(Ảnh minh họa: Getty).
Đó là khoảnh khắc mà mọi điều Parvathinathan cố gắng đạt được đều có thể biến mất. "Tất cả bạn bè tôi đều phấn khích khi nói về tuổi 21 - được quyền uống rượu, vào quán bar, nhưng đó là lúc mà tôi lo sợ", CNN dẫn lời cô nói.
Ngày cô bước sang tuổi 21, Parvathinathan sẽ không còn được bảo vệ bởi thị thực làm việc vốn cho phép cha mẹ của cô di cư từ Ấn Độ tới Mỹ. Và cô có thể đối mặt với sự trục xuất.
Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 200.000 người giống như Parvathinathan đang sống trong hoàn cảnh như vậy tại Mỹ. Nhiều đứa trẻ được đưa tới Mỹ hợp pháp đang đấu tranh để tìm cách ở lại nước này, và nhiều trong số họ sẽ buộc phải rời khỏi Mỹ khi không còn lựa chọn nào khác.
Một lý do chính của tình trạng trên là sự tồn đọng thẻ xanh rất lớn, đặc biệt là đối với những người nhập cư từ Ấn Độ, vốn có thể mất hàng thập niên để có cơ hội nộp hồ sơ. Điều đó có nghĩa là, nhiều người tới Mỹ từ khi còn nhỏ vẫn đang chờ tới lượt gia đình họ được cấp thẻ trong khi họ bước sang 21 tuổi. Đến lúc đó, những người trẻ này không còn được coi là phụ thuộc, và phải độc lập tìm cách ở lại Mỹ một cách hợp pháp.
Một yếu tố khác là nhiều gia đình tới Mỹ với thẻ thị thực làm việc tạm thời không đủ điều kiện để trở thành công dân vĩnh viễn.
Và bởi vì người trẻ nằm trong những nhóm có thị thực cho phép họ sống hợp pháp ở Mỹ, họ không được bảo vệ bởi chương trình Bảo vệ Trẻ em vào Mỹ không có giấy tờ (DACA).
Chương trình DACA được thiết lập năm 2012 dưới thời Tổng thống Barack Obama như một biện pháp ngăn chặn việc trục xuất đối với những người được đưa tới Mỹ từ khi còn nhỏ và không có quốc tịch hoặc tình trạng cư trú hợp pháp. Cùng với việc cho phép ở lại đất nước, những người được bảo hộ còn có thể lấy được giấy phép làm việc và bảo hiểm y tế từ những người sử dụng lao động. Những người được DACA bảo hộ gọi là "Dreamer".
Những người như Parvathinathan đang hi vọng rằng các chính trị gia tại thủ đô Washington sẽ sớm thông qua luật để tìm ra giải pháp cho những người ở vào hoàn cảnh như cô và những người Dreamer. Nhưng điều này không thể diễn tiến nhanh được.
Dù tự nhắc nhở mình rằng phải kiên nhẫn, Parvathinathan vẫn đối mặt nhiều câu hỏi mà cô không thể trả lời.
Trong một cuộc phỏng vấn cho một chương trình tại trường đại học gần đây, một người đặt câu hỏi rằng cô muốn định vị mình như thế nào trong 5 hay 10 năm tới. Và cô không biết trả lời ra sao.
Lê Khanh
Nguồn: Báo điện tử Dân trí