngày tết bị ảnh hưởng qua lại. Trong đó, người Việt theo Tàu một số phong tục như: đốt pháo, kiêng hốt rác trong ngày đầu năm… Người Tàu lại theo người Việt phong tục mời vong linh người thân đã khuất về nhà ăn tết. Riêng tục dán giấy và treo câu đối đỏ thì còn nhiều tranh cãi, không biết ai theo ai bởi ở ta treo câu đối đỏ không phải để dọa con Niên mà là để tưởng nhớ đến nhà nước Xích Quỷ (chữ Xích là màu đỏ).

Tóm lại, có khá nhiều phong tục tết Ta giống tết Tàu.

Nhưng xét về nguồn gốc, ý nghĩa và những phong tục không thể thiếu trong ngày tết của mỗi nước ta có thể khẳng định: Tết Ta có trước tết Tàu hàng ngàn năm. Ý nghĩa ngày tết của ta khác hẳn ý nghĩa ngày tết của Tàu. Các phong tục cơ bản trong ngày tết Việt khác hẳn các phong tục cơ bản trong ngày tết Tàu.

Những điểm giống nhau chỉ là hình thức, không cơ bản do vị trí gần nhau, bị đô hộ hàng ngàn năm, hơn nữa, các dấu tích xưa cũ bị họ âm mưu xóa bỏ… Thành ra nhiều người hiểu lầm vậy thôi. Hy vọng, người Việt sẽ hiểu đúng rằng tết Cả là tết của người Việt.

Theo Chuyện làng quê




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC