Ông đã tạo ra một liên minh bền vững giúp tái tổ chức nền chính trị Mỹ trong nhiều thập niên. Trong sự nghiệp của mình, mặc dù bị chứng bại liệt, song “ông chủ” Nhà trắng luôn nỗ lực không ngừng với mục tiêu cải thiện hơn nữa đời sống người dân, nâng cao vị thế nước Mỹ trên trường quốc tế.
Chống chọi bệnh tật để trở thành Tổng thống
Theo trang US News, Tổng thống Franklin Roosevelt sinh ra trong một gia đình quyền lực và giàu có nổi tiếng. Trong suốt thời niên thiếu, ông được hưởng những đặc quyền mà ít người thời đó có được.
Là một phụ nữ chuẩn mực, mẹ của ông đã giáo dục ông rất kỹ lưỡng, tạo nền tảng cơ bản để sau này Franklin Roosevelt trở thành một con người kiệt xuất của nước Mỹ.
Năm 1896, ở tuổi 14, Roosevelt được cha mẹ cho tới học ở Groton, trường tư nổi tiếng chỉ nhận một số ít con trai của những người giàu có và quyền lực nhất ở Mỹ.
Tốt nghiệp vào năm 1900, Roosevelt tiếp tục theo đuổi đam mê khi thi đậu vào Đại học Harvard danh giá với mong muốn sớm tạo được dấu ấn của bản thân.
Trong thời gian học tại Đại học Harvard, chàng sinh viên Franklin Roosevelt tuyên bố gia nhập đảng Dân chủ dù ở thời điểm đó, ông đang ngưỡng mộ bác họ mình là Tổng thống Theodore Roosevelt, người thuộc đảng Cộng hòa. Sau khi rời Đại học Harvad, ông theo học chuyên ngành Luật tại Đại học Columbia.
Năm 1907, ông vượt qua kỳ thi vào Liên đoàn luật sư New York. Tuy nhiên, chỉ sau ba năm hành nghề, ông đã chán công việc luật sư. Vì vậy, khi một số người thuộc đảng Dân chủ đề nghị ông ra tranh cử vào Thượng viện bang New York, ông đã lập tức chấp nhận, từ đó chính thức bước chân vào con đường chính trị.
Năm 1910, ông được bầu làm Thượng nghị sĩ bang New York, sau đó trở thành trợ lý Bộ trưởng Hải quân dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson. Năm 1920, một thời gian ngắn sau thất bại trong cuộc đua giành vị trí Phó Tổng thống, Roosevelt mắc bệnh bại liệt, phải ngồi xe lăn một thời gian.
Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng chứng tỏ bản thân trên chính trường Mỹ và niềm vui đã đến khi ông đắc cử Thống đốc bang New York nhiệm kỳ 1929 - 1932. Ở cương vị này, ông nổi tiếng với các chương trình giảm thuế, công tác xã hội, trợ giúp người già, hỗ trợ người thất nghiệp, nhất là khi thị trường chứng khoán Phố Wall sụp đổ hồi tháng 10-1929, đánh dấu sự bắt đầu thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ảnh chụp Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt năm 1932. Ảnh: GETTY IMAGES
Năm 1932, đảng Cộng hòa bị người dân chỉ trích về cuộc đại suy thoái. Nhìn thấy cơ hội chính trị rộng mở, tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khi đó, Franklin Roosevelt ra tranh cử với cam kết sẽ can thiệp nền kinh tế để cải thiện tình hình. Điều này giúp ông đánh bại đối thủ “nặng ký” của đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Herbert Hoover. Ngày 4-3-1933, Franklin Roosevelt chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 32. Dù gặp khó khăn trong việc đi lại, song ông luôn cố gắng đứng thẳng trước cử tri, không bao giờ để công chúng thấy mình ngồi trên xe lăn. Cũng nhờ thế, hình ảnh “ông chủ” Nhà trắng kiên cường chống chọi với bệnh tật được người dân “xứ cờ hoa” đánh giá rất cao.
Franklin D. Roosevelt bắt đầu 100 ngày đầu tiên trên cương vị “ông chủ” Nhà trắng với sự hợp tác chưa từng có giữa Quốc hội và Tổng thống nhằm giải quyết những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế.
Trong nước, ông Roosevelt ban hành chính sách kinh tế mới, gồm cải cách sâu rộng thanh tra ngành ngân hàng; lập cơ quan điều hành thực hiện những biện pháp kinh tế khẩn cấp; hỗ trợ giá, giảm thuế cho người dân; tạo việc làm; điều chỉnh thị trường chứng khoán... Nhờ những điều chỉnh kịp thời, nền kinh tế Mỹ từng bước phục hồi. Về ngoại giao, Tổng thống Mỹ chủ động nối lại quan hệ với Liên Xô (trước đây) sau khi bị cắt đứt từ năm 1917. Năm 1933, lần đầu sau 16 năm, hai nước tiến hành trao đổi đoàn cấp đại sứ.
Chính nhờ các thành công trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Roosevelt tạo đà giành thắng lợi áp đảo trước ứng cử viên đảng Cộng hòa Alfred Landon (Thống đốc bang Kansas) để đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1936. Trong nhiệm kỳ này, Roosevelt lại có những thử thách mới. Đầu năm 1937, Tổng thống Mỹ cảnh báo người dân về mối nguy hiểm do chế độ phát-xít ở Đức, Italia và Nhật Bản gây ra, nhưng không khuyến nghị Mỹ từ bỏ chính sách trung lập.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Tổng thống Roosevelt đã triệu tập một phiên họp Quốc hội đặc biệt để sửa đổi Đạo luật trung lập hiện hành, trong đó có Đạo luật trung lập năm 1939, nhằm cho phép Anh và Pháp mua vũ khí của Mỹ. Đến khi phát-xít Đức đánh chiếm Pháp vào cuối tháng 6-1940, Tổng thống Roosevelt đã thuyết phục Quốc hội Mỹ hỗ trợ Anh, khi đó đang một mình chiến đấu với quân đội Đức quốc xã.
Phá vỡ tiền lệ
Mặc dù truyền thống chỉ nắm giữ hai nhiệm kỳ đối với các Tổng thống Mỹ được coi là luật bất thành văn kể từ thời George Washington, nhà lập quốc đồng thời là Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ (1789 - 1797), song Tổng thống Franklin Roosevelt đã quyết định tái tranh cử lần thứ ba vào năm 1940. Cuộc vận động tranh cử diễn ra khi châu Âu đang lâm vào tình cảnh u ám của chiến tranh và Mỹ vẫn chưa tham chiến. Trong cuộc bầu cử này, Franklin Roosevelt đã giành chiến thắng trước đối thủ Wendell Willkie của đảng Cộng hòa. Đứng giữa việc giữ lập trường trung lập và đối mặt với chủ nghĩa phát-xít ngày một hung hăng với dã tâm bành trướng, Tổng thống Franklin Roosevelt đã thi hành chính sách “cho vay - cho thuê” nhằm hỗ trợ Anh và đồng minh chống lại quân đội Đức quốc xã. Nhưng cuối cùng, Mỹ cũng phải tuyên bố tham chiến sau khi xảy ra trận Trân Châu Cảng (Nhật Bản tiến công căn cứ Hải quân Mỹ tại Hawaii vào tháng 12-1941).
Theo hãng TASS, trong nhiệm kỳ thứ ba, tên tuổi của Tổng thống Franklin Roosevelt được nhắc đến với chiến thắng của phe Đồng minh; cùng Thủ tướng Anh Winston Churchill tuyên bố Hiến chương Đại Tây Dương - văn kiện mà hai nhà lãnh đạo hy vọng trở thành nguyên tắc chung để “tạo lập thế giới tốt đẹp hơn”.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1944, Franklin Roosevelt tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư trong thời điểm chiến tranh thế giới chưa kết thúc. Lần này, ông chiến thắng áp đảo trước ứng viên Thomas Dewey của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, Tổng thống Roosevelt đột ngột qua đời ngày 12-4-1945. Lịch sử đánh giá ông đã vượt qua những thách thức về mặt chính trị và đời sống cá nhân, đưa nước Mỹ vượt qua cuộc đại khủng hoảng kinh tế trong thập niên 30 của thế kỷ 20 và lãnh đạo phe Đồng minh góp phần vào chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trang tin History.com ghi nhận, trong lịch sử chính trị Mỹ, đã có một vài tổng thống muốn thử phá tiền lệ như Franklin nhưng đều bất thành. Đơn cử như Ulysses S. Grant, Tổng thống thứ 18 (giai đoạn 1869 - 1877) đã thua cuộc trong chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ thứ ba vào năm 1880, khi James Garfield được đề cử là ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, sau đó trở thành Tổng thống thứ 20 của Mỹ.
Trong khi Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt thất bại trong nỗ lực tranh cử lần thứ ba vào năm 1912 trước đối thủ William Taft. Ngoài ra, Tổng thống Harry Truman, người kế nhiệm Tổng thống Franklin D. Roosevelt sau khi ông qua đời, cũng vận động tranh cử cho nhiệm kỳ thứ ba vào năm 1952, song sớm tuyên bố rút lui.
Mặc dù Tổng thống Franklin D. Roosevelt là một trong những vị tổng thống có nhiều công trạng nhất đối với Mỹ, nhưng người dân nước này vẫn lo ngại về tình trạng quyền lực chuyên chế tiềm ẩn.
Chính yếu tố này đã thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Tu chính án 22 trong Hiến pháp, theo đó các Tổng thống chỉ được cầm quyền hai nhiệm kỳ. Tu chính án thứ 22 được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 24-3-1947 và ngày 27-2-1951 chính thức đưa vào Hiến pháp Mỹ.
BẠCH DƯƠNG (Biên dịch)
Nguồn: nhandan.com.vn