Chủ trang trại nuôi chó lấy thịt, quán bán thịt chó phản ứng dữ dội
Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ thông qua dự luật cấm ăn thịt chó trong năm nay và dự kiến triển khai từ năm 2027. Thông tin này lập tức thu hút sự chú ý của dư luận.
"Đã tới lúc kết thúc những xung đột trong xã hội liên quan tới việc ăn thịt chó bằng cách triển khai một dự luật đặc biệt", ông Yu Eui-dong, một quan chức phục trách chính sách, phát biểu tại buổi họp dưới sự có mặt của chính phủ và nhà hoạt động vì động vật.
Một trang trại nuôi chó lấy thịt theo quy mô công nghiệp ở Hàn Quốc (Ảnh: People).
Để cụ thể hóa, dự luật sẽ hướng tới việc cấm giết mổ, phân phối và bán thịt chó. Sau 3 năm chuẩn bị, lệnh cấm sẽ chính thức áp dụng vào năm 2027.
Tháng 4/2023, tờ Korean Times đưa tin về việc Đệ nhất Phu nhân Hàn Quốc, bà Kim Keon-hee đã gặp gỡ các nhóm về quyền động vật và tuyên bố "sẽ cố chấm dứt hoạt động ăn thịt chó trước khi nhiệm kỳ của chính phủ này kết thúc".
Nhằm khuyến khích những người kinh doanh thịt chó đóng cửa hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác, chính phủ sẽ đưa ra mức hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, với các tiểu thương, điều này là không thể.
"Ăn thịt chó không thể bị coi như tội ác buôn bán ma túy hay mại dâm. Chưa từng có trường hợp nào người ăn thịt chó lại gây hại cho người khác", ông Joo Young-bong, lãnh đạo hiệp hội chăn nuôi chó Hàn Quốc, phát biểu.
Món thịt chó phục vụ trong một nhà hàng ở Hàn Quốc (Ảnh: News).
"Họ cố gắng cấm loại thực phẩm mà người dân đã ăn trong một thời gian dài thì đó là sai lầm, tước đi quyền tự do được lựa chọn ăn loại nào", ông Sung-gue nói.
Theo hãng thông tấn AP, thịt chó cũng được tiêu thụ ở Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Indonesia hay một số quốc gia châu Phi. Nhưng vấn đề thịt chó ở Hàn Quốc được quốc tế chú ý hơn cả, bởi đây là quốc gia duy nhất trên thế giới có những trang trại nuôi chó lấy thịt theo quy mô công nghiệp.
Ông An Byung-gil, một quan chức ủng hộ dự luật, cho rằng "đây là thời điểm chín muồi để thực hiện".
"Dù có thể ăn thịt chó từng là truyền thống của người dân, nhưng điều gì cần thay đổi vẫn phải thực hiện", ông An Byung-gil nói.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí