Loại táo nhập khẩu có thể để trong điều kiện thường cả tháng không hỏng bởi chúng được bảo quản bằng một loại sáp. Vậy những chất bảo quản này có gây độc hại với người sử dụng hay không?

1 Vi Sao Tao Nhap Khau De Ca Thang Khong Hong

Sáp bảo quản trái cây tươi cả tháng

Để kiểm nghiệm loại táo nhập khẩu mua ở siêu thị có chất bảo quản hay không, nhiều người dùng mẹo để thử 1 quả táo trong điều kiện bình thường xem bao nhiêu lâu chúng mới hỏng.

Kết quả khá bất ngờ là quả táo để trong điều kiện thường cả tháng vẫn còn tươi. Chị Lê Mai Hoa (Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị có thói quen ăn táo nhập khẩu đã lâu. Một hôm chị thử xem táo có dùng thuốc bảo quản không bằng cách để quả táo trong điều kiện tự nhiên xem bao lâu thì hỏng. Kết quả là sau 1 tháng, quả táo vẫn còn tươi, vỏ vẫn đẹp.

Chị Hoa đặt câu hỏi, chế phẩm bảo quản táo là gì, liệu có gây độc hại cho người sử dụng? Ở các loại quả khác thì công nghệ bảo quản có giống nhau?

ThS Nguyễn Mạnh Khải, Khoa Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp cho biết, để trái cây được tươi lâu, các nước tiên tiến vẫn bảo quản bằng các lớp sáp tự nhiên làm từ thực vật, lành tính, không gây độc hại cho sức khỏe con người.

Có hai loại sản phẩm sáp cấp thực phẩm chính được áp dụng cho táo. Sáp Shellac được làm từ dịch tiết của bọ lac – một loài bọ cánh cứng được tìm thấy ở Thái Lan và Ấn Độ. Shellac cấp thực phẩm tạo ra độ sáng bóng trên táo. Khoảng 85% sáp táo được sử dụng ở Úc là dựa trên shellac. Loại khác là sáp carnauba có nguồn gốc từ cây cọ Copernicia prunifera chỉ được trồng ở Brazil. Loại sáp này ổn định hơn trong nhiều điều kiện độ ẩm và nhiệt độ rộng hơn. Khoảng 15% sáp táo được sử dụng ở Úc có nguồn gốc từ carnauba.

2 Vi Sao Tao Nhap Khau De Ca Thang Khong Hong

Táo nhập khẩu chính ngạch được bảo quản bằng loại sáp an toàn sức khỏe.

Cả sáp carnauba và shellac đều được chấp nhận là phụ gia thực phẩm tại Úc theo Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và New Zealand (FSANZ). Cả hai sản phẩm cũng được phê duyệt trên toàn thế giới bao gồm cả Hoa Kỳ, Châu Âu và Vương quốc Anh.

Cho nên, nếu là táo nhập khẩu thì không lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm bởi tất cả hoa quả nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cả tiểu ngạch và chính ngạch đều được kiểm soát chặt chẽ, những lô hàng không đảm bảo yêu cầu sẽ bị trả lại, không được nhập khẩu vào Việt Nam.

Chỉ đáng lo ngại là loại táo đó được bán không rõ nguồn gốc, hoặc đã bị thương lái sau khi nhập về tự bảo quản bằng thuốc không được phép.

Thực tế có nhiều cách để bảo quản trái cây tươi lâu, việc táo để cả tháng không hỏng, nếu là táo được nhập khẩu chính ngạch thì đã sử dụng công nghệ bảo quản tối ưu nhất để có thể đi vào các nước trên thế giới với thời gian dài mà không hỏng.

Ở Việt Nam cũng có rất nhiều công nghệ bảo quản trái cây tươi lâu bằng phương pháp sinh học như từ nhựa cây, lá cây hay các chế phẩm an toàn khác. Mục đích để hạn chế quá trình hô hấp, giúp quả tự bảo vệ, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, tránh sự ảnh hưởng của điều kiện khí hậu. Tuy nhiên do giá thành còn cao, không có quy mô sản xuất đại trà nên việc ứng dụng chỉ thu gọn trong một nhóm nhỏ nên ít người biết đến.

Ăn hoa quả theo mùa vẫn tốt nhất

Theo ThS Nguyễn Mạnh Khải, việc bảo quản trái cây phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, khi thấy trái cây giữ được lâu thì chưa nên vội kết luận đó là do các chất bảo quản độc hại.

Giống táo, lê có thời gian bảo quản dài, cộng với việc đã được sản xuất ở trong một điều kiện không bị nhiễm các vi sinh vật với điều kiện bảo quản tốt thì có thể kéo dài được từ 6-10 tháng, thậm chí cả năm.

Thời gian bảo quản dài hay ngắn còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản như nồng độ CO2, độ ẩm, nhiệt độ bảo quản (tốt nhất từ 1-5 độ C), điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm, loại cây, giống cây…

Trong điều kiện bình thường, quả táo hay quả lê không thể để được đến vài tháng mà không hỏng. Nhưng chất bảo quản an toàn thì cũng không sao.Ở Việt Nam, bưởi là loại trái cây có thể bảo quản được lâu nhất.

Trong điều kiện bình thường (chỉ cần mát và thoáng) thì có thể để được khoảng 5-6 tháng. Với thời gian đó, trong điều kiện bình thường, quả bưởi chỉ bị héo ở vỏ bên ngoài, nhưng bên trong không bị hỏng. Nhưng với hầu hết các loại trái cây khác, trong điều kiện sản xuất như ở Việt Nam, thời gian bảo quản là không dài.

Để bảo quản được lâu đến vài tháng, người ta sẽ phải tiêu diệt hết các tế bào sống có trong rau quả, nhưng làm như thế thì quả sẽ không bao giờ chín được. Bởi thế, hiện nay công nghệ phổ biến là ức chế quá trình phát triển của tế bào, vi sinh vật để kéo dài thời gian bảo quản. Do đó, quả có thể để cả tháng vẫn tươi ngon.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, tốt nhất là không nên ăn các loại quả để quá lâu mà không hỏng bởi dù bên ngoài vẫn tươi nhưng các chất bên trong vẫn có thể bị chuyển hóa. Cách tốt nhất là ăn quả theo mùa. Với quả nhập khẩu thì có thể chọn loại rõ nguồn gốc xuất xứ và dù để lâu vẫn tươi thì cũng nên dùng ngay khi mua.

Nguồn: Suckhoedoisong




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC