Theo Business Insider, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán liên quan tới virus corona chủng mới hiện đang “thổi bùng” sự sợ hãi và lo lắng trên phạm vi toàn cầu.
Mầm bệnh xuất phát từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc đã làm 259 người thiệt mạng và 11.943 ca nhiễm virus trên toàn cầu tính tới ngày 1/2.
Tính tới thời điểm này, virus 2019-nCoV dường như có tỷ lệ tử vong thấp hơn SARS, một chủng virus corona khác. Từ năm 2002-2003, SARS làm 774 người chết với tỷ lệ tử vong là 9,6%, trong khi chỉ số này với virus viêm phổi Vũ Hán hiện là 2%. Tuy nhiên, số người bị nhiễm virus 2019-nCoV trong 1 tháng qua đã vượt qua số người nhiễm SARS trong tổng cộng 8 tháng bệnh dịch diễn biến.
Mặt khác, đã có nhiều bệnh nhân nhiễm corona chủng mới đã hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Theo chính quyền Trung Quốc, hầu hết những người thiệt mạng vì virus viêm phổi Vũ Hán đều là người cao tuổi hoặc có tiền sử bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch của họ.
Tác động tâm lý
Các chuyên gia về sức khỏe cộng đồng nói với Business Insider rằng phần lớn những sự hoảng loạn vì mầm bệnh ở các nước ngoài Trung Quốc đều “không có tác dụng và không có cơ sở”. Người dân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị nhiễm bệnh nhưng phương pháp hiệu quả nhất được khuyến cáo thực hiện hàng ngày chính là tích cực rửa tay và không đụng chạm vào mặt hay miệng.
Amira Roess, giáo sư về y tế tại Đại học George Mason, bang Virginia, Mỹ nói rằng nỗi sợ hãi sẽ không ngăn được sự lây lan của virus và thậm chí có thể gây nên tác động tiêu cực tới xã hội.
“Có sự lây lan của mầm bệnh truyền nhiễn, và cũng có sự lây lan của những sự hoảng loạn”, chuyên gia Roess nhận định.
Giáo sư này cho rằng trong giai đoạn đầu của một dịch bệnh truyền nhiễm, hầu hết nguồn gốc của sự hoảng loạn đều xuất phát từ “sự sợ hãi đến từ những điều chưa biết rõ”.
Các nghiên cứu về tâm lý cho thấy những mối đe dọa bất thường có xu hướng gây ra sự sợ hãi nhiều hơn là những mối đe dọa thông thường. Ví dụ, tại Mỹ, tỉ lệ người tử vong vì bệnh tim là 1/7 trong khi tỉ lệ thiệt mạng vì bị khủng bố nước ngoài tấn công là 1/45.808. Tuy nhiên, trong một khảo sát năm 2016 về nỗi sợ hãi của người Mỹ do Đại học Chapman thực hiện, “tấn công khủng bố vào quốc gia” và “nạn nhân của khủng bố” đều xếp trong danh sách 5 nỗi sợ hãi lớn nhất.
Ngoài ra, theo Busines Insider, sự hoảng loạn cũng dẫn tới tâm lý kỳ thị. Trang tin này ghi nhận những trường hợp người gốc Á sống ở Pháp, Canada và Mỹ bị vướng vào các vụ phân biệt chủng tộc vì nỗi sợ hãi virus viêm phổi Vũ Hán. Một số doanh nghiệp ở các quốc gia, cửa tiệm từ chối phục vụ người Trung Quốc.
“Tôi ho trong lớp và mọi người đều nhìn chằm chằm vào tôi”, một sinh viên Mỹ gốc Á ở Đại học bang Arizona nói với Business Insider.
Vấn nạn tin giả kéo theo cơn hoảng loạn về mầm bệnh cũng khiến các chính phủ và các mạng xã hội lớn nỗ lực tìm cách xử lý và trấn an dư luận. Một trong những hoang tin lan truyền trên mạng xã hội thời gian vừa qua là uống thuốc tẩy để ngăn nhiễm virus, một phương pháp phản khoa học gây nguy hiểm, Business Insider cảnh báo.
Những hy vọng
Mặt khác, các chuyên gia y tế cũng chỉ ra những điểm tích cực và những yếu tố có thể mang lại hy vọng về việc dịch bệnh có thể sớm kiểm soát.
Đầu tiên, theo chuyên gia Richard Martinello của Đại học Yales của Mỹ, virus corona chủng mới đã được xác định nhanh hơn nhiều so với các mầm bệnh trước đây. Một tuần sau khi phát hiện ra dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã chia sẻ trình tự RNA của virus với các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.
Thứ 2, nền y khoa thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc kể từ khi chủng virus corona được phát hiện từ năm 1960. Các nhà virus học và các nhà nghiên cứu đã có nhiều công trình chuyên sâu về cơ chế hoạt động và lây nhiễm của những chủng này.
Chuyên gia Martinello cũng cho biết tại Mỹ, dịch cúm theo mùa thậm chí còn rủi ro hơn viêm phổi Vũ Hán. Ít nhất 15 triệu người Mỹ nhiễm cúm trong 4 tháng qua và 20.000 người đã thiệt mạng từ tháng 10, theo Business Insider.
Chuyên gia trên cũng khuyến cáo dư luận rằng các phương pháp chống cúm hay chống virus corona chủng mới đều như nhau là đảm bảo tay luôn sạch sẽ, tránh chạm vào mặt và cách ly với những người có mầm bệnh.
Theo Dân Trí