Trả lời:
Nhiều người nghĩ mệt mỏi, căng thẳng sẽ gầy đi nhưng hoàn toàn ngược lại. Khi căng thẳng, cơ thể phản ứng bằng cách giải phóng hormone cortisol, tạm thời làm tăng lượng đường trong máu, mang lại năng lượng cần thiết để đối phó với tác nhân này. Sau đó, lượng đường trong máu trở lại bình thường.
Nếu căng thẳng kéo dài, cortisol làm tăng lượng đường trong máu, từ đó mức insulin trong máu cao liên tục. Điều này gây kháng insulin, tích trữ mỡ trong cơ thể và mỡ bụng, tăng cân không kiểm soát. Nồng độ cortisol cao cũng cản trở cơ thể tạo ra các hormone khác, bao gồm cả hormone giải phóng corticotropin (CRH). Hormone này có vai trò kiểm soát sự thèm ăn, lượng CRH trong cơ thể thấp khiến một người ăn nhiều hơn bình thường.
Cơ thể có xu hướng sản xuất hormone ghrelin khi stress làm tăng cảm giác đói, thèm ăn nhiều hơn, nhất là thức ăn giàu đường và chất béo. Nhóm thức ăn này nhiều calo, gây tích trữ chất béo, dễ tăng cân. Người bị strees có xu hướng ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ ngọt, chất béo, do đường cung cấp năng lượng nhanh chóng khi cơ thể bị căng thẳng. Năng lượng này được lưu trữ chủ yếu ở mỡ bụng, khó loại bỏ.
Người bị căng thẳng có xu hướng dùng nhiều thức ăn nhanh, giàu chất béo. Ảnh: Anh Chi
Tình trạng này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ. Thiếu ngủ khiến quá trình trao đổi chất chậm lại, dẫn đến giảm tiêu hao năng lượng và tích tụ mỡ. Trong khi đó, béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như trầm cảm, huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, ung thư...
Để hạn chế tăng cân do căng thẳng, bạn nên kiểm soát chế độ ăn uống, lựa chọn thực đơn lành mạnh, nhiều rau xanh, hạn chế các món nhiều đường và dầu mỡ. Uống nhiều nước để giảm cảm giác đói, tập thể dục đều đặn, dành thời gian ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế rượu bia và thuốc lá, ngủ đủ giấc cũng hỗ trợ thư giãn, giảm cân.
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị Béo phì Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh