Hàng ngàn năm nay việc thắp hương (thắp nén tâm hương) đã ăn sâu vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng – nhất là khi Tết đến xuân về để kết nối với tổ tiên, ông bà…

1 Tuc Thap Huong Ngay Tet Cua Nguoi Viet Co Tu Bao Gio Vi Sao Cu Phai Thap Huong Theo So Le

Mỗi khi thắp hương người Việt thường đọc kê dâng hương, trong đó có đoạn:

“Nguyện đem lòng thành kính

Gởi theo làn khói hương

Phảng phất khắp mười phương

Cúng đường ngôi Tam Bảo…

2 Tuc Thap Huong Ngay Tet Cua Nguoi Viet Co Tu Bao Gio Vi Sao Cu Phai Thap Huong Theo So Le

Thắp hương người Việt thường dùng số lẻ. Ảnh minh họa.

Nói về nguồn gốc của tục thắp hương trên thế giới thì đã có trên 3.500 năm nay, ở Việt Nam ta có lẽ cũng bắt đầu từ khi có đạo Phật và đạo thờ cúng tổ tiên, ông bà.

Từ ngàn xưa, khi mới tìm ra lửa, con người ta đã bắt đầu phát hiện ra mùi thơm của gỗ khi cháy và tùy theo từng loại gỗ sẽ có những mùi thơm khác nhau. Cũng có lẽ nguồn gốc của tục lệ thắp hương cũng bắt đầu từ đó mà ra.

Người Việt Nam ta nói chung và người Hà Nội nói riêng mỗi khi lễ Tết đến là nhà ai cũng có một ban thờ, ngoài những mâm ngũ quả, mâm cỗ, rượu… có một thứ không thể thiếu được đó là hương.

Thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp và văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp và lễ Tết. Những ngày cuối năm khi đi mua sắm các thứ để chuẩn bị cho Tết người ta thường không quên mua vài thẻ hương về để thắp trên ban thờ ông bà, tổ tiên nhà mình.

3 Tuc Thap Huong Ngay Tet Cua Nguoi Viet Co Tu Bao Gio Vi Sao Cu Phai Thap Huong Theo So Le

Thắp hương nhỏ thường dùng ở chùa chiền và gia đình. Ảnh minh họa.

Có rất nhiều loại hương với những màu sắc như vàng, đỏ hoặc đen và có hình dạng, kích cỡ khác nhau để sử dụng cho từng mục đích: Loại to thường được sử dụng trong việc tang lễ, còn loại nhỏ bình thường sử dụng khi lễ ở chùa chiền, đền thờ… và trong gia đình.

Nhưng đặc biệt trong những ngày Tết, hay giỗ chạp người Hà Nội còn có một loại hương vòng được làm bằng nguyên liệu từ gỗ Trầm rất thơm. Những ngày này chỉ cần đi dạo trên những con phố ở Hà Nội là đã cảm nhận được cái mùi thơm của loại hương đó từ các ngôi nhà tỏa ra.

Thắp hương cũng phải biết cách, người ta thường chọn số lẻ 1, 3, 5, 7, 9 để thắp, nhưng cũng có trường hợp người ta đốt cả nắm hương chứ không chú trọng vào ý nghĩa con số. Theo như lý giải của đạo Phật thì người ta cho rằng những con số lẻ ứng với số que hương thường mang lại nhiều ý nghĩa linh thiêng và may mắn hơn.

Theo quan niệm tâm linh, khi thắp nén hương lên thì người ta như cảm thấy ấm lòng. Nén hương lúc này không còn là chuyện bình thường nữa, những làn khói và mùi thơm của hương đã trở thành một thứ gì đó linh thiêng, như gửi gắm tấm lòng thành kính, cầu mong cho mình những điều tốt đẹp và an lành, cũng như tưởng nhớ đến trời Phật và tổ tiên.

Với lịch sử tồn tại hàng nghìn năm, thắp nén hương ngày Tết, giỗ lễ… đã ăn sâu vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng.

Trong những giây phút chuyển giao thời khắc giữa năm cũ và năm mới – khoảng thời gian thiêng liêng mà bất cứ ai là người Việt Nam cũng đều thành kính thắp nén tâm hương cầu nguyện cho mình một năm mới vạn sự tốt lành và may mắn, cho đất nước được hưng vượng, thái bình…

Nguồn: Giadinh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC