Thần Tài là vị thần ý niệm, biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có. Ở nước ta, dù xuất hiện tương đối muộn và còn lệ thuộc vào Thần Đất, Thổ Địa

42 1 Tuc Tho Than Tai Cua Nguoi Viet Co Tu Khi Nao

Tục thờ cúng Thần Tài ra đời và phổ biến rộng rãi với sự phát triển của lực lượng doanh thương.

(Thần Tài được các nhóm di cư người Hoa thờ tự ở các đền, miếu, hội quán, tư gia, sau ảnh hưởng tới tín ngưỡng Việt) nhưng tín ngưỡng thờ Thần Tài vẫn ngày càng phát triển và phổ biến.

Nguồn gốc tập tục thờ thần Tài ở Việt NamTrong cuốn Thần Đất – Ông Địa & Thần Tài, từ việc nghiên cứu thư tịch cổ, các loại tranh tượng thờ, kho tàng truyện kể dân gian, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng cung cấp nhiều thông tin liên quan tín ngưỡng thờ Thần Đất, Thần Tài của người Việt (từ nguồn gốc đến tập tục thờ cúng và lễ vật…).

Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra mối liên hệ giữa Thần Đất và Thần Tài, lý do hai vị thần này được thờ chung không tách rời, cũng như sự biến chuyển của tín ngưỡng thờ Thần Đất, Thần Tài theo dòng lịch sử (từ thời “dĩ nông vi bản” đến “kinh tế thị trường”).

Theo tác giả, tín ngưỡng thờ Thần Đất, Thổ Địa ở nước ta có từ lâu và việc thờ tự vị thần này dựa vào hai tín lý cơ bản: Một là vị phúc thần bảo vệ cộng đồng dân cư; hai là vị thần ban sung túc, thịnh vượng.

Còn việc thờ tự Thần Tài ở xứ ta rất khó xác định có từ bao giờ, nhất là khi Thần Tài được hội nhập vào hệ thống thần bản gia – tức các thần linh bảo hộ cho gia đình (trong các vị thần bản gia có Táo Quân, Thổ thần, Ngũ tự và Thần Tài).

42 2 Tuc Tho Than Tai Cua Nguoi Viet Co Tu Khi Nao

Sách Thần Đất – Ông Địa & Thần Tài (NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM phát hành đầu năm 2021). Ảnh: Q.M.

Vào cuối thế kỷ XIX, sự phân biệt giữa Thần Đất (Thổ thần) và Tài thần vẫn còn chưa thực sự rõ rệt. Trong cuốn Đại Nam quấc âm tự vị (xuất bản năm 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của đã cắt nghĩa Thổ thần và Tài thần đều là “Thần đất, thần giữ tiền bạc”.

Sự nhập nhằng này có phần vô lý nhưng lại được thực tế công nhận. Bởi lẽ, người ta thường thờ chung Ông Địa (Thổ Địa) và Tài thần cùng một chỗ và coi đây một cặp đôi không thể tách rời được.

Hiện tượng này có thể xuất phát từ tín lý cổ xưa về Thần Đất có hai công năng: Một là bảo vệ cho một diện tích đất đai nào đó (nền nhà, vuông vườn, xóm ấp…); hai là nguyên lý sinh sản (hoa màu, nông sản…) của đất theo tín lý phồn thực.

Nói cách khác Thổ Địa cũng làm cho gia chủ phát đạt, giàu có (được mùa, bội thu…). Đó là tín lý của thời kỳ “dĩ nông vi bản” – coi nông nghiệp là sản xuất chính yếu, coi thương nghiệp là thứ yếu.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, kinh tế hàng hóa phát triển, thương nghiệp, doanh nghiệp ngày càng có vị trí trong hoạt động kinh tế thì tiền, vàng bạc là dấu hiệu của sự giàu có, chứ không còn là “ lúa thiên, ruộng mẫu”. Sự thay đổi đó dẫn tới việc con người cần một hình tướng mới chuyên trách cho việc phát tài: Ông Thần Tài.

Cũng kể từ đây, Thần Tài được thờ tự và non nửa thế kỷ sau trở thành một gia thần phổ biến với mọi nhà.

42 3 Tuc Tho Than Tai Cua Nguoi Viet Co Tu Khi Nao

Tượng Thần Tài (trái) chất liệu composite hiện đại, và gốm men màu Lái Thiêu. Nguồn: Sách Thần Đất – Ông Địa & Thần Tài.

Nhân duyên giữa ông Địa và thần TàiTuy nhiên, trong thực tế, Thần Tài không thay thế được thần Đất mà hai vị thần này được chấp nhận cộng tồn bên nhau, được thờ chung trong một khám thờ đặt sát đất, quay mặt ra theo hướng cửa chính của ngôi chùa, am, miếu hay ngôi nhà…

Thổ Địa (ông Địa) với hình tướng hỗn dung, mang thuộc tính sinh sản của đất, hàm chứa tính phồn thực, là nền tảng cơ bản của tín ngưỡng Thần Tài (với việc am hiểu địa bàn thần quản lý, ông Địa trở thành tiếp dẫn viên: “Môn khẩu Thổ Địa tiếp dẫn thần Tài”).

Còn Thần Tài, mang hình tướng của Phúc Đức Chánh Thần của người Hoa, chỉ khác là một tay vuốt râu và tay kia cầm xâu tiền điếu (hay thoi vàng xuồng)…

Một điều cũng cần lưu ý nữa là tín niệm tương sinh của ngũ hành “Thổ sinh kim”, nói cách khác đây là một tín lý coi Thổ Địa là Tài thần. Do vậy mới có câu liễn thờ thần Thổ Địa phổ biến sau: “Thổ năng sinh bạch ngọc / Địa khả xuất hoàng kim” (Đất hay sinh ngọc trắng / Địa có thể nảy vàng ròng).

Với những ý nghĩa đó, ông Địa, Thần Tài là hai mặt của một vấn đề. Ông Địa là lý, Thần Tài là sự; hai ông thờ chung nhau với “lý sự viên dung” (Lý và Sự giúp nhau thành tựu, làm nhân duyên cho nhau).

Tóm lại, tập tục thờ cúng thần Tài ra đời và phổ biến rộng rãi với sự phát triển của lực lượng doanh thương. Trong những thập niên vừa qua, tập tục thờ Thần Tài, cầu tài lộc nói chung cũng gia tăng, kéo theo sự đa dạng phức tạp hơn của tập tục này do “tích hợp” nhiều Thần Tài từ nhiều nguồn khác nhau, cũng như “nhập cảng” vô số các vật thờ chiêu tài cầu lộc.

Nguồn: Zing




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC