Tắm rửa kỹ cũng khiến khô da trầm trọng hơn
TS Vũ Nguyệt Minh cho biết, trong mùa đông cơ thể thường hay xuất hiện việc bong vảy da (gàu) hoặc xuất hiện ghét nên khi tắm rửa, nhất là chị em phụ nữ thường tắm nước nóng rát, tắm lâu, kỳ cọ người thật kỹ… Tuy nhiên, đây là sai lầm thường gặp khiến cho vấn đề khô da trở nên trầm trọng hơn.
Chị em tắm nước quá nóng, kỳ cọ kỹ làn da cũng khiến tình trạng khô da trầm trọng hơn.
“Cách tắm trong mùa đông cũng rất quan trọng. Thông thường, mùa đông cơ thể thường hay có ghét, có gàu nhiều hơn nên mọi người tắm nước ấm thường tắm rất kỹ để chà xát hết ghét, hết gàu, da chết trên da.
Việc làm này tưởng tốt nhưng lại làm tăng độ khô da nhanh hơn sau khi tắm. Vì tắm quá kỹ hoặc nước tắm quá nóng sẽ làm loại trừ các chất dưỡng ẩm và chất lipit tốt ở trên da. Vì thế, mọi người nhất là chị em nên xem lại cách tắm hàng ngày. Đối với mùa đông, chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo không được tắm nước lạnh vì dễ bị cảm lạnh, đau đầu, ốm.
Tuy nhiên, cũng không tắm nước quá nóng, nên tắm nước ở độ mát nhất mà cơ thể có thể chịu đựng được. Khi tắm cần tắm nhanh nhất có thể để đỡ bị tổn thương da cũng như không làm mất hết chất lipit ở da”, TS Nguyệt Minh khuyên.
50% số bệnh nhân đến khám da liễu đều bị khô da
Từ đầu mùa đông đến nay, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám vì vấn đề khô da. Tiến sĩ, bác sĩ (TS.BS) Vũ Nguyệt Minh – Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, nếu tính tổng thể bệnh nhân đến khám trong mùa đông thì không tăng so với bình thường. Tuy nhiên, có đến 50% số người bệnh đến khám liên quan đến vấn đề khô da, đây là vấn đề thường gặp nhất trong mùa đông.
TS Nguyệt Minh cho biết, đa số bệnh nhân gặp phải vấn đề khô da là trẻ nhỏ sơ sinh, dưới 5 tuổi, phụ nữ và người trên 70 tuổi. Trong số đó, có không ít người có tiền sử bị viêm da cơ địa khiến vấn đề khô da trong mùa đông trở nên trầm trọng hơn, gây biến chứng nặng nề.
Người trên 70 tuổi bị khô da rất nhiều vào mùa đông.
“Thời tiết hanh khô người bình thường đã cảm thấy khó chịu, còn với trẻ em có làn da mỏng manh, người già nồng độ nước trong da thấp nên da dễ bị khô, nứt nẻ, chảy nước, thậm chí không thể ngủ được. Trong mùa đông, tình trạng khô da ở đối tượng này sẽ càng trầm trọng hơn”, TS Vũ Nguyệt Minh cho hay.
Ngoài ra, nhiều người bị khô da, biến chứng bội nhiễm còn do chăm sóc da mùa đông không đúng cách khi dùng các sản phẩm dưỡng da tự chế, dùng các loại lá cây để ngâm tay chân hoặc tắm. “Chính việc làm này đã làm cho vấn đề khô da ngày càng trầm trọng hơn và dễ gây biến chứng”, TS Minh nói.
Vì sao mùa đông lại dễ gây khô da?
TS.BS Vũ Nguyệt Minh phân tích, trong mùa đông, đặc biệt ở miền Bắc do khí hậu khô hanh, độ ẩm thấp nên vấn đề thường gặp nhất là khô da, đặc biệt ở những người bị viêm da cơ địa, có tiền sử bệnh vảy nến, gàu sẽ ảnh hưởng trầm trọng nhất.
“Da là bộ phận ở bên ngoài bảo vệ cơ thể nên độ ẩm và nước trong cơ thể phụ thuộc rất nhiều vào làn da. Khi thời tiết hanh khô, dễ dẫn đến việc mất nước nhanh hơn do chênh lệch nhiệt độ. Vì vậy, việc bảo vệ, dưỡng ẩm cho da vào mùa đông rất quan trọng”, TS Nguyệt Minh chia sẻ.
Tiến sĩ Vũ Nguyệt Minh khám, tư vấn cho một em bé bị khô da mùa đông.
Có nhiều cách để dưỡng ẩm cho da trong mùa đông nhưng cách thường dùng và dễ nhất đó là sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm. Tuy nhiên, khi sử dụng cần phải tra cứu nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm được cấp phép để không ảnh hưởng đến làn da, nhất là trẻ nhỏ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các sản phẩm tự chế, các loại lá cây để ngâm làm ẩm da.
Đặc biệt với người bị viêm da cơ địa phải có sự tư vấn của bác sĩ, vì có sản phẩm dưỡng ẩm có thành phần không phù hợp gây tác dụng phụ, còn đối với những sản phẩm có mùi thơm đôi khi lại có kích ứng. Vì vậy, với người viêm da cơ địa, việc tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định điều trị của bác sĩ rất quan trọng.
Làm sao để giữ độ ẩm cho da tốt nhất?
TS Vũ Nguyệt Minh cho biết vấn đề dưỡng ẩm và tăng độ ẩm cho da mùa đông rất quan trọng, để làm được điều đó thì bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên, nhưng cần phải biết cách bôi.
“Cách bôi dưỡng ẩm da đơn giản nhất là bôi thật kỹ, thật dày ngay sau khi tắm xong vì lúc đó da có độ ẩm cao nhất. Sau khi tắm sau, nên lau khô người rồi bôi dưỡng ẩm ngay lúc đó là thuận lợi nhất để ngấm hoạt chất dưỡng ẩm vào trong da. Cách làm đơn giản nhưng mọi người lại không làm, mà thường tiện lúc nào bôi lúc ấy”, TS Nguyệt Minh hướng dẫn.
Với trẻ nhỏ cần phải kiểm tra kỹ nhiệt độ của nước bằng nhiệt kế trước khi tắm.
Để tránh khô da mùa đông, mọi người không nên tắm nước quá nóng, đặc biệt với trẻ nhỏ chỉ nên tắm với nhiệt độ nước khoảng 37 độ C và được đo chính xác bằng nhiệt kế.
Ngoài ra, người dân khi dùng đèn sưởi, điều hòa cũng rất dễ gây khô da nhất là loại đèn sưởi có bóng đèn sợi đốt. Tốt nhất, khi dùng các thiết bị này nên có một chậu nước để trong phòng để tạo độ ẩm tốt cho da, không nên để đèn sưởi quá gần giường ngủ hoặc quá gần người.
Ở các vùng nông thôn thường hay có thói quen dùng củi đốt để sưởi ấm, việc làm này không chỉ gây khô da trầm trọng, mà còn gây hệ lụy cho sức khỏe, như việc sưởi than phòng kín dễ gây ngạt khí, cháy nổ.
Với những trường hợp bị nứt gót chân, nẻ chảy máu ở chân tay, môi… thông thường là do gen, vì bản chất da những người đó bình thường đã khô, Khi gặp thời tiết hanh khô mùa đông thì độ khô da càng nhiều, nên việc chăm sóc cần phải được chú ý hơn.
“Với những người này việc dùng dưỡng ẩm thông thường sẽ không có tác dụng, mà phải dùng dưỡng ẩm có nồng độ cao hơn thì mới có thể cải thiện được điều đó. Tốt nhất trước khi sử dụng nên có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ”, TS Nguyệt Minh đưa ra lời khuyên.
Lê Phương
Nguồn: thoidaiplus.giadinh.net.vn